| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở nông thôn

Nâng càng cao, đóng góp càng nhiều

Chủ Nhật 09/10/2022 , 06:30 (GMT+7)

Tượng Văn là xã về đích nông thôn mới đầu tiên của huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, giờ đang làm nông thôn mới nâng cao, dự kiến cuối năm nay sẽ về đích.

Sạch đẹp nhưng đóng góp quá nhiều…

Phải thừa nhận rằng bộ mặt làng quê nơi đây rất sạch đẹp, trường lớp khang trang, đường trong làng thênh thang nhiều chỗ 2 ô tô tránh nhau được, nhà được đánh số. Chỉ cách một cánh đồng nhưng nếu như xã Thanh Sơn của thị xã Nghi Sơn lưới bẫy chim giăng trắng đồng, người đi kích điện bắt cá đi lại ngang nhiên thì xã Tượng Văn lại ngăn chặn khá nghiêm việc này cũng như bảo vệ được nhiều cây xanh, hồ ao.

Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Bí thư xã chỉ băn khoăn mỗi chuyện nhà máy nước đặt ở Thăng Thọ cấp cho 13 xã đã 4 lần xin gia hạn mà vẫn để dân tình đỏ mắt ngóng chờ. Chỉ cần có nước sạch là Tượng Văn sẽ đạt ngay nông thôn mới nâng cao, sẵn sàng tiến lên nông thôn mới kiểu mẫu.

Empty

Khung cảnh tuyệt đẹp ở một cánh đồng làng thuộc xã Tượng Văn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Tôi nhìn vào báo cáo xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2020, 2021 của xã, kết quả huy động nguồn lực được 85,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 2,45 tỉ, huyện 13 tỉ, xã 13,9 tỉ còn dân tự đóng góp 56,3 tỉ, nghĩa là tỷ lệ chiếm tới 70%. Bà Lê Thị Thoa người ở thôn Đa Hậu than vãn: Nông thôn mới đường đi lại thì thích nhưng đóng góp nặng nề quá, mở rộng đường mất 1,85 triệu, kéo điện mất gần 1 triệu. Vợ chồng tôi đều làm nông nên chủ yếu trông vào tiền con cái gửi về để đóng, khi thiếu phải xúc thóc ra mà bán.  

Ông Nguyễn Văn Hóa góp chuyện: Xã bảo đường chính của làng nhà nào làm tường rào mới cùng một kiểu sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/m2 nhưng đường trong làng lại không nên dân dỗi, bảo rằng để những hộ ngoài đường chính làm nông thôn mới thôi, chứ chúng tôi chỉ có đóng góp mà chẳng được cái gì cả. Nhìn bề ngoài của nông thôn mới thì nhiều điểm được như cảnh quan, môi trường, đường làng ngõ xóm phong quanh, sạch đẹp nhưng nhìn vào sâu trong cũng còn nhiều điểm phải xét lại. Họp dân, cuộc đông nhất chắc chưa đến 50% số hộ tham gia đã thành nghị quyết, chưa thống nhất đã làm. Nhà văn hóa thôn Phú Trung cũ rộng 120m2 xây năm 2016 theo thiết kế của Nhà nước, hết 600 triệu, Nhà nước hỗ trợ 150 triệu còn lại do dân góp, mà số khẩu trong thôn chỉ khoảng 150 trong diện phải đóng, rất nặng nề.

Empty

Cổng và tường rào mới xây của nhà bà Lê Thị Thoa ở thôn Đa Hậu. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Bài liên quan

Nhà đó còn mới nguyên đã bị đập đi, xây lại vì 5 thôn sáp nhập lại thành thôn Đa Hậu, dân lại phải è ra mà đóng góp tiếp trong khi 4 cái nhà văn hóa của 4 thôn cũ bỏ không đấy. Nhà văn hóa thôn Đa Hậu mới đã làm xong đến bây giờ vẫn còn kiện cáo. Đối diện với nó là cái đình làng di tích lịch sử cấp tỉnh, dân công đức nhiều nhưng không biết bao giờ sẽ sập bởi bên trong đã xuống cấp nặng, mối mọt xông nhiều đến mức phải khóa trái cửa lại, không dám cho ai vào.

Ở quê trừ những người có lương, còn chủ yếu là dân làm ruộng, mỗi khẩu 1,3 sào, giá thóc rẻ mạt, 6.500 đồng/kg, còn thấp hơn cả giá tính thuế 7.200 đồng/kg mà còn khó bán. Ruộng đồng manh mún vì mỗi hộ vẫn còn 3 - 4 mảnh lại thêm canh tác không hiệu quả nên nhiều nhà bỏ hoang, báo hại cho những nhà cấy kề bên vì chuột bọ tràn sang, phá hoại. Sản xuất có khi chẳng thu được cái gì nhưng đủ kiểu các khoản đóng góp, công đức, ủng hộ. Tiếng là kêu gọi tự nguyện nhưng người ta lại ấn định luôn mức thấp nhất phải là bao nhiêu...

Empty

Đình làng của thôn Đa Hậu di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng sắp sập. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong ngôi nhà tuềnh toàng, không có gì đáng giá bạc triệu, phải khó khăn lắm tôi mới hiểu được những lời nói lập bập của chị Nguyễn Thị Luyện có nghĩa là gì. Chị bị tai biến nên đi lại, nói năng rất khó khăn, còn chồng thì bị thần kinh 17 - 18 năm nay chẳng biết làm việc gì ngoài việc đánh vợ nên họ thuộc diện nghèo kinh niên của làng. Vợ chồng bệnh tật như thế không phải đóng góp tiền làm nông thôn mới nhưng hai đứa con, một lớp 7, một lớp 9 đều phải có nghĩa vụ.

Bà Phạm Thị Cam - mẹ chồng chị Luyện kể: “Tôi ở riêng phải đóng 2,8 triệu tiền làm đường, đóng xây nhà văn hóa cứ mỗi vụ 200.000 - 300.000 đồng trong mấy năm liền, nói chung là tương đối cao. Những ai không đóng đều bị đọc trên loa, tuy không nói rõ tên nhưng cả làng đều biết cả, thành ra là buộc phải đóng, không thì xấu hổ”.

DSCN1628

Ở quê mà trông vào hạt lúa thì chỉ có đói (ảnh minh họa). Ảnh: Dương Đình Tường.

Bí thư thôn Đa Tiền, anh Nguyễn Văn Thắm cho hay năm 2013 khi xã được công nhận nông thôn mới, đường bê tông dân tự làm chỉ rộng 2 - 3m phải cấm xe to vào, rác còn vứt lung tung, người dân ít quan tâm đến thể dục, thể thao cũng như các hoạt động văn hóa. Giờ, giao thông là một cuộc cách mạng khi bà con hăng hái hiến đất để mở rộng, nắn thẳng những góc cua giúp đường đa phần rộng 4 - 5m, cây bóng mát, hoa được trồng hai bên, cống được ngầm hóa. Mỗi thôn lại có một nhà chứa rác được lợp mái che.

Để làm được đường như thế, trong 3 năm, mỗi năm mỗi khẩu từ 7 tuổi đến 59 tuổi trong thôn thu 400.000 đồng, từ 1 - 6 tuổi và từ 60 - 79 tuổi thu 200.000 đồng, người trên 80 tuổi không phải đóng góp nhưng tự nguyện đóng góp bằng 50%. Mức đóng góp của thôn Đa Tiền như thế còn là khiêm tốn bởi chưa đập nhà văn hóa cũ đi để xây mới. “Nhà văn hóa của thôn xây năm 2000 với diện tích kể cả hiên khoảng 100m2 vẫn đủ dùng nhưng thôn đang quy hoạch một khu đất rộng trên 1ha để chuẩn bị xây cái mới, tuy nhiên chúng tôi vẫn còn đang sợ tiền ở đâu ra. Đầu tư của trên xuống chỉ đạt khoảng dưới 30% giá trị công trình. Vả lại, ngân sách xã để xây dựng nông thôn mới chủ yếu trông chờ vào việc bán đất, trước đây được giữ lại phần nhiều, giờ lại nộp lên gần hết”, anh Thắm nói…

Empty

Nhà văn hóa mới xây của thôn Trúc Đại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tượng Văn quy định trong nhà mỗi ngày dọn vệ sinh 1 lần, ngoài thôn mỗi tuần dọn vệ sinh 1 lần, toàn xã mỗi tháng dọn vệ sinh 2 lần nên trong làng, ngoài xóm rất phong quang, sạch sẽ.

Loay hoay câu chuyện kinh tế, đổi mới nề nếp

Sau sáp nhập 8 thôn của Tượng Văn, có 3 thôn đang làm nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có vườn mẫu diện tích 300 - 500m2, phân khu từng loại cây trồng nhưng không được đầu tư giống, thu mua sản phẩm nên dân chẳng mấy ai hào hứng. Bài học đâu xa, mới đây xã cũng đấu nối với một công ty dược liệu để liên kết trồng giềng, gừng, hành tăm. Ban đầu sản xuất ra còn bán được nhưng khi bà con mở rộng diện tích lên 20 - 30ha, áp dụng cùng theo một quy trình VietGAP, xã đang định phát triển thành sản phẩm OCOP thì phải dừng lại vì bí đầu ra.

Empty

Một khu vườn mẫu ở xã Tượng Văn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Những gì dân sản xuất đều khó về đầu ra, phải bán rẻ như thế, còn những gì dân phải mua như thức ăn chăn nuôi, phân bón thì trái khoáy thay lại đều giá cao. Hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp được lập ra với hoạch định tạo công ăn việc làm cho người già, người nhàn rỗi nhưng lúc số lượng tham gia ít sản phẩm còn bán nhanh, giờ đông lại chậm tiêu thụ. Chật vật với hạt lúa, củ khoai, cánh trẻ hầu hết rời làng đi làm công nhân hay thợ xây, thợ mộc…

Ba năm trước một số thôn của Tượng Văn nảy ra sáng kiến mừng thọ tập thể ở nhà văn hóa xuất phát từ chuyện cứ mùng 2 Tết, làng trên xóm dưới có đến 15 - 20 đám mừng thọ gây phiền hà cho bà con. Bởi thế, xã định hướng thay vì từng nhà tổ chức mừng thọ riêng thì cứ mùng 2 Tết mọi người kéo đến mừng thọ chung. Tiền mừng được đút vào hòm, phần xung làm quỹ, phần chia đều cho các cụ.

Empty

"Cấy" nghề vào nông thôn không hề dễ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Nhiều người già không thích điều này vì bị chia tiền nhưng phần lớn người trẻ thì khoái ra mặt bởi giảm bớt được việc cứ phải chạy hết đám mừng thọ này đến đám mừng thọ khác. Tuy nhiên, có người lại nhận xét đó là cách phát triển ngược, chủ nghĩa tập thể lại một lần nữa lên ngôi do thôn, xã ban ra những quy định liên quan đến vấn đề rất riêng tư như vậy là không nên. Nhưng dân ít hiểu biết, sợ phiền phức nên cứ thế tuân theo.

Hội Phụ nữ xã còn tổ chức các câu lạc bộ bóng chuyền hơi, dân vũ, văn hóa văn nghệ, gia đình hạnh phúc hoạt động khá rôm rả. Tối hôm đó, lúc tôi đến, nhà văn hóa thôn Trúc Đại sáng lóa ánh đèn. Nhạc Boney M vang lên rộn ràng. Những cô bác, chị em, con cháu cùng nhảy zumba tưng bừng mừng các ngày hội lớn sắp tới.

Tượng Văn có 2 thôn sáp nhập thành 1 và 5 thôn sáp nhập thành 1. Vậy nên số nhà văn hóa xây cách đây chừng 5 - 10 năm, vẫn còn tốt thành ra thừa phải bỏ không. Trong khi đó xã lại quyết định xây mới 3 cái, từ 200 ghế trở lên được hỗ trợ 300 triệu, từ 250 ghế trở lên hỗ trợ 400 triệu. Chị Nguyễn Thị Mùi - Trưởng thôn Trúc Đại thông tin, thôn có 102 hộ, đường nhiều đoạn đã nát nhưng chưa có kinh phí sửa vì vừa rồi mới đập cái nhà văn hóa cũ, xây cái mới 150 chỗ hết đúng 1,2 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước cho 300 triệu, còn lại dân phải đóng góp, mỗi người trong độ tuổi lao động 2,3 triệu, mỗi người già, trẻ nhỏ 1,3 triệu nên cần có thời gian để nghỉ ngơi, dưỡng sức.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm