| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở nông thôn

Xã có 8 nhà văn hóa còn tốt bị phá để xây mới vì... không đạt tiêu chí

Thứ Tư 05/10/2022 , 08:10 (GMT+7)

Giữa trưa nắng chang chang, ông Tống Văn Cằm - Trưởng thôn Sơn Hạ (xã Thanh Sơn, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) dẫn tôi ra nhà văn hóa thôn đang chờ phá dỡ.

Khi lòng dân xôn xao

Nhà văn hóa thôn Sơn Hạ được đổ mái bằng, rộng chừng 50m2 ngự trên khuôn viên khoảng 500m2, vẫn còn khá tốt với các trang thiết bị bên trong như loa, ampli, bàn ghế đầy đủ. Thôn Sơn Hạ có hơn 300 hộ, lúc bình thường họp thì chẳng mấy ai đi nên số ghế của nhà văn hóa dư sức chứa, còn hiếm hoi có cuộc họp nào đông cỡ 100 - 150 người thì kê ghế ra dưới mái hiên cũng vẫn đủ.

Ông Cằm tiếc rẻ: “Nông thôn mới là mơ ước lớn của nhân dân. Nếu xây nhà văn hóa to cho đủ tiêu chí nông thôn mới nâng cao thì không còn sân chơi bóng chuyền, cầu lông, chỗ sinh hoạt văn hóa nữa bởi thôn bây giờ không còn quỹ đất. Vả lại, kinh tế của bà con còn đang khó khăn, vậy nên xin thư thư sức dân, không cần xây nhà văn hóa to ngay mà lùi tiến độ lại để cho thu nhập của họ cao lên thì lúc đó huy động đóng góp mọi thứ cũng dễ hơn”.

Empty

Nhà văn hóa thôn Sơn Hạ tuy nhỏ nhưng còn tốt, nó có một khoảng sân lớn để cho dân tập thể dục, thể thao. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi nghe mà thấm thía ý kiến của ông tân trưởng thôn vừa mới nhậm chức được nửa tháng. Trước xã giới thiệu một đảng viên trẻ làm trưởng thôn Sơn Hạ nhưng do trót lạm vào công quỹ nên anh này phải tự bỏ, để lại một món nợ lớn, đến bây giờ ngay cả số tiền thu 50.000 đồng/hộ để sửa nhà văn hóa thôn từ năm nảo, năm nào cũng chưa thấy động tĩnh gì. Ông Cằm không phải đảng viên nhưng cũng “bị” bà con bầu lên để cáng đáng gánh nặng ấy vì năng động, trách nhiệm…

Trải qua 11 khóa Bí thư chi bộ nên ông Đào Văn Minh hiểu rõ tình hình của thôn Xuân Sơn như lòng bàn tay mình: “Nhà văn hóa cũ của thôn xây năm 2011 với diện tích khoảng 60m2 trên khoảng sân rộng gần 1.000m2, là công trình chào mừng khi đạt làng văn hóa. Mỗi năm họp các ban ngành, đoàn thể của thôn cỡ trên 10 lần, nếu họp lớn ngồi cả trong lẫn ngoài hiên vẫn đủ chỗ, công trình vẫn tốt nhưng không đáp ứng diện tích của tiêu chí nông thôn mới nâng cao nên phải phá đi, xây cái mới rộng 176m2 với 160 chỗ ngồi”.

Empty

Ông Tống Văn Cằm - Trưởng thôn Sơn Hạ bên trong nhà văn hóa thôn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xã Thanh Sơn có 11 thôn với 11 nhà văn hóa được xây dựng trên dưới 10 năm nay, phần lớn chúng chưa hề xuống cấp nhưng theo kế hoạch sẽ phải phá 8 cái (trong đó đã phá 4), chỉ còn 3 cái của thôn Đồng Thành, Trung Thành, Phượng Áng là sửa chữa. Khi tôi đến, cái phá xong đang xây, cái thì mới đổ móng. Hỏi tại sao phá? Cán bộ xã lẫn thôn đều đồng thanh: Vì không đảm bảo diện tích, hình thức để đáp ứng theo chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Nhiều nhà văn hóa đổ mái bằng kiên cố vẫn đang còn tốt, chỉ cần sơn sửa thêm sẽ rất đẹp. Ảnh: Dương Đình Tường.
Nhiều nhà văn hóa đổ mái bằng kiên cố vẫn đang còn tốt, chỉ cần sơn sửa thêm sẽ rất đẹp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhiều nhà văn hóa đổ mái bằng kiên cố vẫn đang còn tốt, chỉ cần sơn sửa thêm sẽ rất đẹp. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Văn Công (xin được đổi tên - PV) - một nông dân thôn Sơn Hạ bảo với tôi rằng, chuyện phá nhà văn hóa các thôn, dân tình xôn xao lắm vì trước đây tiền đóng gạo góp. "Họ thành lập nhóm ủng hộ, lấy ý kiến lúc nào toàn dân cũng chẳng mấy ai hay, rồi thông qua hội đồng nhân dân, vậy là thành đồng ý cả. Chúng tôi không biết tại sao mà họ cứ nhất quyết đòi xây nhà văn hóa to chứ dân không sinh hoạt ở đó. Khuôn viên rộng cũng chẳng mấy ai tập thể dục thể thao. Hô hào khản giọng dân mỗi năm cũng chỉ đến họp 5 - 7 lần, toàn là ông bà già và phải có... phong bì", ông Văn Công ngán ngẩm.

Empty

Nhà văn hóa thôn Xuân Sơn đã bị phá dỡ, đang được xây mới. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Trong khi đó, thôn mới có hai đoạn đường bê tông ra đồng Loi, đồng Máu, còn lại vẫn toàn là đường đất, trời mưa rất lầy lội, đi lại khó khăn. Kênh mương mới 30 - 40% bê tông, thường bị bồi lấp nên cả tưới lẫn tiêu đều không đáp ứng được. Đường trong làng trước đây dân đóng tiền xây nhưng mãi mà cứ đi đâu hết nên phải tự tổ chức góp làm theo từng trục ngõ. Có ngõ vì ít nhà nên đóng mỗi hộ dăm bảy triệu mới làm xong, thôn, xã chẳng động viên được ấm nước chè, lãnh đạo thôn (hiện đã nghỉ - PV) còn đến kêu gọi ủng hộ làm đường xóm, dọa ai không đóng mà đi vào sẽ... chặt chân.

Chủ nhà mới nổi đóa lên: “Ông đang đi vào đường ngõ tôi, tôi sẽ chặt luôn chân”. Sợ quá, ông ấy mới phải rút. Còn tỉnh lộ 525 chạy qua thôn nhiều đoạn đã nát, toàn ổ gà, ổ trâu, người sơ ý chạy xe máy vào ngã bổ nhào, bổ ngửa. Chợ thì bày hàng ngay ra đất, không an toàn vệ sinh thực phẩm. Trường cấp hai thiếu phòng học, phòng chức năng. Trạm y tế đã xuống cấp…

“Dân mà giàu thì xây nhà văn hóa mới cũng bình thường, nhưng dân vẫn nghèo mà họ cứ nọc ra để thu. Nhà văn hóa dùng vào việc gì? Để chấm điểm nông thôn mới rồi một năm họp 5 - 10 lần ư? Lời của ông Văn Công (nhân vật đã được đổi tên).

Làng Việt - những yếu tố còn bỏ sót

Con ông Văn Công - một người có hiểu biết và luôn đau đáu với những vấn đề ở nông thôn thì bảo với tôi rằng, làng Việt hình thành và cố kết rất vững chắc. Làng có quần thể các công trình để sinh hoạt cộng đồng, thực hành tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, đền, miếu. Làng có những dòng họ gắn luôn thành tên như Ngô Xá, Nguyễn Xá, Lê Xá… tức làng của họ Lê, làng của họ Ngô, làng của họ Nguyễn, thậm chí khi di dân đi vẫn còn mang nguyên tên cũ.

Bởi thế phép vua phải thua lệ làng, đến cả người Pháp khi đặt chân xâm lược cũng phải ngỡ ngàng vì làng Việt giống như một khu tự trị thu nhỏ vậy. Nhưng sau này khi chia lại địa giới hành chính, tách ra hay nhập vào những yếu tố đó lại không được quan tâm mà chỉ dân số có đủ một thôn không, một xã không, diện tích là bao nhiêu.

Empty

Một người dân ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đang mang những sản phẩm thủ công đi bán. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Cái làng Tào Sơn của anh có lịch sử hàng mấy trăm năm, giờ cổng làng vẫn còn đó nhưng chỉ là một góc của Tào Sơn xưa bởi nó bao gồm cả xã Thanh Sơn và một phần của xã Thanh Thủy. Linh hồn của làng bị mất đi phần nào vì sự hủy hoại các công trình văn hóa, cảnh quan qua các đợt tao loạn của lịch sử. Bởi thế trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta không chỉ quan tâm ở hình thức bên ngoài mà cần phải nghiên cứu sâu về văn hóa làng xã. Có những thứ quan trọng đã bị bỏ qua như phong hóa, lễ nghi, tập quán. Cái gì dở thì bỏ, hay thì phải có chiến lược giữ gìn một cách có ý thức, có kế hoạch.

Nông thôn có đời sống của nó, văn hóa của nó, môi trường của nó, tuy nhiên giờ đã mai một gần hết. Làng xưa nhà nào trong vườn cũng có vài cây dừa, cây cau, khóm tre, giờ hầu như đã tuyệt chủng. Người dân đang hoàn toàn tự phát, đua nhau phá hàng rào cây xanh để làm hàng rào xây, san lấp hết hồ ao, đốn trụi những gốc cổ thụ. Mái tôn, mái bằng rồi bê tông giăng khắp nơi khiến cho hơi nóng cứ phả ra hầm hập.

Empty

Giăng lưới bắt chim ở cánh đồng thôn Sơn Hạ, xã Thanh Sơn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trên trời chim chích chòe, chào mào, cuốc, bìm bịp, cò vạc giờ hiếm hoi vì nạn săn bắt, bẫy, rập, kích điện. Dưới đồng cá cờ, cá rô, thậm chí đỉa cũng không còn bởi phun nhiều thuốc trừ sâu, bón lắm phân hóa học. Người làng xì xào về chuyện ai đánh lưới chim, kích điện cá, chạy công nông “lậu” đều phải “đóng phế” tháng bao nhiêu tiền nhưng chẳng có bằng chứng gì nên cũng chỉ là đồn như gió thổi thế thôi.

Nông thôn giờ đã mặc lớp áo tân thời lai căng, chắp vá. Đời sống văn hóa của làng là “loa kẹo kéo” đến tận 11 - 12h đêm còn hát hò ông ổng. Niềm vui của thanh niên nông thôn là uống rượu, bia nay nhà này, mai nhà khác. Chẳng còn mấy ai thèm sờ đến quyển sách, tivi cũng chẳng mấy khi ngó ngàng, cứ điện thoại thông minh bấm bấm. Nhà văn hóa thôn có mấy loa phóng thanh lắp bốn hướng, sáng mở, chiều mở, tra tấn lỗ tai những người xung quanh, đặc biệt là người già và con nít. Biểu tượng của tình làng nghĩa xóm xưa là hai nhà quay lưng với nhau nhưng vẫn mở lối đi tắt qua nhau, giờ đã không còn nữa.

Cũng phải công nhận rằng có chương trình nông thôn mới, cơ sở vật chất hạ tầng ở quê được cải thiện thấy rõ nhưng làm thế nào để phát triển kinh tế nhiều khi không là mối bận tâm của cán bộ thôn, xã mà trên giao chỉ tiêu thế nào thì họ làm mọi cách để đáp ứng. Làng cứ rỗng ra, biến dạng như vậy. Xưa công việc của nhà nông vài sào ruộng, con lợn, con gà nên thời gian rảnh rỗi thường hay ngồi chuyện tiếu với nhau. Giờ duy trì lối sống thế khó mà sống nổi. Nông dân phải lăn ra kiếm tiền cả ngày ở bên ngoài, tối muộn mới về, thậm chí cha mẹ con cái cũng không có thời gian trò chuyện. Mối quan hệ đến tính tình cũng thay đổi. Ở đâu có công việc tại chỗ, thu nhập tại chỗ thì tình hình có chút được cải thiện, còn không thì tất bật, bôn bả giống nhau.

Làm nông thôn mới là cần nghĩ cách làm sao cho các con sông, con mương ở quê sạch trở lại để có người xuống tắm, cánh đồng ở quê sạch trở lại để đỉa, cà cuống và các loại cá tôm trở về, cây cối ở quê nhiều trở lại để chim đậu trên cành hót véo von.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.