| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa vùng trồng sầu riêng

Thứ Hai 18/09/2023 , 10:25 (GMT+7)

ĐBSCL Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa vùng trồng sầu riêng là hướng đi để ngành sầu riêng ĐBSCL phát triển bền vững, hạn chế tình trạng cấp trùng mã số vùng trồng.

Sau khi Trung Quốc chính thức ký Nghị định thư cho phép sầu riêng Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỷ dân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân và doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu. Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 8 tháng đầu năm 2023 đạt trên 1,2 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch và gấp gần 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022 (420 triệu USD).

Từ đây, diện tích trồng mới sầu riêng ở các tỉnh miền Nam tăng đáng kể, nhất là tại các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ. Số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) ghi nhận diện tích tăng khoảng 11,8 nghìn ha/năm.

Tỉnh Tiền Giang được biết đến là địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn ở khu vực ĐBSCL. So sánh giữa năm 2021 và 2022, diện tích sầu riêng của tỉnh đã tăng gần 2.500 ha, đây là một trong những cây chủ lực ở Tiền Giang có diện tích tăng cao nhất.

Tại tọa đàm “Giải pháp phát triển bền vững cho sầu riêng Việt Nam” do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang nhận định, sự tăng trưởng này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển cây sầu riêng của tỉnh. Tính cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 17.652ha với sản lượng gần 280.000 tấn/năm.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết trước tình trạng phát triển 'nóng' cây sầu riêng, nếu không thực hiện tốt công tác quản lý dễ dẫn đến cung cầu dư thừa, khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: Kiều Trang.

Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết trước tình trạng phát triển “nóng” cây sầu riêng, nếu không thực hiện tốt công tác quản lý dễ dẫn đến cung cầu dư thừa, khó khăn trong tiêu thụ. Ảnh: Kiều Trang.

Những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện 2 đề án tập trung phát triển cây sầu riêng. Cụ thể, theo quy hoạch chung tại Đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, dự kiến đến cuối năm 2025, Tiền Giang sẽ phát triển vùng trồng sầu riêng tập trung khoảng 14.000ha. Tiếp đến là Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở phía Bắc quốc lộ 1A tỉnh Tiền Giang”, với mục tiêu tăng thêm diện tích 4.500ha trồng sầu riêng. Tổng quan qua 2 đề án trên, đến năm 2025, diện tích trồng sầu riêng ở Tiền Giang có thể đạt khoảng 20.000ha.

Theo ông Men, thời gian trước, tỉnh Tiền Giang chủ yếu tập trung phát triển trồng sầu riêng ở các địa phương khu vực phía Nam quốc lộ 1A. Sau đó mở rộng sang các vùng ở phía Bắc quốc lộ 1A. Trước tình trạng phát triển “nóng” cây sầu riêng, ông Men nhìn nhận nếu không thực hiện tốt công tác quản lý dễ dẫn đến cung cầu dư thừa, khó khăn trong tiêu thụ.

Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang thực hiện hàng loạt các biện pháp tăng cường công tác kiểm soát diện tích vùng trồng, tránh trường hợp phát triển ồ ạt, ảnh hưởng đến hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện số hóa vùng trồng sầu riêng là hướng quản lý bền vững đang được tỉnh Tiền Giang cũng như nhiều địa phương ở ĐBSCL chú trọng thực hiện, nhằm đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Điển hình, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đang triển khai thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh dựa trên bản đồ vùng trồng. Ứng dụng này sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến mã số vùng trồng, diện tích, thời gian dự kiến thu hoạch, vùng thu hoạch, sản lượng dự kiến cũng như tình trạng sâu bệnh hại.

Thông qua ứng dụng, các cơ quan quản lý sẽ có cơ sở dữ liệu quan trọng để thực hiện kiểm soát công tác cấp mã số vùng trồng, tránh trường hợp cấp lặp lại trên cùng một đơn vị diện tích. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động liên kết tiêu thụ sầu riêng một cách dễ dàng.

Tiền Giang đang triển khai thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh dựa trên bản đồ vùng trồng. Ảnh: Kiều Trang.

Tiền Giang đang triển khai thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh dựa trên bản đồ vùng trồng. Ảnh: Kiều Trang.

Hay tại tỉnh Đồng Tháp, tuy chưa phải là địa phương có thế mạnh trồng sầu riêng nhưng vài năm gần đây, nhất là từ thời điểm Trung Quốc ký Nghị định thư để sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang quốc gia này, có thể thấy diện tích sầu riêng ở tỉnh tăng lên đáng kể, đến năm 2022 đạt trên 2.000ha.

Công tác số hóa vùng trồng cũng được ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm. Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai công tác số hóa quản lý mã số vùng trồng, hướng tới mục tiêu người trồng tự đăng ký. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý giám sát chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

“Sở đã liên hệ trực tiếp nơi cấp Phyto để biết sầu riêng xuất khẩu đi đâu, chất lượng như thế nào, nhằm kịp thời đưa ra phương án điều chỉnh phù hợp”, ông Điền cho biết hướng đi của tỉnh Đồng Tháp.

Đồng thời, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường quốc tế đối với sầu riêng Việt Nam, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức cho bà con nông dân và HTX trồng sầu riêng của huyện Cao Lãnh và Châu Thành đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ vùng chuyên canh, chế biến sầu riêng ở Thái Lan.

Qua chuyến tham quan, ông Điền đánh giá người nông dân Thái Lan rất am hiểu về kỹ thuật trồng và tiêu chuẩn xuất khẩu của trái sầu riêng. Ở Thái Lan, mỗi cây chỉ có số lượng trái ít, khoảng 50 - 60 trái, đảm bảo chất lượng trái tốt, đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây trồng.

Ngoài ra, nông dân trồng sầu riêng ở Thái Lan có cách cột dây khi sầu riêng cho trái, đây là phương pháp hiệu quả để tính toán thời thu hoạch, đảm bảo được độ chín của trái. Nông dân Đồng Tháp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật hữu ích sau chuyến đi lần này.

Mỗi cây sầu riêng nên để ít trái, khoảng 50 - 60 trái, đảm bảo chất lượng trái tốt, đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây trồng. Ảnh: Kiều Trang.

Mỗi cây sầu riêng nên để ít trái, khoảng 50 - 60 trái, đảm bảo chất lượng trái tốt, đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn xuất khẩu, nhất là không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cây trồng. Ảnh: Kiều Trang.

Qua đó, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp nhận định, tuy sầu riêng có giá trị kinh tế cao nhưng phải phát triển theo hướng bền vững. Sở NN-PTNT tỉnh sẽ tổ chức tập huấn cho bà con về các tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, thay đổi tư duy canh tác truyền thống để cây cho trái nhiều sang tư duy sản xuất trái chất lượng để xuất khẩu.

Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp sẽ quy hoạch vùng chế biến thực phẩm từ nguyên liệu sầu riêng nhằm đảm bảo đầu ra khi thị trường tiêu thụ có sự biến động. Cụ thể, sầu riêng có thể làm nguyên liệu để chế biến các loại bánh, kem hoặc một số món ăn phục vụ cho khách du lịch.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.