| Hotline: 0983.970.780

Xã vùng cao đặc biệt khó khăn nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 01/11/2021 , 10:11 (GMT+7)

An Vinh, xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi An Lão (Bình Định) do có xuất phát điểm rất thấp trong xây dựng nông thôn mới nên đang dồn nỗ lực…

Khó khăn tứ bề

Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện miền núi An Lão, xã An Vinh nằm trong khu vực đầu nguồn hồ chứa nước Đồng Mít, 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Hrê. An Vinh nằm tách biệt về phía Bắc huyện An Lão, cách rất xa trung tâm huyện lỵ.

An Vinh có 539 hộ dân với 2.038 nhân khẩu. Diện tích tự nhiên của xã An Vinh hơn 8.017ha. Trong đó hơn 494ha đất nông nghiệp và gần 143ha diện tích đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất, còn lại là hơn 7.856ha đất khác. Trong 494ha đất nông nghiệp có 98ha ruộng lúa nước, mỗi năm làm 2 vụ. Nhờ sử dụng giống lúa lai vào canh tác lúa nước, nên năng suất lúa bình quân ở An Vinh đạt rất cao, khoảng 65 tạ/ha. Ngoài ra, An Vinh còn 5.700ha rừng phòng hộ.

Nhận khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ cũng là nguồn thu chính của người dân An Vinh ngoài làm ruộng lúa nước và làm rẫy. Do điều kiện kinh tế của địa phương hạn chế là vậy, nên hiện An Vinh có 539 hộ dân thì trong đó đã có đến 305 hộ nghèo; nhiều nhất là thôn 2 có 62 hộ nghèo, tiếp đến là thôn 3 có 53 hộ, thôn 7 có 50 hộ, thôn 6 có 53 hộ, thôn 5 có 40 hộ, thôn 1 có 30 hộ và thôn 4 có 27 hộ. Sau nhiều nỗ lực, hiện trên địa bàn xã An Vinh đã có 42 hộ thoát nghèo.

Thanh niên xã An Vinh dọn sạch đường làng ngõ xóm. Ảnh: V.Đ.T

Thanh niên xã An Vinh dọn sạch đường làng ngõ xóm. Ảnh: V.Đ.T

“Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã An Vinh chủ trương lấy nhân dân làm chủ thể. Trong bối cảnh khó khăn, nhưng với quyết tâm vươn lên, cả hệ thống chính trị và nhân dân xã An Vinh đồng lòng nhập cuộc nên đến nay đã đạt được những kết quả khả quan”, ông Đỗ Tùng Lâm cho hay.

Theo ông Đinh Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh, xác định công tác tuyên truyền là đòn bẩy để phát huy nội lực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, nên Đảng ủy, UBND xã An Vinh đẩy mạnh công tác này. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, nên An Vinh đã triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền.

Trò chuyện với những đồng bào dân tộc Hrê chân thành, chất phác của xã An Vinh, chúng tôi nhận thấy hầu hết người dân ở đây đều nhận thức được vấn đề cốt lõi của công cuộc xây dựng nông thôn mới là cuộc vận động lớn, huy động cộng đồng dân cư đồng lòng xây dựng thôn, xã ngày càng khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện; mỗi gia đình đều có nếp sống văn hoá; môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo. Cuối cùng, đối tượng hưởng lợi chính là người dân, khi qua xây dựng nông thôn mới, thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân sẽ được nâng cao.

Người dân xã An Vinh tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: V.Đ.T

Người dân xã An Vinh tham gia làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: V.Đ.T

“Hằng năm, UBND xã An Vinh thường xuyên quan tâm đến công tác kiện toàn bộ máy Ban quản lý cấp xã và 7 Ban phát triển thôn. Các thành viên trong Ban quản lý xã được phân công thực hiện các tiêu chí và tham gia công tác tuyên truyền, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Sự chỉ đạo trong công tác xây dựng nông thôn mới xuyên suốt từ Ban chỉ đạo cấp xã đến cơ sở; thực thi nghiêm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của huyện và tỉnh. Hoạt động nhiệt tình của các thành viên trong Ban quản lý cấp xã và Ban phát triển thôn đã tạo nên sự đoàn kết, chung tay chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh Đinh Văn Tý chia sẻ.

Nỗ lực vượt khó

Sau nhiều nỗ lực, đến nay An Vinh đã đạt 10/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, gồm các tiêu chí: Quy hoạch, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, lao động có việc làm, giáo dục và đào tạo, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh. Đến cuối năm nay, An Vinh phấn đấu đạt thêm tiêu chí về y tế.

Trong số 9 tiêu chí chưa đạt, có tiêu chí số 2 về giao thông là gây khó cho An Vinh nhất. Hiện xã này có 4,5km đường trục xã và liên xã; 11km đường trục thôn, xóm; 5.433km đường ngõ, xóm và 37.24km đường trục chính nội đồng. Trong đó, có 4,5km đường trục xã và liên xã là đã được bê tông hóa đáp ứng tiêu chí, đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT cho từng loại đường. Đường trục thôn, xóm có 11km đã được bê tông hoá nhưng chỉ đạt 85% theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT. Đường ngõ, xóm có 5,4km, trong đó đã bê tông hóa 2km, chưa đạt theo cấp kỹ thuật của Bộ GTVT, còn lại 3,4km đường đất chưa được bê tông hóa; đường ngõ, xóm sạch và không bị lầy lội vào mùa mưa đạt 80%. Hệ thống giao thông nội đồng có 37,24km nhưng mới chỉ được bê tông hóa 0,33km.

Người dân xã An Vinh đồng lòng góp công góp sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ảnh: V.Đ.T

Người dân xã An Vinh đồng lòng góp công góp sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ảnh: V.Đ.T

“Đường sá trên địa bàn xã An Vinh được Nhà nước đầu tư từ lâu lắm rồi, từ năm 2005, nên giờ đã xuống cấp. Thêm vào đó, xe tải thường xuyên chở gỗ keo đi tiêu thụ quá tải khiến những con đường càng thêm xuống cấp, nhất là những con đường lâm nghiệp thường bị sạt lở trong những mùa mưa lũ, xuống cấp rất trầm trọng”, ông Đinh Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh cho biết thêm.

Về tiêu chí thủy lợi hiện An Vinh cũng đang gặp khó. Do diện tích sản xuất lúa nước trên địa bàn đã ít, lại manh mún, nên hiện ở xã An Vinh chưa có hồ chứa thủy lợi nào, nước tưới cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào các trạm bơm. Hiện trên địa bàn xã An Vinh có 21,863km chiều dài hệ thống kênh mương, trong đó mới chỉ có 4,86km đã được kiên cố hóa. Do hệ thống kênh nội đồng phần lớn là kênh đất nên gây tổn thất nước rất lớn, hiệu suất tưới đạt thấp, tổn thất nước nhiều nhất là ở vụ hè thu.

Đời sống của người dân xã An Vinh chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ dân làm nông nghiệp chiếm 87,9%, nên mức sống của người dân còn thấp, thu nhập bình quân chung là 9 triệu đồng/người/năm. Mức thu nhập này là quá thấp so với mức thu nhập bình quân khu vực nông thôn là 16 triệu đồng/người/năm. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở An Vinh tính đến cuối năm 2020 là 68,5%, còn quá cao so với quy định là 5%.

Thanh niên xã An Vinh ra quân tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T

Thanh niên xã An Vinh ra quân tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.Đ.T

Một nỗi khó khác của An Vinh là tiêu chí môi trường. Nước sinh hoạt ở đây hầu hết được sử dụng từ bể tập trung, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt 90%, trong đó hộ sử dụng nước sạch mới chỉ đạt 30%. Do đời sống của người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nên số hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch còn thấp, mới chỉ đạt hơn 85%, không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường cũng mới chỉ đạt 54,6%, thấp hơn so với quy định.

Đòn bẩy phát triển kinh tế hộ ở An Vinh hiện nay là cây cau. Hiện trên địa bàn xã này có 40ha cau, mỗi năm 1 cây cau cho thu hoạch khoảng 12kg. Trong năm 2021 này, giá cau được thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 50.000đ-60.000đ/kg nên bà con rất phấn khởi. Trước đây, quả cau An Lão đã từng được xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Nam Á. Trong thời gian tới, xã An Vinh có chủ trương phát triển mạnh cây cau thay cho cây keo lấy gỗ, bởi cây cau cho giá trị kinh tế cao hơn. Vả lại, cau An Lão đã được UBND huyện đăng ký sản phẩm OCOP.

“Đây là chìa khóa cho bài toán xóa đói giảm nghèo của xã An Vinh. Hiện trong 9 tiêu chí chưa đạt nhưng có nhiều tiêu chí đã đạt 80-90%. Với sự đồng lòng, nhiệt tình đóng góp xây dựng nông thôn mới của bà con, chúng tôi hy vọng những nỗ lực sẽ đạt kết quả trong thời gian gần nhất. Nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới của chúng tôi là thực hiện giao ước phong trào thi đua “Huyện An Lão chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025”, ông Đinh Văn Tý, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.