Đó là xã Sơn Bình, nơi được mệnh danh “thủ phủ” sầu riêng, cách trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) khoảng 8km về phía tây.
Xây nhà, sắm ô tô tiền tỷ từ sầu riêng
Về xã Sơn Bình mùa này, dọc hai bên đường và các đường thôn, xóm, hầu hết nhà nào cũng chất đầy sầu riêng vừa mới thu hoạch chờ thương lái chuẩn bị thu gom đưa lên xe tải chở đi tiêu thụ. Năm nay, giá sầu riêng Khánh Sơn lập đỉnh lịch sử nên nhiều hộ kiếm tiền tỷ, sắm ô tô đắt tiền.
Ông Lê Anh Quang, một người trồng sầu riêng ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình bảo: “Bây giờ Khánh Sơn giàu rồi, xe ô tô trị giá trên 1 tỷ rất nhiều”. Ông Quang nghe ngóng thông tin trong tháng vừa rồi toàn huyện sắm 20 chiếc xe ô tô và tháng tới sẽ thêm 80 chiếc nữa vì bà con đã đặt cọc hết rồi. Câu chuyện của ông nói với chúng tôi vừa vui, nhưng ông khẳng định nguồn tin này là sự thật. Hơn nữa, chúng tôi lên huyện nghèo Khánh Sơn thời điểm này, quả thật chứng kiến rất nhiều xe ô tô đậu trước cửa nhà.
Ông Quang cho biết, hiện gia đình ông trồng 3,5ha sầu riêng, trong đó 1,5ha đã cho thu hoạch. Những năm gần đây, gia đình ông lãi bình quân 1 tỷ đồng mỗi năm. “Năm nay gia đình được mùa sầu riêng, sản lượng đạt 25 tấn, bán xô giá 80.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng. Sở dĩ sầu riêng giá đột phá nhờ đã có mã số vùng trồng nên nhiều doanh nghiệp, thương lái đổ xô về thu mua để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Quang khoe.
Quả thực, cây sầu riêng đang mang lại hiệu quả rất cao cho bà con huyện Khánh Sơn, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Ông Văn Tấn Đạt tại thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cho biết, lúc trước gia đình trồng tiêu, cà phê nhưng hiệu quả không cao. Sau một thời gian tìm hiểu, ông nhận thấy cây sầu riêng hiệu quả, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên đã chuyển đổi diện tích trồng tiêu, cà phê sang trồng sầu riêng.
Hiện gia đình ông đã trồng 5ha sầu riêng, trong đó 2ha đã cho thu quả, bình quân mỗi năm thu về lợi nhuận gần 800 triệu đồng, có năm lên đến 1 tỷ đồng. Riêng năm nay, nhờ sầu riêng được mùa, giá bán cao hơn mọi năm nên gia đình ông thu về hơn 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 1,5 tỷ đồng.
“Gia đình tôi đông con, cuộc sống của gia đình trước đây rất khó khăn. Vợ chồng tôi và 5 người con ở trong căn nhà lụp xụp, lam lũ, sống lay lắt qua ngày. Những năm gần đây, nhờ chuyển sang trồng sầu riêng, kinh tế gia đình ngày càng đi lên, ổn định. Hiện gia đình tôi đã xây được ngôi nhà mái Thái khang trang gần 1,5 tỷ đồng”, ông Đạt cho biết.
Rất nhiều tỷ phú
Sơn Bình là một trong 7 xã của huyện miền núi Khánh Sơn, với 75% là đồng bào dân tộc Raglai, trước đây tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã chiếm hơn 61%. Tuy nhiên những năm gây đây, nhờ cây sầu riêng, nhiều bà con đã vươn lên khá giả. Giờ đây, những hộ thu nhập tiền tỷ từ cây sầu riêng trên địa bàn xã rất nhiều.
Ông Lê Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình cho biết, trước đây chưa có cây sầu riêng, đời sống bà con xã Sơn Bình rất khó khăn, người dân ở đây chủ yếu trồng cà phê và tiêu nhưng thu nhập không cao. Cây sầu riêng có mặt ở xã Sơn Bình từ năm 2000 do một dự án của huyện Khánh Sơn hỗ trợ. Nhưng giai đoạn này, người dân ở đây còn hời hợt với cây sầu riêng. Ban đầu, đa số giống sầu riêng được ưu tiên hỗ trợ trồng cho bà con đồng bào Raglai nhưng bà con trồng không hiệu quả do chưa nắm bắt được kỹ thuật.
Đến năm 2006, nhận thấy anh Cao Văn Sang ở xã Sơn Bình trồng sầu riêng thu về lợi nhuận cao, lúc này bà con ở đây mới nhận thấy được hiệu quả của cây sầu riêng và bắt đầu trồng đại trà.
Thời gian đầu, khi tới mùa thu hoạch, do không có thương lái đến thu mua nên bà con phải đèo từng giỏ sầu riêng đi bán, việc tiêu thụ gặp khá nhiều khó khăn. Đến năm 2015, thương lái bắt đầu lên để thu mua, lúc này trồng sầu riêng ở xã Sơn Bình bắt đầu phát triển mạnh.
So với các loại cây khác, sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nên bà con chuyển đổi dần từ cà phê sang sầu riêng theo hình thức xen canh, khi cây sầu riêng lớn mới chặt bỏ cây cà phê. Nhờ đó, bà con vẫn có thu nhập để "lấy ngắn nuôi dài" đầu tư cho cây sầu riêng.
1ha sầu riêng ở xã Sơn Bình hiện nay cho năng suất trung bình 20 tấn, với giá bán trung bình hiện nay 75.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng. Chi phí đầu tư cho cây sầu riêng ít, từ phân, nước, thuốc trị bệnh… chỉ chiếm khoảng 20 - 30% doanh thu.
Hiện toàn xã Sơn Bình có 430ha sầu riêng, trong đó khoảng 200ha trong thời kỳ kinh doanh, mỗi năm thu hoạch khoảng 2 nghìn tấn. Tổng số hộ trồng sầu riêng trong xã đến nay đã có hơn 500 hộ, trong đó diện tích từ 1ha trở lên khoảng 300 hộ. Những năm gần đây, số hộ có thu nhập tiền tỷ mỗi năm lên tới khoảng 100 hộ (từ 1 đến 20 tỷ đồng/hộ).
Cá biệt, một số hộ trồng sầu riêng chỉ với diện tích từ 0,5 – 0,7ha nhưng nhờ nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên vườn sầu riêng đạt năng suất cao, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Tiêu biểu như anh Võ Hoài Phương chỉ với diện tích 0,7ha nhưng thu được 1,8 tỷ đồng. Hiện toàn xã Sơn Bình có 8 hộ thu nhập gần 10 tỷ đồng/năm.
Không chỉ những hộ dân có đất trồng sầu riêng vươn lên thành tỷ phú, cây sầu riêng cũng giúp nhiều lao động có việc làm thường xuyên, vươn lên thoát nghèo. Hiện toàn xã Sơn Bình có 1.024 hộ dân, từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60% trước đây, đến tháng 6/2023, toàn xã chỉ còn 127 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12%. Sang năm 2024, khi cây sầu riêng trên địa bàn xã bước vào năm thứ 4 - 5 và bắt đầu cho thu hoạch, với giá bán như hiện nay, bà con chỉ trồng vài chục cây sầu riêng là đã có thể thoát nghèo.
“Giờ đây cứ nhìn thấy nhà cửa khang trang, bà con trên địa bàn sắm ô tô là nhờ trồng sầu riêng chứ không có nguồn thu nào khác. Sầu riêng có giá kéo theo giá đất tăng, giá công lao động tăng, giải quyết nhiều việc làm tại chỗ. Trước đây, bà con trong xã phải đi xuống biển để giữ bè thuê, lên Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai... hái cà phê, tiêu mướn. Còn bây giờ công ở đây làm không hết”, ông Lê Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Bình nói.
Để nâng cao chất lượng sầu riêng, hướng tới xuất khẩu, xã Sơn Bình đã thành lập 4 tổ hợp tác trồng cây ăn quả. Trong đó, đã quy hoạch vùng trồng có 2 tổ hợp tác với 37 hộ, được cấp mã số vùng trồng với diện tích 90ha. Hiện nay, 2 tổ hợp tác còn lại cũng đã làm hồ sơ để được cấp mã số vùng trồng.