| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng lòng tin trong tiêu thụ rau an toàn

Thứ Sáu 16/07/2021 , 15:27 (GMT+7)

HÀ NỘI Nhờ đó mà người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm rau an toàn đến hộ, số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu tăng lên, giá bán ổn định và cao hơn.

Rau an toàn được người dân Thủ đô tin tưởng sử dụng. Ảnh: Vân Đình.

Rau an toàn được người dân Thủ đô tin tưởng sử dụng. Ảnh: Vân Đình.

Trong những năm qua, Hà Nội luôn quan tâm đến công tác phát triển sản xuất rau an toàn, đã ban hành một số quy định cũng như cơ chế để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn.

Đặc biệt ngày 05/5/2009 UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 2083 về việc phê duyệt “Đề án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2009-2016” do Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với các địa phương thực hiện.

Đến nay đã tổ chức 1.139 lớp huấn luyện nông dân về IPM rau cho 34.170 nông dân, có 100% nông dân tiếp thu và ứng dụng, lan truyền được 50.000 nông dân khác; 897 lớp tập huấn ngắn hạn về an toàn thực phẩm trong sản xuất RAT cho 49.500 người, có 100% người sản xuất nắm được các quy định về an toàn thực phẩm; triển khai, thực hiện trên 500 thử nghiệm kỹ thuật mới không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như che phủ nilon, nhà lưới trồng rau trái vụ triển khai tại 116 xã.

Hà Nội trở thành địa phương có diện tích được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau lớn nhất toàn quốc với trên 5.000 ha, sản lượng rau an toàn đạt gần 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng. Chỉ 1-2% số mẫu kiểm nghiệm vượt giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (hàng năm phân tích 300-1.000 mẫu rau).

Hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất rau thường từ 10-20%, giá trị sản xuất đạt từ 300-500 triệu đồng/ha/năm và có khoảng 1.200 ha đạt giá trị 1 tỷ đồng/ha/năm.

Nông dân thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hái.

Khi sản xuất an toàn đã trở thành xu thế thì việc tổ chức theo chuỗi là một điều tất yếu bởi nó dễ quản lý về chất lượng và dễ có thể cung ứng sản phẩm vào các nhà hàng, siêu thị hơn.

Hà Nội đã xây dựng được 43 mô hình chuỗi rau áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS). Hệ thống này dựa trên sự tham gia tích cực của các bên liên quan: người tiêu dùng, công ty phân phối, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng quan tâm khác.

Truy xuất nguồn gốc rau an toàn qua điện thoại. Ảnh: Vân Đình.

Truy xuất nguồn gốc rau an toàn qua điện thoại. Ảnh: Vân Đình.

Quá trình sản xuất và thu hoạch thường xuyên được giám sát, điều tra đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm nhỏ và loại bỏ ngay lập tức các nhóm sản xuất, các sản phẩm mắc sai phạm nghiêm trọng.

Các vùng sản xuất đều tổ chức phân nhóm, hoạt động kiểm soát chéo nhau nên nông dân thay đổi tập quán canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà nhất là loại hóa học độc hại. Sản phẩm của 43 chuỗi được người tiêu dùng tin tưởng.

Thu nhập của người sản xuất tăng lên nhờ liên kết chuỗi áp dụng PGS. Vai trò, trách nhiệm tự quản, kiểm tra chéo, kiểm soát đến hộ tăng lên. Các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng cung cấp cho đối tác, hạn chế rủi do khi thị trường biến động về giá cả, kiểm soát được chất lượng.

Tuy nhiên phải thẳng thắn mà nói, vẫn còn những tồn tại như: Nhân lực, kinh phí cho công tác hướng dẫn, kiểm tra và kiểm nghiệm an toàn thực phẩm chưa đáp ứng yêu cầu nên khó khăn trong đánh giá việc chấp hành các quy định của nông dân, của cơ sở sản xuất và thiếu thông tin cho doanh nghiệp, người tiêu dùng trong việc kinh doanh và tiêu thụ.

Người tiêu dùng phân biệt rau an toàn khi có tem nhãn nhận diện của các doanh nghiệp nhưng có rất ít doanh nghiệp tham gia do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, theo đó là bất cập: giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá rất cao, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rau dễ thối hỏng, hư hao gắn liền với hệ lụy số cửa hàng ít, sản phẩm kém đa dạng, giá bán cao, số lượng tiêu thụ ít, không tiện lợi…

Thành phố Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau khoảng 12.000 ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã với trên 40 chủng loại rau phong phú, chủ yếu gieo trồng ở vụ đông xuân. Sản lượng rau của Thủ đô đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của người tiêu dùng, còn lại 40% cung cấp từ các địa phương khác như: Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Lào Cai, Hòa Bình...

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.