| Hotline: 0983.970.780

Xâm nhập mặn tăng cao tại các tỉnh ven biển phía Bắc

Thứ Ba 05/12/2023 , 10:22 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từ năm 2019 đến nay, nước mặn đã xâm nhập và bao phủ toàn bộ hệ thống thủy lợi Đa Độ khiến cho việc lấy nước phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Đầu nguồn hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Đầu nguồn hệ thống thủy lợi Đa Độ. Ảnh: Đinh Mười.

Không chỉ các tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh ven biển phía Bắc hiện nay cũng đang đối diện với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, rõ ràng nhất là xâm nhập mặn và địa phương ảnh hưởng nặng nề nhất đó chính là TP Hải Phòng.

Tại Hải Phòng, hệ thống thủy lợi lớn nhất là Đa Độ, kéo dài hơn 50km, qua địa phận 5 quận, huyện gồm: An Lão, Kiến Thụy, Kiến An, Dương Kinh và Đồ Sơn. Bên cạnh nhiệm vụ cấp nước tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với diện tích gần 32.000ha/năm, hệ thống thủy lợi Đa Độ còn cấp nguồn nước sạch cho các nhà máy nước sinh hoạt khoảng 30 triệu m3/năm, cấp nước cho các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng và chủ động phòng chống úng lụt, hạn hán, phát triển dân sinh kinh tế.

Từ năm 2019 đến nay, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nước mặn đã xâm nhập và bao phủ toàn bộ hệ thống thủy lợi và đặc biệt ở thống cống Trung Trang, nơi lấy nước chính vào hệ thống có những thời điểm mỗi con nước chỉ lấy được 1/3 thời gian và hằng năm chỉ lấy được lượng nước bằng 1/5 đến 1/6 so với nhu cầu. Việc này ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Trước đây mỗi kỳ lấy nước theo thủy triều là từ 7 đến 8 ngày, thời gian lấy nước trong ngày từ 7 đến 8 giờ, nhưng thực tế hiện nay chỉ lấy được 4 đến 5 ngày, thời gian lấy nước trong ngày giảm xuống còn 2 đên 3 giờ”, ông Đỗ Văn Công - Trạm trưởng Trạm khai thác thủy lợi cống Trung Trang chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Trãi, Chủ tịch Công ty Đa Độ chia sẻ những điều thực tại với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Đỗ Văn Trãi, Chủ tịch Công ty Đa Độ chia sẻ những điều thực tại với Báo Nông nghiệp Việt Nam. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh những chia sẻ của ông Công, thực tế tìm hiểu của PV tại hệ thống thủy lợi lớn nhất vùng đất Cảng còn nhiều khó khăn hơn nữa. Ông Đỗ Văn Trãi - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đa Độ (Công ty Đa Độ) thẳng thắn bày tỏ, là cống đầu mối đưa nước vào hệ thống thủy lợi Đa Độ nhưng cống Trung Trang đã được xây dựng từ những năm 1979, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp, có nguy cơ gây mất an toàn công trình.

Bên cạnh đó, trong quá trình quản lý vận hành còn nhiều vướng mắc do cơ chế, chính sách đối với giá dịch vụ công ích chưa được thay đổi, do đó chi phí công tác để phòng ngừa nhiễm mặn trong hệ thống thủy lợi càng gặp nhiều khó khăn.

Ngoài việc khó khăn trong việc lấy nước, tình trạng chênh lệch mực nước khi nước mặn xâm nhập sâu, giá nước để bán nước thô theo quy định cũ không phù hợp làm cho công tác quản lý điều hành bị hạn chế, thậm chí bế tắc.

Trước thực trạng này, từ năm 2019 đến nay, Công ty Đa Độ đã thực hiện triển khai nhiều giải pháp vào đầu vụ đông xuân hằng năm, tiếp tục rà soát đánh giá lại toàn bộ công trình thủy lợi trong hệ thống. Bên cạnh đó, Công ty Đa Độ tăng cường kiểm soát nguồn nước đầu vào, qua nồng độ mặn cũng như kiểm soát chất lượng nội vùng để đưa ra công tác điều phối nước một cách phù hợp nhất. Qua đó, đã tận dụng tối đa việc lấy nước từ cống đầu mối vào hệ thống nhằm lấy được nguồn nước đảm bảo về chất lượng và trữ lượng.

Xâm nhập mặn tăng cao tại đầu nguồn đưa nước vào hệ thồng thủy lợi lớn nhất Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Xâm nhập mặn tăng cao tại đầu nguồn đưa nước vào hệ thồng thủy lợi lớn nhất Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Để dự phòng, Công ty Đa Độ đã phải chuẩn bị, linh hoạt bố trí nguồn lực để luôn sẵn sang máy bơm lưu động phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng thiếu nước hay hạn hán. Đồng thời tăng cường công suất của các trạm bơm hiện có để đảm đủ nước, vận động nhân dân tiết kiệm, tránh lãng phí nguồn nước.

Với việc cung ứng nguồn nước cho sản xuất tại các khu công nghiệp, Công ty Đa Độ phải tăng cường khả năng trữ nước, đồng thời kiểm soát chất lượng của nguồn nước và thực hiện các biện pháp thau rửa, đảm bảo nguồn nước có chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhà máy nước Hải Phòng hoạt động thông suốt.

Ngoài ra, thực hiện những chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng, Công ty Đa Độ cũng đã nghiên cứu, xây dựng phòng điều hành, quản lý, vận hành các công trình từ xa để chủ động trong việc đóng mở cống, qua đó tăng hiệu quả điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất.

Trước hiện tượng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tần suất hoạt động của các cống thủy lợi này càng dày đặc, Công ty Đa Độ mong muốn xây dựng quy trình vận hành cống thủy lợi để đảm bảo kịp thời và chính xác hơn. Qua đó giúp đảm bảo việc lấy nước nhanh nhất và có thể đóng cống kịp thời khi có hiện tượng xâm nhập mặn hoặc ô nhiễm nguồn nước.

“Ban quản lý hệ thống thủy lợi Đa Độ nhận thấy rằng với diễn biến xâm nhập mặn như hiện tại là không thể dự đoán trước được. Ví dụ trong vụ mùa năm nay, việc lấy nước từ cống đầu nguồn thực hiện với công suất rất kém, không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Từ đó chúng tôi đã phải đề xuất những giải pháp khắc phục ngay”, ông Trãi bày tỏ.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...