Đây là nhận định của các chuyên gia phân tích khi tiết lộ, ngay từ đầu tháng 1/2020 phía Mỹ đã đánh tiếng đề nghị được cử đội ngũ chuyên gia đến Trung Quốc theo phái đoàn công tác của WHO. Tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lời đề nghị đó vẫn chưa được chấp nhận.
Washington cho biết hôm 13/2 rằng, không có người Mỹ nào được mời đến Trung Quốc để tham gia chống dịch viêm phổi, mặc dù người Mỹ chiếm tới 13 trong số 25 cái tên mà WHO lập danh sách trình chính phủ Trung Quốc để làm nhiệm vụ.
Hôm 14/2, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, nhóm công tác của WHO cuối cùng chỉ có 12 chuyên gia quốc tế và 12 người mang quốc tịch Trung Quốc lên đường làm nhiệm vụ điều tra về sự lây lan của dịch bệnh cũng như mức độ nghiêm trọng của nó, được bắt đầu từ cuối tuần này.
Giới quan sát cho rằng, chính sự mất lòng tin ngày một tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã ảnh hưởng đến phản ứng này của Bắc Kinh, ngay cả khi Mỹ đưa ra các đề nghị viện trợ. Bởi từ trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Mỹ không hỗ trợ vật chất đáng kể và đã phản ứng với dịch bệnh thái quá khi đưa ra lệnh hạn chế đi lại nghiêm ngặt.
Giáo sư chính trị Wang Zhengxu, tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải nhìn nhận, Bắc Kinh đã không nhận thấy chính phủ Mỹ đã chân thành khi đưa ra đề nghị được hỗ trợ cho Trung Quốc. Hay họ cảm thấy rằng, đề xuất của chính phủ Mỹ được gửi đội ngũ chuyên gia y tế đến Hồ Bắc là quá nhỏ bé, không có ý nghĩa hoặc không quan trọng bằng một “nỗ lực cụ thể hơn của tình đoàn kết quốc tế”.
“Chính phủ Mỹ đã nói rất nhiều cụm từ ‘hỗ trợ Trung Quốc’ nhưng thực tế, mục tiêu chiến lược lại dường như đang nhân cơ hội này để gây thêm căng thẳng cho Trung Quốc. Nó như kiểu ‘đá xoáy’ các nỗ lực của Bắc Kinh, nhất là khi họ đang phải đối mặt với những chỉ trích trong nước và quốc tế về xử lý sự bùng phát củavirus”, ông Wang Wang nói.
Ông Wang cho rằng, ở một số tình thế WHO đang bị mắc kẹt ở giữa. Một mặt, tổ chức này phải coi trọng sức khỏe cộng đồng nhưng mặt khác, họ phải làm hài lòng Bắc Kinh bởi sẽ không thể hoạt động hiệu quả nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc.
Còn ông Yanzhong Huang, chuyên gia cao cấp về sức khỏe toàn cầu ở Washington thì cho biết: Chính người đứng đầu WHO cũng ở trong tình trạng khó xử, tiến thoái lưỡng nan trong việc đưa ra cảnh báo cộng đồng quốc tế không hoang mang hoặc có phản ứng thái quá với dịch bệnh, trong khi vẫn phải tán dương những nỗ lực chống dịch bệnh của Trung Quốc.
Ông Huang nói rằng, việc Bắc Kinh từ chối đề nghị gửi các chuyên gia của Mỹ là điển hình của sự thiếu tin tưởng giữa hai nước và nó đã bị “chính trị hóa”.