| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi ở vùng cao Bảo Yên

Xã người Tày có hàng ngàn ngôi nhà sàn cổ quý hiếm

Thứ Năm 27/04/2023 , 06:05 (GMT+7)

Giá trị truyền thống được nuôi dưỡng, thổi hồn đang dần hình thành bảo tàng sinh thái của cộng đồng dân tộc Tày đầu tiên của Việt Nam tại xã người Tày Nghĩa Đô.

Danh thắng xã Nghĩa Đô. Ảnh: Hoàng Anh. 

Danh thắng xã Nghĩa Đô. Ảnh: Hoàng Anh. 

1.

Bữa cơm tối ở trung tâm huyện Bảo Yên với Bí thư Huyện ủy Nguyễn Anh Chuyên, ông bảo, nhà báo nhất định phải về quê tôi một chuyến, có nhiều cái hay để viết lắm. Năm vừa rồi Bộ NN-PTNT đã chọn quê tôi là một trong 12 mô hình thí điểm của cả nước để thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đấy.

Ông Chuyên là người Tày ở xã Nghĩa Đô, cách trung tâm huyện Bảo Yên tầm khoảng 30 cây số. Đó là một vùng lòng chảo bốn bề là núi, làn sương sớm mỏng tang vờn trên những cánh rừng, nương quế, dòng suối Nậm Luông uốn lượn qua cánh đồng bằng phẳng như một nét vẽ điểm xuyết vào bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt sắc. Quả nhiên có đến đây rồi mới thấy, Nghĩa Đô đúng là một một trong những vùng nông thôn miền núi đẹp và yên bình bậc nhất Tây Bắc.

Chả thế mà suốt dọc đường đi, ông Chuyên không ngừng khoe với chúng tôi, người ta gọi Nghĩa Đô quê tôi là ngũ cực, cực xanh, cực sạch, cực đẹp, cực ngon và cực hay. Xanh màu xanh của núi rừng, sông suối, của những rừng cọ, đồng lúa, nương dâu. Sạch đẹp bởi nề nếp sinh hoạt, phong tục tập quán của cộng đồng người Tày sinh sống lâu đời dưới những mái nhà sàn truyền thống lợp bằng lá cọ. Thơm ngon những món ăn làm từ sản vật địa phương và và hay bởi những phong tục tập quán, những nét văn hóa đồng bào còn lưu giữ, trao truyền.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Anh Chuyên (giữa) khảo sát du lịch sinh thái ở Nghĩa Đô. Ảnh: Thanh Hải.

Bí thư Huyện ủy Nguyễn Anh Chuyên (giữa) khảo sát du lịch sinh thái ở Nghĩa Đô. Ảnh: Thanh Hải.

Cộng đồng người Tày ở Nghĩa Đô sống quần tụ dưới những mái nhà sàn lúp xúp, cổ kính, nhuốm màu của thời gian. Khác với nhiều đồng bào ở Tây Bắc vốn quen với du canh du cư, người Tày ở Nghĩa Đô rất coi trọng sự ổn định. Mái nhà sàn lợp cọ trở thành nét văn hóa lâu đời, vừa là nơi cư trú vừa mang nét văn hóa đậm bản sắc đồng bào. Cả xã hiện có hơn 1.000 ngôi nhà sàn cổ hàng mấy trăm năm của hơn 1.000 hộ đồng bào dân tộc Tày qua nhiều thế hệ.

Những căn nhà truyền thống được dựng bằng vật liệu sẵn có, mái lợp bằng lá cọ hoặc cỏ gianh, sàn được lát bằng tre hoặc gỗ. Giàu hay nghèo cũng là nhà năm gian, lưng tựa vào núi, mặt quay ra dòng suối Nậm Luông chảy qua cánh đồng của bản. Thoáng đãng vô cùng. Ông Chuyên dẫn tôi đi thăm mấy gia đình trong bản như gia đình nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi, pho sử sống đồng thời là người lưu giữ, trao truyền những câu tục ngữ, chuyện cổ và làn điệu hát ru của người Tày. Nghe đâu ông cụ còn là người xuất bản sách nhiều nhất ở huyện Bảo Yên, chủ yếu là các cuốn sách để dạy thế hệ sau về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào.

Thung lũng Nghĩa Đô xanh. Ảnh: Hoàng Anh.

Thung lũng Nghĩa Đô xanh. Ảnh: Hoàng Anh.

Cụ Sợi chia sẻ, xã người Tày Nghĩa Đô là cộng đồng dân cư sinh sống lâu đời nhất nơi đây nên đã tạo dựng nên những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét riêng, đặc trưng không một địa phương nào có được. Đó là nhưng giá trị về tập quán xã hội tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, nghề thủ công và lễ hội truyền thống.

Trong hệ thống các giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày vùng đất Nghĩa Đô đến nay được thể hiện nhiều nhất là tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công và lễ hội truyền thống. Xã người Tày Nghĩa Đô hiện nay vẫn duy trì các công thức ẩm thực độc đáo; các giá trị về dân ca, dân vũ và dân nhạc, các nghề thủ công và lễ hội dân gian… Mời nhà báo ở lại Nghĩa Đô cùng với chúng tôi chuẩn bị ngày hội Sắc vàng bên dòng Nậm Luông vào đúng dịp 30/4 và 1/5. Hôm đó sẽ là ngày hội văn hóa dân gian thực thụ với các chuỗi hoạt động đặc sắc như cuộc thi homestay đẹp, trưng bày ảnh nghệ thuật đất và người Bảo Yên, thi làm sản phẩm thủ công truyền thống….

Bà Nguyễn Thị San với nghề đan lát truyền thống của người Tày ở Nghĩa Đô. Ảnh: Hoàng Anh. 

Bà Nguyễn Thị San với nghề đan lát truyền thống của người Tày ở Nghĩa Đô. Ảnh: Hoàng Anh. 

Chúng tôi ghé thăm bà Nguyễn Thị San ở bản Nà Khương. Ở tuổi 62 bà San hiện đang là giám đốc hợp tác xã nghề truyền thống của xã. Nghĩa Đô nổi tiếng với các nghề đan lát, dệt thổ cẩm, qua thời gian từng bị mai một ít nhiều, nay đang được tập trung khôi phục để giữ gìn văn hóa và phát triển du lịch. Ở Nghĩa Đô từ mấy năm nay, người dân, cán bộ, học sinh đều mặc trang phục truyền thống của đồng bào. Trò chuyện với những người như ông Sợi, bà San không những có thêm thông tin về đời sống lại còn học được nhiều phong tục tập quán thú vị của người Tày ở Nghĩa Đô.

Theo quan niệm của người Tày, nhà sàn phải được dựng các gian theo số lẻ như 3, 5, 7, cầu thang lên xuống có 9 bậc tượng trưng cho 9 vía của người phụ nữ. Bếp lửa được đặt ở nơi trang trọng, vừa để sưởi ấm ngôi nhà vừa là nơi thờ thần lửa. Mỗi khi có khách quý đến nhà gia chủ phải xuống tận chân cầu thang đón mời. Gian chính giữa của mỗi ngôi nhà sàn được chọn làm nơi thờ cúng tổ tiên và các vị thần linh. Không gian linh thiêng nên được giữ gìn trang nghiêm, kiêng đến gần nhất là đối với phụ nữ. Gia đình bà San tiếp đãi chúng tôi bằng một mâm cơm truyền thống của người Tày ở Nghĩa Đô. Có vịt bầu cổ xanh Nghĩa Đô thơm ngon nức tiếng, có măng đắng lấy từ rừng, nộm da trâu, rau dớn, ngọn cọ, xôi ngũ sắc, cá suối, toàn là sản vật của địa phương.

Một góc nhà sàn của người Tày ở Nghĩa Đô. Ảnh: Thanh Hải. 

Một góc nhà sàn của người Tày ở Nghĩa Đô. Ảnh: Thanh Hải. 

Nâng chén rượu ngô men lá trong vắt như thể mắt mèo, Bí thư Nguyễn Anh Chuyên cao hứng: So với những ngôi làng cổ nức tiếng trên thế giới như Giethoorn của Hà Lan hay Ainokura của Nhật Bản thì giá trị văn hóa, bản sắc của bản làng người Tày ở Nghĩa Đô không thua kém gì, thậm chí còn có những nét đặc sắc riêng. 1.091 ngôi nhà ở các bản Mường Kem, Nà Luông, Bản Hốc, Bản Đon, Pác Bó, Nậm Cằn, Thâm Mạ được cộng đồng bảo tồn gần như nguyên vẹn cả về kiến trúc lẫn cảnh quan. Chúng tôi đang cùng với cộng đồng tìm cách xây dựng, phát huy tiềm năng lợi thế riêng có để làm nên một Nghĩa Đô xanh, điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà cả với cộng đồng quốc tế. Đề án Bảo tồn hệ sinh thái và không gian văn hóa dân tộc Tày Tây Bắc đang được thực hiện. Rồi đây nhà báo sẽ thấy Nghĩa Đô sẽ là bảo tàng sinh thái của cộng đồng người Tày cả khu vực Tây Bắc này.

Nhà sàn truyền thống ở Nghĩa Đô xanh. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhà sàn truyền thống ở Nghĩa Đô xanh. Ảnh: Hoàng Anh.

2.

Lướt qua đề án Bảo tồn hệ sinh thái và không gian văn hóa dân tộc Tày Tây Bắc ở xã Nghĩa Đô phần nào có thể mường tượng về một hệ sinh thái Nghĩa Đô xanh sẽ sớm hình thành. Nhất là khi Đảng bộ, chính quyền địa phương đã nhận thức được đường hướng phát triển trong đó đề cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Bảo tàng sinh thái của cộng đồng dân tộc Tày đầu tiên của Việt Nam đang dần được hình thành.

Cuối năm 2021, quy hoạch chung xây dựng xã người Tày Nghĩa Đô xác định các mục tiêu phát triển rõ ràng. Trong đó, khu bảo tồn có diện tích 816ha sẽ là khu vực được bảo vệ đặc biệt về di sản thiên nhiên và tài nguyên sinh thái như những cánh đồng lúa, thác nước, nhà sàn và các di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp hiện có. Khu vực phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch hơn 359ha sẽ là hạt nhân phát triển với trung tâm hành chính, chính trị, dịch vụ, văn hóa, thương mại dịch vụ chất lượng cao. Hơn 2.659ha với phần lớn địa hình đồi núi cao, phù hợp phát triển nông, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Quy hoạch Nghĩa Đô trở thành không gian văn hóa dân tộc Tày Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Anh.

Quy hoạch Nghĩa Đô trở thành không gian văn hóa dân tộc Tày Tây Bắc. Ảnh: Hoàng Anh.

Bí thư Lê Anh Chuyên nói, cái khác biệt Nghĩa Đô làm so với nhiều nơi khác đó là xây dựng bảo tàng sinh thái nhằm thực hiện việc bảo tồn các di sản văn hóa và thiên nhiên ngay tại chỗ. Sự tham gia tự nguyện và chủ động của người dân sẽ giữ vai trò nòng cốt. Chính người dân sẽ gắn việc xây dựng bảo tàng sinh thái với phát triển du lịch cộng đồng, tạo lập và duy trì sinh kế, phát triển cộng đồng một cách bền vững. Có như vậy người dân mới được tiếp cận, hưởng thụ, quản lý di sản ngay tại không gian cộng đồng dân cư đang sinh sống, sinh hoạt, lao động sản xuất. Nói nôm na, mỗi người dân Nghĩa Đô sẽ là một “kho” tài liệu sống về văn hóa bản địa, là một tuyên truyền viên để quảng bá, lan tỏa tri thức bản địa trong cộng đồng và xã hội. Thông qua việc bảo tồn, nâng tầm các giá trị văn hóa, nghề thủ công truyền thống người dân sẽ được hưởng lợi từ việc làm dịch vụ du lịch.

Bảo tồn, nâng tầm các giá trị văn hóa, nghề thủ công truyền thống người dân sẽ được hưởng lợi từ việc làm dịch vụ du lịch. Ảnh: Thanh Hải

Bảo tồn, nâng tầm các giá trị văn hóa, nghề thủ công truyền thống người dân sẽ được hưởng lợi từ việc làm dịch vụ du lịch. Ảnh: Thanh Hải

Kế từ khi được công nhận là điểm du lịch văn hóa cấp tỉnh, đồng bào Tày ở Nghĩa Đô cũng háo hức mở các homestay để phục vụ du lịch. Hiện đã có 28 hộ dân tham gia mô hình này và cách làm của đồng bào nơi đây cũng rất khác biệt. Du khách đến Nghĩa Đô sẽ sinh hoạt, ăn uống và tham gia các hoạt động thường ngày cùng người dân. Ban ngày trải nghiệm các nghề truyền thống như đan lát, dệt khung cửi, leo núi, tắm suối… Tối đến thưởng thức bữa cơm đậm phong vị Tây Bắc, đắm chìm trong những làn điệu hát then, trong tiếng đàn tính và những điệu múa riêng có của đồng bào. Thật vui khi nghe người dân nơi đây tiết lộ, vừa rồi cụm homestay Nghĩa Đô vinh dự là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của Việt Nam, cùng với xã Sin Suối Hồ ở Lai Châu đoạt giải thưởng ASEAN Homestay Standard giai đoạn 2023 - 2025.

Rồi đây, khi Dự án Trung tâm bảo tồn văn hóa Tày Tây Bắc với tổ hợp các công trình kiến trúc, cảnh quan quy mô lớn với hệ thống cọn nước liên hoàn lớn nhất vùng Tây Bắc, cảnh quan thuận tự nhiên bên dòng suối Nậm Luông đi vào hoạt động chắc chắn Nghĩa Đô sẽ là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách. Để Nghĩa Đô không chỉ là nơi phát triển mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái bền vững mà còn là trung tâm của cộng đồng người Tày ở khu vực Tây Bắc.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.