| Hotline: 0983.970.780

Xã sầu riêng

Thứ Hai 31/08/2015 , 09:10 (GMT+7)

Về xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) sau 40 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất và người dân vùng căn cứ cách mạng năm xưa nay khoác lên mình một chiếc áo rất mới.

Ít nhất 1 tỷ đồng/hộ/năm

Cây sầu riêng cơm vàng hạt lép đã bám rễ sâu trên vùng đất này, đưa lại giá trị kinh tế rất cao, bền vững cho từng nông hộ. Nhiều hộ trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép ở xã “Nông thôn mới Tam Bình” thu nhập 1 tỷ đồng/năm trở lên.

Ông Nguyễn Văn Thắm, nhà vườn trồng 0,6 ha sầu riêng cơm vàng hạt lép ở ấp Bình Hòa A (Tam Bình) khoe: Vườn sầu riêng 6 năm tuổi của tôi năm vừa qua thu trên 1 tỷ đồng. Vụ sầu riêng 2015 đang xử lý ra hoa rải vụ và khoảng 3 tháng nữa là thu hoạch. Với số lượng bông và trái hiện tại thì vụ sầu riêng rải vụ này cầm chắc lợi nhuận cũng phải trên 1 tỷ đồng.

Ông Đặng Văn Nữa, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh sầu riêng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (ấp Bình Hòa A, Tam Bình) là một trong những tỷ phú sầu riêng. Năm 2014 với 0,7 ha/1,3 ha sầu riêng ra trái rải vụ thu hoạch 3 lần cho ông thu hơn 1 tỷ đồng.

Ông Nữa nói, bây giờ ở Tam Bình từ bàn trà, quán cà phê hay đám tiệc câu chuyện cửa miệng của mọi người luôn xoay quanh vấn đề canh tác và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật canh tác sầu riêng sao cho đạt hiệu quả cao.

Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây khi Nhà nước triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các nhà khoa học Viện Cây ăn quả miền Nam, kỹ sư nông nghiệp địa phương đã về chuyển giao kỹ thuật xử lý cho sầu riêng ra hoa rải vụ mang lại hiệu quả rất cao.

Sầu riêng rải vụ đưa đời sống từng nông hộ tăng trên 10 lần so với trước đây trồng lúa 3 vụ. Trong 17 nhà vườn tham gia thực hiện mô hình canh tác sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP thì có khoảng 50% hộ dân thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm. Giá trị vẫn tiếp tục tăng dần theo tuổi thọ của cây.

Cây sầu riêng bám được rễ sâu trên đất Tam Bình từ khi Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao chống lũ. Sau khi đê bao hoàn thành thì bà con bỏ ruộng lập vườn trồng sầu riêng khổ qua xanh.

Đến năm 2005 bà con bắt đầu chuyển đổi sang giống sầu riêng cơm vàng hạt lép. Người trồng mới, người thì ghép vào gốc sầu riêng khổ qua xanh. Sau 3 năm cây đơm hoa, kết quả thu về lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.

Đặc biệt, trong vòng 2 năm trở lại đây nhà vườn đã biết ứng dụng kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa rải vụ đã đạt giá trị kinh tế cao gấp 1,8 lần so với chính vụ và gấp 12 lần trồng lúa.

08-00-47_ong-thm-ty-phu-su-rieng-ri-vu
Ông Thắm, tỷ phú sầu riêng với diện tích trên 0,6 ha

Để ổn định hơn trong quá trình sản xuất rải vụ, địa phương đã thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP với 17 hộ tham gia sản xuất trên diện tích 15 ha. Đến nay THT đã được công nhận sản xuất VietGAP.

Ông Trần Văn Bé Ba, Tổ phó THT sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn GlobalGAP (Tam Bình) đầu tiên ở ĐBSCL, cho biết Tổ có 35 hộ, 21 ha sầu riêng. Bình quân 1.000 m2 trồng 20 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép, xử lý cho ra trái rải vụ thì nhà vườn thu lợi nhuận từ 100 – 150 triệu đồng/năm. Bây giờ có đổi 1 công (1.000 m2) sầu riêng lấy 1 ha ruộng người ta cũng không đổi.

"Độc diễn" cơm vàng hạt lép

Ông Nguyễn Văn Tặng, ấp Bình Hòa B có một cây sầu riêng cơm vàng hạt lép cho trái rải vụ năm 2014 bán được 48 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ước, ấp Bình Hòa B có 6.500 m2 đất trồng sầu riêng rải vụ thu trên 1,5 tỷ đồng.

Hiện tại, trong THT trồng sầu riêng GlobalGAP của xã chỉ có 5/35 hộ là có đất sản xuất trên 1 ha, còn lại dưới 1 ha. Đất ít nhưng nhà vườn vẫn thoát nghèo bền vững. Một hộ dân 4 nhân khẩu chỉ cần 2.000 m2 đất trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép sau 4 năm sẽ vươn lên hộ khá và giàu theo tuổi thọ của cây.

Ông Đặng Văn Nữa: "Vùng nuôi giấu cán bộ cách mạng năm xưa đã, đang và sẽ có nhiều hộ nông dân tỷ phú. Địa phương đang có ý tưởng thành lập câu lạc bộ 1 tỷ đồng từ nghề trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép".

Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình cho biết, nhà vườn ở Tam Bình đã và đang hưởng lợi lớn từ công trình thủy lợi ngăn triều cường do Nhà nước đầu tư năm 2000. Khi đê bao hoàn thành bà con đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang vườn sầu riêng chuyên canh.

Thu nhập của cây sầu riêng đã cuốn hút ông Nguyễn Văn Hòa (Mười Phò), chủ tiệm vàng để hết nghề kinh doanh cho vợ về cai quản vườn sầu riêng 7.000 m2. Vụ sầu riêng 2014 ông thu lãi trên 500 triệu đồng. Vụ sầu riêng năm nay ông đang nhắm đến con số 1 tỷ đồng.

Hai năm qua trái sầu riêng cơm vàng hạt lép luôn giữ mức giá khá ổn định, khoảng 30.000 đồng/kg. Những nhà vườn xử lý cho trái rải vụ bán mức giá bình quân 70.000 đồng/kg, năng suất 20 tấn/ha thì thu về 1,4 tỷ, trừ chi phí còn lãi trên 1 tỷ.

Chủ tịch xã Đặng Văn Lâm nói: Xã Tam Bình có 1.600 ha đất trồng cây ăn trái thì có đến 1.400 ha sầu riêng cơm vàng hạt lép. Bình quân 1 ha đất trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép cho lợi nhuận từ mức 500 triệu đồng/năm trở lên. Năm 2014 toàn xã có 1.080 hộ được công nhận sản xuất giỏi 3 cấp.

Năm 2015 đã có thêm 1.815 hộ đăng ký bình xét khen tặng nông dân sản xuất giỏi 3 cấp. Tam Bình hiện là xã nông thôn mới và hộ nghèo còn dưới 5%. Nhà vườn trồng sầu riêng thu nhập bạc tỷ không còn là chuyện hiếm ở Tam Bình.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm