Cấu trúc lại ngành hàng sầu riêng bền vững. Lai tạo nhiều giống lúa chất lượng cao thích ứng biến đổi khí hậu. Quỹ học bổng Growmax san sẻ khó khăn với học sinh nghèo Gò Công. 40 trẻ em nghèo vượt khó tỉnh Đồng Nai nhận học bổng GrowMax.
Cấu trúc lại ngành hàng sầu riêng bền vững
Sáng nay, tại TP Buôn Ma Thuột, Báo Nông nghiệp Việt phối hợp cùng Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Diễn đàn có sự tham dự và chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tại đầu cầu Bộ NN-PTNT và sự có mặt trực tiếp của lãnh đạo các Cục, Vụ, Trung tâm của Bộ NN-PTNT, gần 300 đại biểu tham dự và kết nối hơn 1.000 điểm cầu trực tuyến trên khắp cả nước.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Trước đây, đã có nhiều ngành hàng tiềm năng ban đầu rất háo hức phát triển nhưng sau đó lại rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức.
Do đó, muốn ngành hàng sầu riêng nói riêng, các ngành hàng khác nói chung phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp. Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Muốn ngành hàng phát triển hiệu quả phải bắt đầu từ sản xuất, nghĩa là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.
Lai tạo nhiều giống lúa chất lượng cao thích ứng biến đổi khí hậu
Trung tâm Giống Nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang đã nghiên cứu chọn tạo thành công nhiều giống lúa có ưu điểm vượt trội, thích nghi rất tốt với điều kiện sinh thái bất thường của Kiên Giang và các vùng ĐBSCL.
Hiện tại, đã lai tạo được khoảng 45 giống lúa được đặt tên là “GKG” có khả năng kháng hạn và chống mặn rất tốt, có khả năng chịu mặn khoảng 4 phần nghìn và thời gian sinh trưởng ngắn từ 85-95 ngày nên có thể né được hạn, mặn xâm nhập nên rất thuận lợi cho việc canh tác theo mô hình một vụ lúa, một vụ tôm (mô hình lúa - tôm).
Ông Ngô Đình Thức, Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp tỉnh Kiên Giang cho biết, việc nghiên cứu và lai tạo ra nhóm giống lúa GKG đã giúp Kiên Giang thành công trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình tôm – lúa. Mô hình này đã phát triển được hơn 20 năm, cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với độc canh cây lúa trước đây.
Quỹ học bổng Growmax san sẻ khó khăn với học sinh nghèo Gò Công
Minh Đảm
Ngày 11/9, Quỹ học bổng Growmax tiếp tục hành trình năm thứ 2 đến với học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn các tỉnh vùng ĐBSCL như: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tại Tiền Giang, hôm nay Quỹ học bổng Growmax sẽ trao 30 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 30 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường Tiểu học Bình Đông và Trường Trung học cơ sở Phường 2 thị xã Gò Công; Trường Tiểu học Nguyễn Thành Tắng (huyện Gò Công Tây). Đại diện nhà trường cảm ơn tấm lòng của nhà tài trợ đã san sẻ khó khăn cùng với gia đình các em trước thềm năm học mới. Các hoàn cảnh nhận được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng là những em có hoàn cảnh rất khó khăn, có nhiều nỗ lực vượt khó vươn lên trong học tâp.
40 trẻ em nghèo vượt khó tỉnh Đồng Nai nhận học bổng GrowMax
Cũng trong sáng nay, tại tỉnh Đồng Nai, đại diện Công ty TNHH Thức ăn thủy sản GrowMax đã trao 40 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, có ý chí nỗ lực vươn lên trong học tập, mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng tại hai địa điểm là Trường THCS Phước An huyện Nhơn Trạch và Trường Tiểu học Lộc An, huyện Long Thành.
Trước đó, ngày 5/9, Công ty TNHH thức ăn thủy sản GrowMax phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam trao 30 suất học bổng tại huyện Cần Giờ, TP.HCM, nằm trong Quỹ khuyến học GrowMax 8 tỷ đồng. Đây là quỹ khuyến học dành cho các em học sinh nghèo hiếu học tại các địa phương ven biển Việt Nam.