| Hotline: 0983.970.780

Xã người Dao đam mê làm du lịch

Thứ Sáu 11/11/2022 , 06:42 (GMT+7)

Thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) hiện vẫn giữ nguyên nét hoang sơ và đang được bà con dân tộc thiểu số nơi đây đầu tư, khai thác thành khu du lịch.

311331058_436050141993602_2479457531534207174_n

Khách du lịch được trải nghiệm thêu tay trang phục dân tộc. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhắc đến Kỳ Thượng là nhắc đến một xã nghèo miền núi thuộc TP Hạ Long (Quảng Ninh). Nằm ở độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển, nơi đây vẫn còn giữ cho mình nét hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với núi rừng trập trùng, không khí thoáng đạt, mát mẻ.

Chính vì sở hữu tiềm năng to lớn để làm du lịch, thời gian gần đây, người dân thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng đã có sự đầu tư, quyết tâm làm du lịch trên chính mảnh đất quê hương, để góp phần quảng bá du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm ở nơi trước đây được xem là vùng đất không ai biết đến.

Là một xã nghèo mới thoát khỏi diện 135, người dân sinh sống ở xã Kỳ Thượng 100% là đồng bào dân tộc thiểu số người Dao. Thôn Khe Phương, nơi từng là thôn “5 không” của Kỳ Thượng. Không điện, không đường, không nước sạch, không trạm phát sóng, không trường học kiên cố. Ngày trước, cứ mỗi bận mưa là đường vào thôn bùn lầy ngập đến quá đầu gối. Nhưng đó là chuyện của hơn chục năm trước. Bằng nguồn vốn của Chương trình 135 và nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng cái “không” đã lần lượt được xoá bỏ.

Anh Bàn Văn Vy, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn Khe Phương cho biết, năm 2009 có đường điện; năm 2010, công trình tưới tiêu đã được xây dựng để phục vụ bà con; trường học thì giai đoạn 2011-2012 đã được đầu tư. Đến năm 2017, hơn 2,3 tỷ đồng đã được dùng cho việc xây dựng công trình nước sạch. Đây cũng là năm là con đường bê tông dài 9 km dẫn từ trụ sở xã về đến thôn Khe Phương được xây dựng, với mức vốn gần 30 tỷ đồng từ Chương trình 135 và con đường mong ước đó được hoàn thành năm 2019.

Những tuyến đường bê tông hóa đã mở ra nhiều cơ hội mới làm giàu cho người dân tộc thiểu số nơi đây. Anh Lý Tài Ngân là một trong những điển hình về phát triển kinh tế của thôn Khe Phương với dự án Khu du lịch Am Váp Farm. 

z3820570437314_7b06311d3dc35b89416df419b6ff8266

Những căn nhà làm bằng gỗ do người dân tộc thiểu số ở địa phương đóng góp. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gọi là khu du lịch cho sang, nhưng quy mô của Am Váp Farm chỉ rộng chừng 300m2. Sau khoảng 2 năm xây dựng, anh Ngân, anh Vy cùng những người bạn khác của mình đã dựng lên 2 ngôi nhà sàn với 4 phòng lưu trú tập thể, có sức chưa tối đa khoảng 40 người, cùng một nhà hàng, tất cả đều làm  bằng gỗ. Những nét văn hoá đặc trưng như trang phục dân tộc, công cụ lao động của người Dao được trưng bày khéo léo tại đây.

Anh Ngân chia sẻ, nhóm của anh đang bàn với các hộ dân khác trong thôn xây dựng từ 1-2 phòng lưu trú hoặc cho thuê lại đất để tạo thêm phòng ở cho du khách, có như thế anh mới tự tin ký hợp đồng với các công ty lữ hành để làm tour. Nếu ý định này thành công, người dân Khe Phương sẽ không chỉ có thêm thu nhập từ việc cho khách tham quan nhà ở và bán nông sản như hiện này, mà còn từ việc làm dịch vụ lưu trú, nghỉ đêm.

Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long đã hình thành đô thị loại I với địa hình độc đáo nhất - vừa có di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long, vừa có sông, vừa có đồi núi với những cánh rừng xanh thăm thẳm. Sự độc đáo về địa hình, về văn hóa sẽ tạo ra những nét độc đáo về du lịch. Trong đó, bản sắc văn hóa người Dao tại 2 xã Đồng Sơn, Kỳ Thượng và Khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng với sự đa dạng động vật, thực vật bậc nhất của tỉnh Quảng Ninh sẽ tạo những điểm nhấn đặc biệt.

Ông Linh Du Hồng, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng cho biết, chỉ có nhờ ngành du lịch thì người dân tộc thiểu số ở những vùng sâu vùng xa, vùng còn khó khăn mới có cơ hội phát triển kinh tế mà vẫn giữ được bản sắc, văn hoá bản địa, bảo vệ tài nguyên tự nhiên. Từ đó, hạn chế việc người dân ly nông, ly hương.

Có thể nói, nhằm đưa nơi "thâm sơn, cùng cốc" này lên bản đồ du lịch, kết nối với vịnh Hạ Long tạo thành hành lang du lịch rừng biển, người dân xã Kỳ Thượng đã và đang không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm làm dịch vụ du lịch. Bởi nơi đây đang có những dự án tầm cỡ như Quần thể bảo tồn thiên nhiên và du lịch Safari Hạ Long, cùng các công trình giao thông trọng yếu sẽ tạo sự thuận lợi trong đi lại, từ đó thu hút thêm đông đảo du khách thập phương.

Đến hết năm 2021, Khe Lương là thôn cuối cùng của Kỳ Thượng không còn hộ nghèo hay cận nghèo và cả xã Kỳ Thượng cũng theo đó đưa được tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 về 0% (năm 2010, tỷ lệ này là 9,35%).

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Vì một Tây Ninh xanh đáng đến, đáng sống

Trồng và bảo vệ rừng là một trong giải pháp giúp Tây Ninh bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu tiến tới xây dựng 'Tây Ninh xanh'.

Cần tăng đầu tư, hỗ trợ lực lượng bảo vệ rừng

Yên Bái là điểm nóng về cháy rừng, ý thức người dân chưa cao, địa hình chia cắt, lực lượng mỏng, thiếu thiết bị chuyên dụng nên công tác chống cháy rừng còn gian nan.