Tại Mohenjo Daro, một thị trấn ở tỉnh Sindh của Pakistan, nhiệt độ đã tăng lên đến 52,2 độ C trong 24 giờ qua, Shahid Abbas, một quan chức cấp cao của Cục Khí tượng Pakistan nói với hãng tin Reuters.
Đây là mức nhiệt cao nhất ghi nhận được trong mùa hè năm nay, và gần chạm mức nhiệt cao nhất lịch của thị trấn là 53,5 độ C và quốc gia là 54 độ C. Nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở Pakistan là vào năm 2017 khi nhiệt độ tăng lên 54 độ C tại thành phố Turbat, nằm ở tỉnh Balochistan.
Nhiệt độ tăng cao bất thường trong nhiều ngày đã khiến hàng trăm người tại thành phố Lahore phải điều trị say nắng. Tại Sukkur, hàng chục người cũng phải nhập viện vì lý do tương tự, khiến chính quyền thành phố đã dựng các lều trại cứu trợ để cấp cứu người sốc nhiệt cũng như phát nước đá miễn phí cho người dân.
Trong khi đó, nhiệt độ ở Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 độ C trong mùa hè năm nay. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, nhiệt độ tại thành phố Churu ở bang Rajasthan tăng vọt lên 50,5 độ C trong ngày 28/5. Trong khi mức kỷ lục của cả nước là 51 độ C, được thiết lập vào tháng 5/2016 tại thành phố Phalodi trong cùng bang.
Trong ngày 28/5, thủ đô New Delhi cũng ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước đến nay là 49,9 độ C. Đây là mức nhiệt cao nhất ở Delhi trong 100 năm qua. Trước đó, vùng thủ đô này ghi nhận mức nhiệt độ cao 49,2 độ C vào cuối tháng 5/2022. Các bang Rajasthan, Punjab, Haryana, Chandigarh, Delhi, Tây Uttar Pradesh và Gujarat cũng phát cảnh báo đỏ khi nhiệt độ liên tục vượt ngưỡng kỷ lục.
Theo các nhà khoa học, các sự kiện thời tiết cực đoan ở Ấn Độ đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, với tần suất và cường độ các trận lũ lụt, hạn hán và lốc xoáy tăng lên theo từng năm. Trong khi đó, thế giới đã ghi nhận 11 tháng liên tiếp nhiệt độ cao kỷ lục hồi tháng 4.
Các nhà chức trách Ấn Độ khuyến cáo người dân sống ở một số bang miền bắc và miền tây tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, uống đủ nước và mặc quần áo sáng màu. Giới chức địa phương cũng thường xuyên tưới nước ra đường, đưa người dân đến nơi tránh nóng và treo các áp phích nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp tránh nóng.
Theo trang tin Mint, Ấn Độ đã ghi nhận 16.000 trường hợp say nắng và 60 ca tử vong kể từ ngày 1/3. Tuy nhiên, chính phủ nước này hiện chưa xác nhận các báo cáo về số ca nhập viện và tử vong liên quan đến thời tiết.
Theo báo cáo được công bố ngày ngày 28/5 của mạng lưới khoa học World Weather Attribution và tổ chức Climate Central, nhiệt độ cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các ca tử vong liên quan đến khí hậu. Báo cáo cho rằng chính biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân khiến số ngày nắng nóng cực độ trong năm 2023 trung bình ở tất cả các nơi trên thế giới tăng thêm 26 ngày.