| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở nông thôn

'Dân xã hội' đến đòi nợ ngay sau đám cưới

Thứ Bảy 08/10/2022 , 07:28 (GMT+7)

'Trước lễ cưới của con tôi hai ngày, năm thằng đầu xanh đầu đỏ, xăm trổ đầy người nhảy từ ô tô xuống chống nạnh, hất hàm bảo không trả nợ sẽ cắt gân chân'.

Người mẹ ngất ngay tại rạp cưới của con

Bài liên quan

Chị Thị Hậu (đã đổi tên - PV) ở thôn Sơn Hạ (xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) kể lại chuyện đó với tôi mà ánh mắt vẫn còn nguyên vẻ sợ hãi: “Khi đó, tức quá, tôi mới hỏi chúng rằng: “Các cháu đến đây để đòi nợ hay giết người? Con dại, cái mang, cô sẽ đứng ra trả nợ dần, hẹn đúng ngày này tháng sau sẽ trả 50 triệu”. Chờ đến tối không thấy con tôi về chúng mới chịu rút. Lúc đó tôi sợ mình không cứng rắn như thế chúng sẽ đến phá tan đám cưới của con.

Sau đám cưới hai ngày, cái rạp do mắc mưa vẫn còn chưa kịp gỡ thì trưa đó năm thằng lại đến vì chắc chúng nghĩ có tiền mừng, phải tranh thủ đòi ngay, được đồng nào hay đồng đấy. Tôi nằm van xin chúng đến đoản cả hơi, mắt tối sầm lại rồi ngất đi lúc nào không biết. Trước đó tôi cố phải tỏ ra mạnh mẽ để tổ chức xong đám cưới cho con trai, giờ thì không gượng được nữa rồi. Con dâu tôi và một số người thấy thế cũng khóc. Đám cưới mà khóc hơn cả đám ma…

DSC_9332

Một phụ nữ đang tần tảo cấy lúa (ảnh minh họa). Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Con trai tôi sau khi “chạy việc” mất 400 triệu nhưng không thành, may mắn được người ta trả lại 350 triệu, mới mở tiệm cầm đồ ở trong Nam. Tôi toàn bảo đó là nghề thất đức, nên bỏ đi nhưng nó không chịu. Vừa rồi phần do Covid không có khách, phần do chơi bời sao đó mà nó nợ cỡ 3,3 tỉ. Họ hàng thì còn khất trả dần được nhưng có hai chủ nợ 350 triệu và 250 triệu là dân tín dụng đen, buộc phải trả. Chẳng còn con đường nào khác, giờ nó đang học tiếng ở Hải Phòng để chuẩn bị đi xuất khẩu lao động”…

Không làm chủ tiệm cầm đồ như con chị Hậu, thằng con nhà bà Tâm (đã đổi tên - PV) chỉ là người làm công trong một tiệm cầm đồ của người làng ở trong Nam. Tiếp xúc với đồng tiền dễ dàng nên nó trót tiêu lạm vào, cờ bạc sao đó mà sinh nợ nhiều đến mức nhà có 1 con bò chửa, đàn chó 6 con 2 to, 4 nhỏ cũng phải bán đi. Thậm chí đến cái cày - vật dụng không thể thiếu của nhà nông cũng đem bán 400.000 đồng, cây rơm để cho bò ăn ngày đông tháng giá cũng đem bán 1 triệu đồng cho người hàng xóm.

Sau khi bán sạch sành sanh những thứ có thể, vợ chồng bà Tâm khóa cửa nhà, thất thểu khăn gói vào tỉnh Bình Phước để làm thuê, “cày” trả nợ dần cho thằng con trai trong khi cả hai đều đã 65 - 67 tuổi. Đó cũng là may bởi vẫn giữ được mảnh đất của tổ tiên chứ một số người nợ nần còn không có cả nhà mà ở.

Empty

Con bò chửa của bà Tâm (đã đổi tên - PV) bán cho người hàng xóm để trả nợ nay đã đẻ con. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Nghĩ về phận người ở quê, con trai ông Văn Công (đã đổi tên - PV) ngậm ngùi: “Quê tôi tình hình an ninh, trật tự như thế vẫn còn là tương đối lành vì ít mất trộm xe chỉ mất trộm chó, mèo chứ nhiều vùng nông thôn giờ loạn lạc, tan hoang lắm. Như chỗ tôi sống mấy năm trong tỉnh Bình Phước có nuôi mấy con gà, làm chuồng kiên cố hẳn hoi nhưng thấy bọn nó vô, đang lúi húi bắt gà, mình đẩy cửa ra, chúng chỉ thẳng vào mặt mà quát: “Vô nhà”. Nếu bước ra là chúng đâm ngay. Những giò lan, cây cảnh, chó mèo cũng bị lấy trộm hay ăn cướp công khai, trắng trợn như vậy. Thanh niên ở đó lêu lổng, nghiện ngập rất nhiều”…

Bệnh ung thư và phận của những người yếu thế

Con sông Thị Long chảy qua làng Tào Sơn bao thế hệ người dân tắm mát nhưng giờ chẳng còn ai dám thò chân lội xuống bởi bẩn thỉu, hôi thối nồng nặc, chỉ một cơn mưa đầu mùa trút xuống là cá nổi lên, ngửa bụng, chết trắng. Trong làng thì bệnh ung thư chẳng hiểu sao mấy năm nay bùng phát mạnh. Thống kê từ năm 2020 đến nay trên địa bàn xã Thanh Sơn có 10 trường hợp ung thư đã chết, 19 trường hợp ung thư đang còn sống trên tổng dân số xấp xỉ 8.000 người. Số người chết tương đối đúng vì ghi rõ trong sổ tử nhưng số đang mắc thì chưa chính xác bởi nhiều người còn giấu. 

Empty

Khám bệnh tại Trạm Y tế xã Thanh Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Lê Thị Thắm - cán bộ của Trạm Y tế cũng bị ung thư, bảo: Ung thư dàn đều ra cả xã, già có, trẻ có nhưng giờ đang trẻ hóa dần, phổ biến là ung thư gan, ung thư tuyến giáp. Nguyên nhân thì có nhiều, nghi do nguồn nước, do môi trường, do thực phẩm ô nhiễm, do di truyền…

Ông Đào Văn Minh - Bí thư thôn Xuân Sơn dẫn tôi đến nhà của ông bà Lê Đình Cung - Lê Thị Huynh, chồng chết vì ung thư gan năm 2021, vợ chết vì ung thư máu hồi đầu năm nay. Căn nhà gỗ của họ từ đó bỏ trống, con cháu không dám thắp hương vì mái cọ thấp lè tè, sợ bén vào mà gây cháy. Cạnh đó là nhà của người con trai, anh trông cao lớn nhưng ngây ngô, chỉ có vợ là bình thường, phải xốc vai vào gánh vác kinh tế của cả gia đình bằng việc đi làm công nhân, tháng được hơn 6 triệu.

Empty

Người con dâu đang ôm ảnh của ông Cung, bà Huynh đã mất vì ung thư. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Bà Huynh ở đầu gối, ở mông mọc ra từng cục to như quả trứng gà rồi vỡ ra, chảy toàn máu tươi mà chết. Trong khoảng 3 năm nay thôn chết 5 người vì ung thư gồm anh em Lường Hữu Nhật và Lường Hữu Bình, Đậu Văn Lin, Lường Hữu Bình, Tống Văn Hương, còn 2 người đang xạ trị. Trước trong làng nhà ít cũng chăn nuôi 5 - 10 con lợn, nhà nhiều vài chục con, ô nhiễm rất nặng nề, giờ dùng nước giếng khơi, nghi không đảm bảo, các hội nghị chúng tôi đều đòi phải có nước sạch mà ngóng mãi vẫn chưa thấy”, ông Minh bảo.

Về chủ quan thì dân rất ít đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, kể cả số đã mua bảo hiểm y tế bởi quanh năm tham công tiếc việc tất bật với ruộng đồng. Về khách quan tất cả chất thải của người và gia súc trong làng đều chảy ra cống, phần lớn là lộ thiên, không qua xử lý. Các cơ quan, ban ngành cũng chẳng mấy khi để mắt tới những rau quả, thực phẩm hay các đồ dùng cá nhân đang bày bán ở chợ xem chúng có đủ độ an toàn để sử dụng hay không…

Empty

Người con trai ngây ngô của ông Cung, bà Huynh đứng trước ngôi nhà của bố mẹ đã mất vì ung thư. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Tôi đến nhà bà Lường Thị Dênh 80 tuổi - một cư dân của thôn Sơn Hạ. Bà bị tàn tật từ nhỏ, một chân, một tay bị teo, từ lâu vẫn nhận chế độ trợ cấp của người già cô đơn, mỗi tháng được 360.000 đồng nhưng năm 2021 bị cắt mất 2 tháng. Trước đó, hồi còn 75, 76 tuổi bà vẫn còn tập tễnh chân thấp chân cao ra mua đầu chợ, bán cuối chợ ít rau cỏ để kiếm vài đồng vì có đứa con, tưởng dựa dẫm tuổi già nhưng chẳng may đã bị mất từ lâu. Lãnh đạo thôn hồi ấy bảo phải cắt chế độ của bà vì vẫn có chỗ dựa là đứa cháu ở xa nhưng về sau dân làng phản đối ghê quá.

Xã có 22 đối tượng người già cô đơn nhận bảo trợ xã hội thuộc hộ nghèo như vậy, trước họ được hưởng chế độ 360.000 đồng/tháng thì đột ngột năm 2021 trên có chỉ đạo xuống những ai có anh chị em, cháu ruột phải cắt đi. Nhưng “anh em kiến giả nhất phận" mấy ai trợ giúp được ai? Những người già cô đơn rên rẩm trong cuộc họp ở xã mà cũng không phản đối thành công. Chỉ có mấy trường hợp như bà Dênh là được chuyển sang chế độ trợ cấp người tàn tật, nhận 720.000 đồng/tháng còn lại là bãi bỏ hết. Một tương lai mù mịt đang chờ đón họ khi tuổi già sầm sập đến trước mặt mà cũng chẳng có một ai bên cạnh để tựa nhờ. Phận người nổi nênh hệt như cánh bèo trên sóng nước…

Empty

Trưởng thôn Sơn Hạ đang hỏi thăm tình hình của bà Lường Thị Dênh. Ảnh: Dương Đình Tường.

Con trai ông Văn Công chiêm nghiệm rằng, hầu như mọi thứ ở quê giờ dân "tự bơi" hết. Năm nay thấy nhà này trồng hay nuôi được cái gì hiệu quả thì cả làng đổ xô làm theo trong khi đó đầu vào, đầu ra đều bị thả lỏng. Một hộ nông dân mỗi năm bán thóc, bán lạc, bán đỗ, bán lợn, bán gà… giỏi thì được 10 triệu trong đó đầu tư đã quá nửa nên hầu hết phải nhao ra ngoài phố để kiếm thêm.

Xây dựng nông thôn mới, cái cần lo nhất là kinh tế bởi thiếu nó mọi thứ khác chỉ như bong bóng xà phòng. Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò trong việc làm cho nông thôn có nội lực ngay tại chỗ chứ không phải là những thứ lượm lặt ở trên phố, trở thành thứ kinh tế ngoại sinh, góp nhặt về trám, vá víu vào quê.

"Để dân bỏ ruộng hoang thì dễ lý giải nhưng làm sao để dân không bỏ ruộng hoang thì Nhà nước phải có chiến lược. Đất bờ xôi, ruộng mật thì hay bị phân lô, bán nền hết. Người ta có thể phá núi làm nhà nhưng không thấy ai phá nhà làm ruộng cả, đất nông nghiệp cứ thế mà vĩnh viễn mất đi. Không chỉ là chuyện an ninh lương thực mà cánh đồng lúa còn là cảnh quan ở nông thôn nữa...", lời con trai ông Văn Công.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm