| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ở nông thôn

Trường chuẩn mà tường nứt, dương xỉ bám, cửa sổ rụng bản lề

Thứ Năm 06/10/2022 , 07:57 (GMT+7)

Thật khó có thể hình dung ngôi trường chuẩn đó lại nằm trong một địa phương vừa đạt nông thôn mới, xã Tuấn Việt (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương).

Ngôi trường hiếm có, khó tìm

Bài liên quan

Anh Phạm Văn Đăng - cán bộ văn hóa - xã hội xã Tuấn Việt (huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) nguyên là Phó Chủ tịch HĐND xã nên nắm rất rõ những vấn đề trong xây dựng nông thôn mới. Tuấn Việt vốn là cái tên mới sau khi sáp nhập 2 xã Tuấn Hưng và Việt Hưng vào. Ngồi sau xe máy của anh Đăng cả ngày đi thực tế, tôi thấy cơ sở hạ tầng, đường sá, nhà văn hóa thôn ở đây khá khang trang, sạch đẹp nhưng khi đi qua cơ sở 2 của Trạm y tế thì thấy đóng cửa im ỉm, cỏ mọc đầy sân.

Hỏi thì anh bảo đó vốn là Trạm Y tế của xã Việt Hưng, trước khi sáp nhập xã đã cố gắng hoàn thành những tiêu chí sao cho kịp về đích nông thôn mới trong đó có việc sửa chữa Trạm Y tế với trị giá hơn 1 tỉ đồng. Tiếc thay, sau vài tháng sáp nhập cơ sở này đã bị bỏ hoang. Trụ sở, hội trường xã cũ cũng bị bỏ hoang như thế, giờ xuống cấp không phanh, cửa nứt vỡ, tường thấm dột nhiều chỗ.

Empty

Trạm y tế này được sửa chữa cả tỉ đồng để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nhưng sau khi xã sáp nhập mấy tháng đã bị bỏ. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Bài liên quan

Trước đây cả 2 trường tiểu học của 2 xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, sau sáp nhập thành ra 35 lớp, vượt khung (30 lớp) nên chẳng thể xếp loại được nữa. Trường tiểu học Tuấn Việt không chỉ giữ “kỷ lục” là có dãy nhà chức năng, phòng hội đồng tồi tàn nhất tỉnh Hải Dương mà có lẽ cũng là nhất của cả vùng đồng bằng sông Hồng. Nó xuống cấp đến nỗi đang trong cuộc họp, anh Phó Chủ tịch xã tình cờ mở cửa sổ mà nó rụng luôn… cả bản lề, cứ treo lủng liểng ở bên ngoài.

Phòng hội đồng hễ mưa là dột, quạt hỏng không dám thay vì chỉ cần đụng vào cái trần giả bằng nhựa là cả mớ bùng nhùng bên trên có thể bất ngờ sụp xuống. Phòng đọc của giáo viên, chỉ một cơn gió nhẹ là rụng cả mảng tường đè cả vào sách, có buổi phải dọn đến mấy lần. Các phòng chức năng thì dương xỉ bám từ trên kẽ nứt, xòa dài xuống chạm cả vào đầu người bên dưới.

Empty

Tường của dãy phòng chức năng của Trường Tiểu học xã Tuấn Việt đã xuống cấp như thế này. Ảnh: Dương Đình Tường.

Chị Đồng Thị Hương - Hiệu trưởng trường tiểu học Tuấn Việt mới được điều chuyển từ xã khác về cho biết, trước đây đơn vị có hai dãy nhà cấp bốn xây từ năm 1976, sau khi được công nhận nông thôn mới năm 2020 thì người ta phá đi một, giờ còn dãy này. Hiện nó đã được lên kế hoạch để xây mới nhưng với mức dự toán 14 tỉ, chẳng biết bao giờ sẽ được thực hiện.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Khuê kể, năm lớp 1 mình đã học trong dãy phòng này, nay sắp về hưu rồi vẫn còn thấy nó, chỉ có điều mỗi lúc một tiều tụy, xuống cấp hơn, mái ngói vỡ nát hết, mới thay bằng tấm lợp phi bro xi măng. Theo quy định các bộ môn khoa học tự nhiên, mỹ thuật, âm nhạc phải có phòng riêng nhưng bình thường cô vẫn dạy ngay tại lớp, chỉ lúc có đoàn kiểm tra đến thì mới bố trí dạy ở đó.

Empty

Mái nhà chức năng của Trường Tiểu học Tuấn Việt dương xỉ bám đầy. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo một người dân ở trong khu vực thì trước lúc chấm điểm nông thôn mới, dãy nhà đã được vội vã vôi ve để che đi phần nào sự xuống cấp. Khi chấm điểm nông thôn mới thì địa phương xin khất nợ một vài tiêu chí nhưng rồi lại không trả. Rất nhiều xã trong huyện đạt nông thôn mới kiểu như thế, trường học xuống cấp, nhà văn hóa không có, hoạt động thể thao không có, không có chỗ chơi cho mọi người…

Empty

Bên trong phòng học chức năng của Trường Tiểu học xã Tuấn Việt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nợ tiêu chí, nợ biết đến bao giờ

Bài liên quan

Nhà văn hóa thôn Tường Vu, xã Cộng Hòa (huyện Kim Thành) nguyên là cái nhà kho hợp tác xã xây từ năm 1964 nên đã rất xuống cấp. Nhà văn hóa thôn Dưỡng Mông, xã Ngũ Phúc (huyện Kim Thành) cũng là một cái nhà kho từ những năm 70 của thế kỷ trước, mái đã sụp hẳn xuống, lộ hết cả những tấm xà đang kỳ mục rữa khiến không ai có thể can đảm bước vào, sân của nó phần tận dụng để trồng rau, phần để những xe rác.

Anh Đào Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc thừa nhận, đúng là khi hoàn thành chương trình nông thôn mới địa phương còn nợ tiêu chí nhà văn hóa thôn này, dự kiến đến năm 2023 sẽ cho xây dựng mới. Còn anh Nguyễn Văn Minh - Bí thư xã Ngũ Phúc thì khẳng định xây dựng nông thôn mới phải là quá trình thường xuyên, liên tục. Hiện ngân sách các xã chỉ trông vào chuyện bán đất đổi lấy cơ sở hạ tầng nhưng tỷ lệ phần trăm được giữ lại quá thấp, chỉ 20%, sắp tới còn xuống nữa thì rất khó. Như trường tiểu học đang xây dãy nhà 2 tầng với 10 phòng học, dự kiến cỡ 10 tỉ đồng, xã trông chờ vào tiền bán đất nhưng vừa rồi đấu giá 60 lô xong thì thị trường chững, 17 trường hợp đã bỏ cọc. Nhà thầu lo một thì lãnh đạo xã lo mười.

Empty

Nhà văn hóa thôn Dưỡng Mông xuống cấp, mái võng xuống sắp sập, sân chỉ để xe chở rác. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bài liên quan

Tại phòng của Chánh văn phòng Huyện ủy huyện Kim Thành hôm ấy tôi gặp người phụ nữ, mặt bịt kín khẩu trang, đưa tờ đơn không ký tên, phần kính gửi thẳng cho Bí thư Huyện ủy. Chị bảo vì tình làng nghĩa xóm nên không muốn làm to chuyện nhưng không thể chịu được cảnh ô nhiễm ở xóm 7 thôn Dưỡng Mông quê mình nữa. Rồi chị chìa điện thoại cho tôi xem những bức ảnh chụp con đường nông thôn mới rộng thênh thang chi chít… phân bò, nhiều khi đi xe không có chỗ để mà tránh.

Lúc tôi về thôn Dưỡng Mông, có mưa to nên hiện trường đã bị xóa bớt nhưng gần trại bò vẫn còn mùi xú uế nồng nặc. Ông Nguyễn Văn Phổ kể mình có thâm niên nuôi bò trên 10 năm nay, trước đàn 5 - 7 con, giờ 9 - 10 con: “Trong xóm có 2 nhà nuôi bò gồm tôi và ông Nguyễn Văn Tuệ có 15 - 16 con gì đó. Khi nào đi chăn, đưa chúng lên đường làng tôi đều cầm cái xẻng đi theo để hót phân. Phân sau khi rắc chế phẩm sinh học tôi đem cho hàng xóm, còn nước tiểu không xử lý được vẫn rất nặng mùi nên dân họ kêu, không thể tránh được. Năm nay tôi 66 tuổi rồi, dự định đến sang năm là thôi bởi vừa rồi xã triệu tập 3 hộ gây ô nhiễm môi trường ra Ủy ban, cũng rất ngại với bà con”.

Empty

Ông Nguyễn Văn Phổ: "Mình chăn nuôi trong làng, bà con kêu cũng không thể tránh được". Ảnh: Dương Đình Tường.

Cạnh đó là xưởng mộc của ông Phùng Văn Sự đang phun PU, khói bụi hóa chất mịt mù như làn sương, bay cay cả sống mũi. Xa hơn một tí là xưởng đậu phụ nhà ông Nguyễn Văn Tuấn cũng là 1 trong 3 hộ gây ô nhiễm môi trường trong xóm, bị xã triệu tập lên. Xưởng mỗi ngày dùng khoảng 40kg đậu tương để chế biến, trải qua nhiều công đoạn như ngâm, rửa, xay vắt, nấu cho ra cho ra hơn 200 bìa đậu và 20 lít sữa đậu. Toàn bộ nước thải đổ trực tiếp ra nền xưởng đang ngày ngày gây mùi khiến cho dân làng khó chịu. Hiện ông Sự đang phải xử lý tạm thời bằng cách rắc men vi sinh ra nền xưởng để khử mùi nhưng sắp tới sẽ phải làm bể biogas để xử lý tận gốc.

Empty

Xưởng mộc nằm trong thôn Dưỡng Mông, khi phun PU khói bụi bay mù mịt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mang tất cả những hiện trạng của 3 xã tôi đã đi thực tế trong 3 ngày 3 đêm ấy đặt lên bàn làm việc của chị Vũ Thị Liên - Phó phòng NN-PTNT huyện Kim Thành và hỏi. Chị đáp, phòng chỉ là cơ quan tổng hợp, còn trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí của ngành nào thì ngành ấy phải chịu trách nhiệm, như văn hóa, giáo dục... Nói chung tinh thần là không được nợ tiền xây dựng cơ bản, không được nợ các tiêu chí.

Để đạt xã nông thôn mới, phải hoàn thành tất cả các tiêu chí, huyện thẩm tra, tỉnh thẩm định và công nhận. Để đạt huyện nông thôn mới, 100% số xã phải đạt chuẩn. Quy trình là thế, về cơ bản là tốt nhưng đâu đó vẫn có thể còn những “hạt sạn”. Nông thôn mới mà cứ đòi hỏi phải xây mới hết các công trình thì quả cũng gây áp lực cho các địa phương vì thiếu kinh phí. Còn về khói nhà máy rác gây ô nhiễm môi trường cho nhiều xã là chuyện lịch sử để lại, bởi nó nằm trên đất của huyện Thanh Hà nên Kim Thành cũng rất khó để xử lý…

Trong quá trình đi một số địa phương để viết bài, tôi nghe phong thanh về chuyện này nọ, nhưng quả thực nói ra thì khó vì không có chứng cứ. Chỉ biết rằng có những nơi chất lượng nông thôn mới kém, nợ tiêu chí vẫn được công nhận. Một chuyên gia bảo với tôi rằng, thường xã chỉ đạo thôn, thôn lại “bấm” mấy ông trưởng họ, bảo cứ như thế, như thế mà làm.

Dân không mấy khi đi họp 100%, họ vẫn tin vào chính quyền cơ sở, thứ nữa là sĩ diện với thôn khác. Ví dụ, họp người ta bảo: “Báo cáo bà con, thôn kia công nhận nông thôn mới rồi, thôn mình họp xin mời bà con cho ý kiến”. Thế là bà con “máu” lên dù biết rằng nó không đạt, nhưng mai được công nhận nông thôn mới thì lại chê. Để xây dựng nông thôn mới bền vững, làng phải có công ăn việc làm, có cảnh quan đẹp, có nhiều hoạt động thể dục thể thao, vui chơi thì thanh niên mới thích, mới chịu ở. Không có những thứ ấy thì thanh niên vẫn phải ra phố để làm, để chơi và bị kỳ thị, bị coi thậm chí tự coi mình là “công dân hạng hai”.

Trong chuyến đi thực tế, chúng tôi cũng được nghe lời bàn tán nếu không bị vướng vào sự cố kit test Việt Á để lãnh đạo bị bắt hay bị kỷ luật thì tỉnh Hải Dương chắc đã tưng bừng tổ chức lễ đón tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.