Sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, để đảm bảo tính liên thông, tổng thể, định hướng và xây dựng TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện; trên cơ sở đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, ngày 10/2/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040.
Theo đó, TP Hạ Long sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 1.121,322 km2, được định hướng phát triển theo mô hình đô thị thông minh, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của TP Hạ Long, nâng cao chất lượng đô thị, khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch…
Cấu trúc phát triển của TP Hạ Long sẽ gồm 5 vùng (Vùng vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây, Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, Vùng đồi núi phía Bắc) và 1 hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới và các vùng núi phía Bắc thành phố…
Phát biểu chúc mừng TP Hạ Long nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, đánh giá quy hoạch chung TP Hạ Long đã xác định một tầm nhìn mới, khẳng định tính chất, vai trò vị thế mới của thành phố. Đây sẽ là căn cứ quan trọng để Hạ Long tổ chức thực hiện, triển khai công tác lập quy hoạch đô thị và các dự án đầu tư xây dựng đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc, tuân thủ định hướng phát triển không gian; định hướng hệ thống hạ tầng, khai thác được tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh.
Để triển khai hiệu quả theo quy hoạch, ông Nguyễn Tường Văn đề nghị tỉnh Quảng Ninh, TP Hạ Long và các đơn vị liên quan thực hiện công khai, công bố quy hoạch, có thể bằng hình thức trực quan như các mô hình, sa bàn được trưng bày… để nhân dân tham gia giám sát, quản lý. Bên cạnh đó, triển khai điều chỉnh chương trình phát triển đô thị, lập quy chế quản lý kiến trúc, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phân khu; quản lý toàn diện các hoạt động đầu tư xây dựng; xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư, tài chính, đất đai để thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư, các khu vực nằm trong vùng bảo vệ di tích… đảm bảo sự phù hợp thống nhất các cấp độ quy hoạch, không để xảy ra các chồng chéo, tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình triển khai thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định: Quy hoạch không chỉ là sự sắp xếp, phân bổ không gian để tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và có các dự án đầu tư mới; mà quy hoạch là công cụ rất quan trọng để quản lý nhà nước, phương tiện giám sát của nhân dân, là niềm tin lựa chọn đầu tư của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Với phương châm "Có quy hoạch tốt thì có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt", đến nay Quảng Ninh đã hoàn thành đồng bộ các quy hoạch từ cấp Tỉnh đến cấp huyện, bảo đảm tính hiện đại, tiếp thu những kinh nghiệm tiên tiến trên thế giới, có chất lượng cao, có tính bền vững. Đây là tiền đề để Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của quy hoạch, tạo sự đồng thuận, nhất trí trong quá trình triển khai thực hiện.
Song song với đó, tổ chức thực hiện quy hoạch một cách khoa học; khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất của thành phố đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu, lấy "đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội" để tạo đột phá thu hút vốn đầu tư trong phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại.
Ông Cao Tường Huy cũng nêu rõ: Cần xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn với chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, môi trường sống tốt, các dịch vụ công có chất lượng cao; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý tài nguyên, than, khoáng sản trên địa bàn; bảo vệ nghiêm ngặt môi trường, đa dạng sinh học, nhất là rừng đặc dụng và hệ sinh thái rừng đầu nguồn.
"Công tác tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch cần được đổi mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và thông lệ quốc tế; cần bố trí bộ máy lãnh đạo tâm huyết, cán bộ đủ năng lực với cơ chế quản lý hiệu lực, hiệu quả; quyết liệt trong hành động, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích nhân dân", ông Huy nhấn mạnh.