| Hotline: 0983.970.780

Xã xài 100% máy "Hai Lúa"

Thứ Sáu 24/09/2010 , 09:13 (GMT+7)

Trên đồng đất ĐBSCL, hàng ngày, hàng giờ máy GĐLH do các "Hai Lúa" chế tạo đang ra sức thi thố với các nhãn hàng của các quốc gia có nền công nghiệp chế tạo máy khổng lồ như Nhật Bản, Trung Quốc...Tại Mỹ Lạc (Thủ Thừa, Long An)- một nơi đi đầu trong cơ giới hóa SX, sản phẩm của các "Hai Lúa" đã đánh bại máy ngoại với ưu thế tuyệt đối.

Chiếc máy GĐLH made in Chín Nghĩa của tổ ông Bé ra đời đầu tiên tại Mỹ Lạc

Trên đồng đất ĐBSCL, hàng ngày, hàng giờ máy GĐLH do các "Hai Lúa" chế tạo đang ra sức thi thố với các nhãn hàng của các quốc gia có nền công nghiệp chế tạo máy khổng lồ như Nhật Bản, Trung Quốc...Tại Mỹ Lạc (Thủ Thừa, Long An)- một nơi đi đầu trong cơ giới hóa SX,  sản phẩm của các "Hai Lúa" đã đánh bại máy ngoại với ưu thế tuyệt đối.

Xã Mỹ Lạc (huyện Thủ Thừa, Long An) là một trong những nơi tiêu biểu đi đầu trong việc thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng. Dù chỉ có trên 1.200 ha đất lúa, nhưng cả xã có tới 12 tổ liên kết với 15 máy GĐLH. Điều đáng nói, sản phẩm của những kỹ sư “hai lúa” như Chín Nghĩa, Tư Sang, Nhựt Thành… chiếm ưu thế tuyệt đối.

Khi được hỏi: Tại sao lại “mê” máy của mấy ông “hai lúa” nhà mình? Câu trả lời đều đại loại rằng: Máy của mấy ổng đâu có thua hàng Trung Quốc, nhất là mấy ổng lại ở gần, có hỏng hóc là chúng tôi cứ… bắt đền!

Từ xã “trắng” cơ giới, đến nay 100% ruộng lúa tại Mỹ Lạc được hàng chục máy GĐLH của chính nông dân trong xã “bao trọn gói”. Nông dân đầu tiên đưa chiếc máy GĐLH “hai lúa” về xã Mỹ Lạc là ông Trần Văn Bé. Nhưng cái cách ông đưa về lại không nông dân chút nào. Cụ thể, ông tập hợp 5 người cùng chung chí hướng hùn tiền mua chiếc máy GĐLH, sau đó viết đơn gửi lên xã xin thành lập tổ liên kết, có phương hướng và quy chế hoạt động hẳn hoi. Ngay sau năm đầu hoạt động, ngoài việc giải quyết trọn gói vài ha trồng lúa ruộng nhà, chiếc máy còn đi “chạy sô” gặt thuê và cuối năm đã giúp tăng thu nhập tròm trèm thêm 20 triệu đồng/người.

Vậy là người ta tiếp cận ông Bé học hỏi và rủ nhau hùn vốn mua máy GĐLH. Chỉ sau 3 năm (2007 - 2010), đến nay xã Mỹ Lạc đã đứng đầu tỉnh Long An về số lượng tổ liên kết máy GĐLH. Trao đổi với NNVN, ông Phạm Văn Giảng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lạc cho biết, hiện xã có 12 tổ liên kết hoạt động với 15 máy GĐLH (trung bình 4 hộ gia đình/tổ), trong số đó có tới 13 máy là của cơ sở Chín Nghĩa, Tư Sang, Nhựt Thành. Cá biệt chỉ có 1 tổ dùng máy Trung Quốc và 1 tổ mua máy GĐLH của Nhật.

Là người từng hai năm gắn bó với chiếc máy GĐLH made in Vietnam chính hiệu, nông dân Nguyễn Bá Cường (ấp Cầu Lớn) khẳng định: “Ưu điểm của mấy ông kỹ sư nhà mình là thiết kế theo yêu cầu của từng đồng ruộng. Như ở Mỹ Lạc nền đất yếu và mềm nên chiếc máy chúng tôi đặt mua được thiết kế nhẹ, chỉ nặng 1,4 tấn di chuyển linh động, không phá đất, còn máy Trung Quốc nặng tới 2,5 tấn, máy Nhật 2,7 tấn thì đất ở đây chịu sao nổi”. Cũng “mê” máy GĐLH nội địa, nông dân Lê Văn Mười (ấp Vườn Cò) khẳng định: “Máy nội địa tuốt sạch lúa cả ở đầu bông, còn máy Trung Quốc thì không làm được nên người chủ ruộng thuê gặt không ưng. Giờ chúng tôi mua máy cũng là để kinh doanh, phải chiều theo khách hàng thôi”.

Riêng nông dân Nguyễn Văn Thìn (ấp Cầu Lớn) thì bày tỏ quan điểm: “Máy nhà mình làm tốt thì nông dân mình cũng phải ủng hộ, lẽ nào dân “Hai Lúa” lại không ủng hộ mấy ông kỹ sư “Hai Lúa” chớ!”. Cũng chính vì lẽ đó mà tổ liên kết của nông dân Trần Văn Bé vừa chính thức đặt mua thêm 3 máy GĐLH nội địa và kết nạp thêm 3 thành viên mới vào tổ. Lúc chúng tôi xuống nhà, ông Bé vui vẻ cho xem bản hợp đồng ký kết mua 3 chiếc máy GĐLH made in Vietnam với giá 175 triệu đồng/máy. “Nếu tiếp tục có thêm nhiều thành viên và nhiều máy GĐLH tham gia, chúng tôi dự tính sẽ thành lập hẳn hợp tác xã máy GĐLH đầu tiên của Việt Nam” – ông Bé hăm hở nói.

Tại cánh đồng ấp Bà Nghiệm, xã Mỹ Lạc, chúng tôi bắt gặp nông dân Nguyễn Văn Anh đang gặt lúa thuê bằng máy GĐLH mang thương hiệu Vikyno & Vinappro mới cáu cạnh.

Chiếc tem toàn chữ Trung Quốc còn đính chặt vào động cơ máy nổ của máy GĐLH mang thương hiệu Vikyno&Vinappro

Anh cho biết mới mua chiếc máy với giá 179 triệu được 3 tuần nay, đang chạy gặt thử gần nhà để xem chất lượng máy ra sao. Khi được hỏi, anh Anh khẳng định nơi bán chiếc máy này (một đại lý tại xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, Long An) nói rằng, máy 100% sản xuất tại Việt Nam và anh cũng tin là như thế.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị anh Anh mở nắp đậy phía trên động cơ máy nổ thì bất ngờ phát hiện một chiếc tem toàn chữ Trung Quốc còn đính chặt phía ngoài chiếc máy (ảnh). Anh Anh cho biết, lúc đầu chạy thử cũng đã nghi ngờ máy nổ và hộp số là của Trung Quốc vì thấy rung và ồn, nhưng hôm nay tận mắt thấy “tang chứng vật chứng” mới thấy mình bị mắc lừa!

Trong khi nhiều nông dân Mỹ Lạc tỏ vẻ khâm phục và tin tưởng vào những chiếc máy GĐLH của các kỹ sư “hai lúa” Việt Nam, thì những người trực tiếp tạo ra sản phẩm có tính “cách mạng” trên đồng ruộng lại đang thực sự cô độc trong niềm đam mê sáng tạo. Các sản phẩm mang thương hiệu Việt như Chín Nghĩa (Long An), Tư Sang (Tiền Giang)… vẫn phải vay mượn rất nhiều bộ phận của Trung Quốc hay Nhật Bản, mà đó lại là những bộ phận quan trọng nhất của một chiếc máy GĐLH.

Trao đổi với NNVN, ông Chín Nghĩa ngậm ngùi cho biết, có đến 3 bộ phận là động cơ máy nổ, hộp số và bánh xích cơ sở ông phải nhập từ Trung Quốc hoặc ra chợ trời mua hàng cũ của Nhật về lắp ráp. Điều đó cũng đồng nghĩa, cái “hồn” của máy GĐLH nội địa vẫn không phải chính hiệu Việt Nam.

Điều này cũng chẳng sáng sủa hơn với kỹ sư “hai lúa” Tư Sang khi ông đã từng chạy đôn chạy đáo khắp nơi đặt hàng các cơ sở cơ khí trong nước 3 bộ phận trên, nhưng rốt cục cũng lại phải chịu cảnh “áo nội, ruột ngoại”.

Riêng ông Chín Nghĩa còn quyết tâm nội địa hóa máy GĐLH đến mức, đã từng đặt hàng và mày mò làm ra được loại bánh xích và hộp số chính hiệu Việt Nam.

Tuy nhiên, do làm thủ công nên hai sản phẩm này cũng không đáp ứng được yêu cầu. “Chúng ta có hàng triệu ha đất canh tác lúa mỗi năm, vậy mà chiếc máy GĐLH vẫn mãi phải chịu cảnh “hồn trương ba, da hàng thịt” thế này thì quả buồn quá!” – ông Chín suy tư nói.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm