| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở nông thôn

Xã nông thôn mới kiểu mẫu có 35% ca tử vong do ung thư

Thứ Hai 10/10/2022 , 08:48 (GMT+7)

Ông Nguyễn Trọng Dũng ở thôn Thành Liên (xã Trường Sơn, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) tự vỗ vào bụng mình. Nó phát ra những tiếng bịch bịch như một cái trống ếch.

Báo cáo số liệu nhưng chẳng có ai thắc mắc

Bài liên quan

Sau mỗi đợt điều trị thuốc Nam thì bụng của ông Dũng lại phình lên như thế. Xơ gan cổ chướng khiến 3 - 4 năm nay ông ăn rất khó, ngủ chập chờn, thân hình chỉ còn da bọc xương, hễ đụng vào có thể vỡ mạch, chảy máu không ngừng, tím bầm đến đấy. Trong nhà, di ảnh của người vợ mới vừa qua giỗ đầu vẫn còn ám mùi hương khói. Họ đi làm kinh tế ở trong Gia Lai, mới trở về quê 6 năm nay.  

Bà phát bệnh ung thư trước, mổ 3 lần hết hơn 400 triệu, phải cầm cả sổ đỏ nhà thì đến lượt ông dính, chi phí chữa giờ cũng cỡ 300 - 400 triệu, phải cắt dần mảnh đất tổ tiên ra mà bán. “Họa vô đơn chí” nhà họ có tới 4 người bị bệnh, ngoài ông, bà bị ung thư còn có con trai cả bị tim, con gái bị khối u, chỉ mình con trai thứ là trụ cột với cái nghề đụng, nghĩa là đụng đâu làm đấy, ai thuê gì cũng nhận, công được 200.000 đồng/ngày. “Bố tôi bị ung thư gan, mấy ông bác cũng bị ung thư gan…”, ông Dũng mở đầu câu chuyện với tôi bằng giọng phiền não.

Empty

Cán bộ Trạm y tế đang khám cho ông Nguyễn Trọng Dũng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Thịnh Quang - cán bộ Trạm y tế xã Trường Sơn bảo, trước đây, khi còn công tác ở Trạm y tế xã Thăng Bình đã thấy bệnh ung thư bùng phát rất nhiều rồi, có những năm cỡ khoảng trên dưới 20 người trong tổng số 40 - 50 ca tử vong. Khi về đây công tác anh cũng thấy nhiều người dân quê mình mắc ung thư, đặc biệt là phổi, gan.

Một xã nhỏ có 4.285 khẩu như Trường Sơn nhưng theo số liệu trên sổ tử từ năm 2016 tới nay đã 71 người chết vì ung thư, chiếm 35,5 % số lượng tử vong. Cụ thể năm 2016 có 8/30, năm 2017 có 12/41, năm 2018 có 10/27, năm 2019 có 10/26, năm 2020 có 11/35, năm 2021 có 10/36, từ đầu năm 2022 tới tháng 8 có 10/25. Ngoài ra còn có 5 bệnh nhân đang ngày ngày phải vật lộn với cái chết, nhưng con số thực tế phải trên 10 bởi nhiều người giấu bệnh hoặc không đi khám.

Empty

Hễ đụng vào là mạch máu trên người ông Nguyễn Trọng Dũng có thể bị vỡ, chảy máu không ngừng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bệnh ung thư thường được các nhà khoa học coi là chỉ dấu của môi trường hay thực phẩm ô nhiễm. Năm 2005, chính Nông nghiệp Việt Nam là tờ đầu tiên phản ánh về làng ung thư Thạch Sơn tại huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, có tỷ lệ ung thư trên số tử vong là 34%. Không khí của Thạch Sơn lúc đó bị đầu độc bởi các loại khí thải công nghiệp, nhất là ở xung quanh các nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, nhà máy Pin ắc quy Phú Thọ, khói bụi từ 90 lò gạch thủ công và các cửa xả nước thải nhà máy giấy Bãi Bằng chảy ra sông Hồng. Giờ tình hình môi trường đã được cải thiện nhiều, giúp tỷ lệ ung thư ở Thạch Sơn cũng giảm đi trông thấy.

Thế nhưng ở một xã nông thôn mới kiểu mẫu sạch, đẹp như Trường Sơn lại có tỷ lệ ung thư còn cao hơn cả Thạch Sơn năm xưa. Tôi ngước lên cao nhìn trời xanh, ngoái ra xa nhìn cánh đồng làng, ngó xung quanh nhìn những cây xanh, ao hồ nước trong leo lẻo, mong tìm thấy câu trả lời mà quả là khó. Tỷ lệ ấy thực tế không phải là quá hiếm ở các làng quê hiện nay, từ miền núi, trung du đến đồng bằng, từ xã bình thường, xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đến nông thôn mới kiểu mẫu..

Empty

Anh Nguyễn Văn Thành - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trường Sơn: "Họp giao ban với Trung tâm Y tế huyện tôi có báo cáo về số lượng người ung thư của xã nhưng không thấy ai nói nhiều ít gì, chắc các xã cũng thế cả". Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Thành - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Trường Sơn, người có thâm niên 37 năm 8 tháng trong ngành, kể: “Hàng năm các Trạm y tế xã đều họp giao ban với Trung tâm Y tế huyện về các bệnh không truyền nhiễm trong đó có ung thư, tôi có báo cáo số liệu của xã mình nhưng không thấy ai nói nhiều ít gì, nên chắc các xã cũng thế cả. Số liệu người mắc ung thư từ năm 2009 trở lại đây tăng phần do khi trước bà con ít đi khám bệnh, máy móc không hiện đại nên khó phát hiện, giờ thì năng đi, máy móc tốt phát hiện dễ hơn; phần vì nghi do chưa có nước sạch, thực phẩm sạch, do thói quen dùng túi ni lông, hộp xốp đựng thức ăn nóng hay uống rượu tự nấu cứ tưởng rằng an toàn nhưng mà chưa chắc...”.

Empty

Sổ theo dõi tử vong của xã Trường Sơn, trong đó ghi nhiều trường hợp chết du ung thư. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trường Sơn là 1 trong 11 xã điểm của tỉnh Thanh Hóa, năm 2013 đã được công nhận nông thôn mới, năm 2021 được công nhận nông thôn mới kiểu mẫu nhưng vẫn chưa có hệ thống nước sạch - một trong những yêu cầu cấp thiết của nông thôn mới. Khoảng 40% dân trong xã phải tự đầu tư 8 - 10 triệu/hộ để kéo nước sạch từ vùng phụ cận về, còn lại là dùng nước nguồn, nước mưa và nước giếng.

Nhà anh Nguyễn Văn Tình - Bí thư thôn Thọ Sơn có 3 giếng nhưng không cái nào dùng được, đành đổ nắp bê tông để đậy lên chứ không dám lấp. Về sau anh cùng 2 hộ gần đó chung nhau khoan 1 giếng ở trên núi Phụng Liên, dẫn nước về, mỗi hộ mất đúng 6 triệu. “Cái giếng đầu tiên của nhà tôi thuê cán bộ địa chất về khoan sâu tới 70m nhưng ra nước mặn không dùng được, phải bỏ. Cái giếng khoan thứ hai, thứ ba cũng thế. Nếu là nước giếng khơi thì nhanh gây rỉ, tắc các thiết bị vệ sinh vì có lắm cặn. 50% dân trong làng vẫn phải dùng giếng khơi dù đem phân tích nước, có mẫu còn thấy cả chất cực độc là thạch tín nhưng không có tiền để kéo nước từ xa về”, anh Tình kể.

Empty

Cảnh rất xanh, sạch của xã Trường Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ăn cái gì cũng sợ, uống cái gì cũng ghê

Ông Nguyễn Bá Ngãi nguyên là Chủ tịch Hội làm vườn xã bảo, năm 2019 - 2020 địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, năm 2021 - 2022 xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, về văn hóa xã hội cơ bản là hài lòng, nhưng về kinh tế thì chưa vì các ngành nghề phụ và chăn nuôi đang còn kém, sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, chưa theo được hướng VietGAP hay hữu cơ. Ngoài chợ không ai đóng dấu lên miếng thịt, gia súc, gia cầm vẫn mổ tại nhà rồi đem đi bán, gà chết, lợn toi có khi cũng không biết, rau quả bày lên tấm vải bạt ngay trên nền chợ. Sợ cũng phải ăn bởi không ăn thì chết đói, trong khi đó ngày ngày loa xã cảnh báo về vệ sinh thực phẩm. Như thằng con ông, Nguyễn Bá Hai đi làm thuê trên phố phải ăn ngủ trong lều bạt, thức ăn, nước uống cũng không rõ nguồn gốc.    

Empty

Nhiều người dân xã Trường Sơn vẫn còn dùng nước giếng, dù đem đi phân tích chất lượng không đảm bảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trên tuyên truyền phải rút ngắn khoảng cách giữa thành phố và nông thôn nhưng làm đường, làm điện cái nào dân quê ông cũng phải đóng góp. Nguồn vốn huy động thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của xã Trường Sơn là 316 tỉ thì từ nhân dân chiếm đến 253 tỉ - một con số khổng lồ. Cả xã có mỗi mô hình nông nghiệp 1ha của anh Nguyễn Văn Phương ở xóm Trung Yên tạm gọi là có chút bóng dáng hiện đại, trong đó có khu nhà lưới rộng 1.000m2, nhà nước đầu tư 70%, còn cá nhân 30%, tương đương khoảng 400 triệu, để trồng rau thủy canh.

Sau 3 năm anh mới thu được cỡ 1/3 vốn. Với giá bán rau 20.000 đồng/kg, gấp đôi, gấp ba rau bình thường, dưa lưới 45.000 đồng/kg, sản phẩm chỉ tiêu thụ được trong cửa hàng, siêu thị trên thành phố nhưng cũng rất bập bõm. “Khi nào bên ngoài ít hàng thì họ kêu như cóc lúc trời sắp mưa, còn khi nào bên ngoài nhiều hàng thì họ cứ im như thóc ngâm. Hệ thống siêu thị thường đòi hỏi sản lượng phải lớn, tôi cũng khó một mình mà đáp ứng được vì đa số dân trong xã ruộng đất vẫn manh mún, mỗi nhà làm một kiểu, một mảnh rau màu thường chỉ 200 - 300m2”, anh Phương tâm sự.

Empty

Mô hình nông nghiệp duy nhất của xã Trường Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Cả xã giờ chỉ cần 5 - 7 hộ sản xuất nông nghiệp với diện tích 5 - 10ha thôi nhưng bằng cách nào thì rất khó. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mấy năm trước cấy nghề mây tre đan vào xã nhưng sau bỏ gần hết, giờ chỉ có nghề xây và kinh doanh dịch vụ. Chúng tôi rất trăn trở về điều này, muốn phát triển ngành nghề nhưng chưa tìm được cái phù hợp, muốn tiếp tục tích tụ đất đai nhưng chưa vận động được dân.

Còn về tỷ lệ ung thư nhiều theo tôi có nhiều nguyên nhân. Hiện về môi trường thì rác được thu gom thường xuyên 5 - 6 năm nay, cảnh quan sạch sẽ, nhiều cây xanh, ao hồ, vườn, tược tuy nhiên vẫn còn 60% dân không được sử dụng nước máy, sử dụng nhiều đồ nhựa, ni lông, sinh hoạt ăn uống không khoa học… Ngoài nguyên nhân nội tại ở trên địa bàn, tôi nghĩ ung thư nhiều còn do tỷ lệ lao động đi làm ăn xa quê. Xã có khoảng 1.200 lao động xa quê/tổng số 2.500 lao động. Họ sinh hoạt không điều độ, rượu chè, thuốc lá, sử dụng thực phẩm bẩn, sống trong môi trường bẩn là một nguyên nhân quan trọng không thể không tính đến”, anh Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch xã Trường Sơn nêu ý kiến...

Empty

Anh Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch xã Trường Sơn: "Ngoài nguyên nhân nội tại ở trên địa bàn, tôi nghĩ ung thư nhiều còn do tỷ lệ lao động đi làm ăn xa quê". Ảnh: Dương Đình Tường. 

Tối đó, cơm nước xong, tôi cùng với ông Bí thư và Trưởng thôn Thọ Sơn đi dạo một vòng. Đường làng rộng thênh thang, phẳng lì, có rãnh thoát nước và được trồng cây bóng mát hoặc hoa toàn tuyến, nhiều chỗ còn bày ra ghế đá dưới tán cây. 100% rác thải sinh hoạt được thu gom, ý thức của người dân tốt nên cảnh quê rất sạch sẽ. Nhà văn hóa thôn rộng, khang trang là nơi thường diễn ra các hoạt động văn nghệ, thể dục.

Ngẫu nhiên đi vào nhà ai cũng niềm nở, mời có sẵn quạt, sẵn điều hòa, sẵn phòng mời tối chú ngủ lại, sẵn gà vịt mời trưa hôm sau chú lại ăn cơm. Khi tôi từ chối khéo thì họ bê ra nào na, nào nho, nào pha mật ong với chanh, nước rau má kèm nụ hoa tam thất… mời cho bằng được nên chỉ đi vào đôi ba nhà bụng đã no căng. Tình làng nghĩa xóm ở đây thật đằm thắm nhưng mà câu chuyện ung thư khiến cho nhiều người dân hiền hành mắc phải cứ lẩn quẩn mãi trong đầu tôi.

Nông thôn mới giai đoạn trước, năm 2011 tuyên truyền nhà có tường rào, cổng xây kiên cố nên phải phá bỏ nhiều hàng rào, cổng nhà bằng cây xanh, giờ nông thôn mới kiểu mẫu lại khuyến khích hàng rào cây xanh. Mấy thôn của xã Trường Sơn đang đăng ký làng xanh nhưng xem chừng khó thực hiện nổi vì tường rào, cổng đã xây kiên cố rồi, chẳng lẽ dỡ ra mà trồng lại cây được?

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.