| Hotline: 0983.970.780

Đặc sắc sầu riêng Khánh Sơn

Cơm vàng, hạt lép, lại chín 'lệch pha' vùng miền

Thứ Năm 07/09/2023 , 09:10 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng khá đặc biệt, đã tạo nên sầu riêng Khánh Sơn có múi to, cơm vàng, hạt lép, vị ngọt thanh, đặc biệt chín ‘lệch pha’ so với vùng miền khác.

Chất lượng đặc biệt, chín "lệch pha" vùng khác

Khánh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa, cách trung tâm TP Nha Trang khoảng 100km về phía tây nam. Do nằm trong vùng chuyển tiếp giữa cao nguyên Lâm Đồng và Duyên hải miền Trung nên khí hậu ở Khánh Sơn đặc trưng là nhiệt đới gió mùa, ôn hòa.

Thêm vào đó, thổ nhưỡng ở đây với đặc thù đất đỏ bazan chiếm trên 71%, đất phù sa chiếm gần 5%, độ pH từ 5 - 6, độ phì khá, cùng với đó các khoáng chất trung vi lượng sẵn có trong đất nên rất thích hợp trồng nhiều loại cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh.

Sầu riêng Khánh Sơn có múi to, thơm béo, vị ngọt thanh, cơm vàng, hạt lép. Ảnh: Kim Sơ

Sầu riêng Khánh Sơn có múi to, thơm béo, vị ngọt thanh, cơm vàng, hạt lép. Ảnh: Kim Sơ

Đặc biệt, cây sầu riêng giống Monthong được trồng ở Khánh Sơn cho năng suất, chất lượng cao, với trọng lượng trung bình 4 - 5kg/trái, cá biệt có nhiều trái đạt từ 7 - 8kg. Theo người tiêu dùng cũng như thương lái đánh giá, sầu riêng Khánh Sơn ngon hơn hẳn sầu riêng ở nhiều vùng khác, không chỉ múi to, thơm béo, có vị ngọt thanh mà còn có cơm vàng, hạt lép, tỷ lệ trọng lượng cơm lên đến 30 - 40%/quả.

Ông Đỗ Nhi Huy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn cho biết, sầu riêng Khánh Sơn có chất lượng đặc sắc, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận sở hữu nhãn hiệu cơm vàng hạt lép từ tháng 3/2011. Sở dĩ sầu riêng nơi đây có chất lượng vượt trội bởi nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao (8 - 9 độ C). Đây là điều kiện giúp quá trình tích lũy chất khô trong quả sầu riêng được tăng cường.

Mặt khác, sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế là ra hoa, kết trái “lệch pha” với những nơi khác nên không bị cạnh tranh, xung đột về thị trường tiêu thụ. Theo bà con nông dân ở huyện Khánh Sơn, mùa sầu riêng nơi đây bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8. Tức là sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây và Đông Nam bộ tầm 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng. Do đó, khi đến mùa thu hoạch, thương lái các vùng miền đổ về thu mua sầu riêng, đưa đi tiêu thụ khắp nơi.

Trước đây, sầu riêng Khánh Sơn được một người dân trồng từ những cây sầu riêng hạt. Không ngờ, cây sầu riêngsinh trưởng và phát triển tốt. Đến năm 1999, sau khi nghiên cứu các yếu tố khí hậu, chất đất địa phương và đặc tính của cây sầu riêng, huyện Khánh Sơn đã liên hệ với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đưa các giống sầu riêng như Ri6, Chín Hóa, Monthong về sản xuất thử nghiệm trên diện tích khoảng 10ha.

Đến nay, diện tích sầu riêng Khánh Sơn đạt khoảng 2.500ha, chủ yếu giống Monthong và một ít giống như Chín Hóa, Ri6. Trong đó, hiện khoảng 1.200ha đang trong thời kỳ kinh doanh, với sản lượng 15.000 tấn.

Sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế ra hoa, kết trái 'lệch pha' với những nơi khác nên không bị cạnh tranh thị trường tiêu thụ. Ảnh: Kim Sơ

Sầu riêng Khánh Sơn có lợi thế ra hoa, kết trái “lệch pha” với những nơi khác nên không bị cạnh tranh thị trường tiêu thụ. Ảnh: Kim Sơ

Đến năm 2008, huyện Khánh Sơn đã hỗ trợ cấp giống, vật tư, phân bón cho bà con nông dân với diện tích gần 500ha, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tỉnh Khánh Hòa có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón, hệ thống tưới cho những hộ dân chuyển đổi những giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng sầu riêng.

Dự kiến thu 1.000 tỷ đồng từ sầu riêng

Những ngày cuối tháng 8, người dân huyện Khánh Sơn đang tất bật thu hoạch sầu riêng đợt cuối. Năm nay nhuận tháng 2 âm lịch, cùng với thời tiết có sự bất thường nên sầu riêng Khánh Sơn ra hoa 2 đợt và muộn hơn mọi năm.

Trước đó, vào cuối tháng 6 - đầu tháng 7, một số ít diện tích sầu riêng chín sớm ở các xã phía tây của huyện này gồm Sơn Lâm, Thành Sơn, Sơn Bình đã được bà con cơ bản thu hoạch xong, bán với giá trung bình từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Đến đầu tháng 8, lứa sầu riêng chính vụ mới bắt đầu bước vào thu hoạch rộ.

Vườn sầu riêng của ông Lương Thanh Sơn có diện tích 0,8ha, năm nay lãi gần 600 triệu đồng. Ảnh: Kim Sơ

Vườn sầu riêng của ông Lương Thanh Sơn có diện tích 0,8ha, năm nay lãi gần 600 triệu đồng. Ảnh: Kim Sơ

Tuy nhiên theo bà con nông dân, trước thời gian thu hoạch khoảng 2 tuần, vùng sầu riêng Khánh Sơn đã nhộn nhịp, thương lái khắp nơi, có cả thương lái Trung Quốc đổ về dạo các vườn sầu riêng trên địa bàn đặt cọc thu mua rất nhiều, đẩy giá sầu riêng tăng cao.

Ông Lương Thanh Sơn, một người trồng sầu riêng ở tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp (huyện Khánh Sơn) cho biết, chưa năm nào người trồng sầu riêng Khánh Sơn vui mừng như năm nay, khi sản lượng, giá bán lập đỉnh lịch sử. 

Theo đó, tùy theo vườn sầu riêng cho trái đẹp hay xấu, thương lái đặt cọc thu mua xô với giá khác nhau, trung bình khoảng 55.000 đồng/kg đối với sầu riêng Ri6 và từ 70.000 - 80.000 đồng/kg đối với sầu riêng Monthong. Trong khi mọi năm sầu riêng Ri6 chỉ dao động từ 35.0000 - 42.000 đồng/kg, còn Monthong năm ngoái có giá cao nhất cũng chỉ dao động từ 52.000 - 53.000 đồng/kg.

Với giá này, theo ông Sơn, hầu hết bà con thu hoạch sẽ có mức lãi cao bởi năng suất sầu riêng năm nay bằng như mọi năm, trung bình từ 15 - 20 tấn/ha đối với cây từ 6 - 7 năm tuổi trở lên. “Với chi phí đầu tư 1ha khoảng 300 triệu đồng, nông dân thu hoạch sầu riêng sẽ lãi tiền tỷ", ông Sơn khẳng định.

Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Nhã ở thôn Cô Lắc, xã Sơn Bình có gần 2ha sầu riêng chủ yếu là giống Monthong, vụ này cho thu hoạch với sản lượng hơn 35 tấn. Chi Nhã phấn khởi cho biết, lứa sầu riêng đầu vụ, chị thu hoạch 15 tấn bán với giá 60 nghìn đồng/kg, còn đợt 2 thu hoạch 20 tấn bán với giá 72 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 1,5 tỷ đồng.

Sầu riêng Khánh Sơn đang thu hoạch cuối vụ, nhưng giá sầu riêng mua xô vẫn giữ mức ổn định từ 70 - 80 nghìn đồng/kg. Ảnh: Kim Sơ

Sầu riêng Khánh Sơn đang thu hoạch cuối vụ, nhưng giá sầu riêng mua xô vẫn giữ mức ổn định từ 70 - 80 nghìn đồng/kg. Ảnh: Kim Sơ

Việc giá sầu riêng năm nay được thu mua cao nhất từ trước đến nay, theo bà con nông dân, đó là nhờ hiện nay nhiều vùng trồng sầu riêng ở Khánh Sơn đã có mã số vùng trồng nên các thương lái, có cả thương lái Trung Quốc đổ về lùng mua, chốt giá và đợi ngày thu hoạch để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay sầu riêng Khánh Sơn đang thu hoạch cuối vụ, song theo ghi nhận, giá sầu riêng mua xô vẫn giữ mức ổn định từ 70.000 - 80.000 đồng/kg đối với giống Mongthong (tùy vườn). Ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, đây là vụ sầu riêng bội thu của bà con Khánh Sơn. Ngành nông nghiệp huyện ước doanh thu từ sầu riêng năm nay sẽ khoảng 1.000 tỷ đồng.

Ông Bo Bo Khá, Tổ trưởng tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp cho biết, trước đây bà con ở huyện Khánh Sơn không mặn mà lắm với cây sầu riêng. Bởi vì sầu riêng khi chín có mùi khó ngửi, không ai muốn ăn. Dần dần sau này bà con ai cũng biết ăn và bây giờ thấy sầu riêng là thèm. Từ khi chuyển sang trồng cây sầu riêng, cuộc sống của bà con ở đây có sự đổi thay rõ rệt. Đặc biệt, năm nay bà con được mùa sầu riêng, cộng thêm được giá nên có tiền để xây nhà, sắm sửa cho gia đình.

Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.