| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nhãn hiệu 'Sầu riêng Đức Cơ' để tăng sức cạnh tranh

Thứ Bảy 16/12/2023 , 17:12 (GMT+7)

Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận 'Sầu riêng Đức Cơ' là cần thiết để củng cố, nâng cao thương hiệu 'Sầu riêng Đức Cơ' tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Rộng thêm cơ hội tại thị trường trong nước và quốc tế

Để bảo đảm quyền lợi và tăng hiệu quả, giá trị cho người sản xuất, kinh doanh sầu riêng trên địa bàn huyện Đức Cơ, mới đây UBND huyện Đức Cơ, Gia Lai đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đức Cơ”, nằm trong khuôn khổ Dự án “Liên kết phát triển vùng nguyên liệu sản xuất sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện Đức Cơ”.

Huyện Đức Cơ đặt mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích sầu riêng lên khoảng 750 ha và đến năm 2030 là 1.500 ha. Ảnh: HT.

Huyện Đức Cơ đặt mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích sầu riêng lên khoảng 750 ha và đến năm 2030 là 1.500 ha. Ảnh: HT.

Việc xây dựng thương hiệu sầu riêng gắn với địa danh của huyện là việc làm thiết thực, tạo điều kiện để doanh nghiệp, người nông dân có cơ hội tiếp cận với các đối tác khách hàng trong và ngoài nước. Nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đức Cơ” sẽ là cơ sở để người trồng sầu riêng yên tâm sản xuất, nâng cao uy tín đối với sản phẩm “Sầu riêng Đức Cơ”, từ đó mang lại nguồn lợi có giá trị về kinh tế.

Bên cạnh đó cũng là cơ sở để huyện Đức Cơ quảng bá về hình ảnh, quê hương và con người đến với du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, giới thiệu các sản phẩm giàu bản sắc văn hóa của huyện Đức Cơ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch trên địa bàn huyện. Đồng thời, tạo cơ hội liên kết giữa người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện hiệu quả Dự án “Liên kết phát triển vùng nguyên liệu sản xuất sầu riêng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện Đức Cơ”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ, huyện có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với diện tích 72.186ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 91,3%, cây trồng chủ lực là cà phê, cao su, hồ tiêu… Ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 41% trong cơ cấu kinh tế toàn huyện. Thực hiện chủ trương của tỉnh về tái cơ cấu nông nghiệp và kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực trên địa bàn tỉnh, thời gian qua huyện đã chuyển đổi một số nhóm cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây sầu riêng.

Sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hiệu quả

Ông Nguyễn Quốc Tư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đức Cơ cho biết, hiện toàn huyện Đức Cơ có hơn 630ha sầu riêng, trong đó diện tích trồng thuần khoảng 370ha, trồng xen hơn 260ha; cơ cấu giống gồm Ri6, Dona, Musang King; năng suất trung bình 20 tấn/ha. Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đức Cơ” là cần thiết để củng cố và nâng cao thương hiệu sầu riêng Đức Cơ tại thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo ông Tư, song song với đó, huyện còn quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai làm 14 mã số vùng trồng và 1 mã cơ sở đóng gói.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV Hương Dương Gia Lai 2 mã tại Xã Ia Dom và xã Ia Pnôn; Công ty TNHH Xuất Nhập khẩu Anh Anh Hà Nội 5 mã tại xã Ia Krêl, Ia Lang, Ia Din, Ia Kla, Ia Nan, trong đó có 2 mã tại xã Ia Krêl, Ia Lang được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã đi xuất khẩu; Hợp tác xã Nông sản Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên 5 mã và 1 cơ sở đóng gói tại xã Ia Kriêng; Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Gia Lai 1 mã tại thị trấn Chư Ty.

Việc xây dựng nhãn hiệu 'Sầu riêng Đức Cơ' góp phần giúp huyện Đức Cơ quảng bá về hình ảnh, quê hương và con người đến với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: HT.

Việc xây dựng nhãn hiệu "Sầu riêng Đức Cơ" góp phần giúp huyện Đức Cơ quảng bá về hình ảnh, quê hương và con người đến với du khách trong và ngoài nước. Ảnh: HT.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Đức Cơ đặt mục tiêu đến năm 2025 mở rộng diện tích sầu riêng lên khoảng 750ha và đến năm 2030 là 1.500ha trên cơ sở chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp.

Việc phát triển diện tích sản xuất sầu riêng sẽ gắn với tiêu thụ sản phẩm thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp theo chuỗi liên kết. Trong năm 2022, UBND huyện Đức Cơ và Hợp tác xã Nông sản Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên đã ký Bản ghi nhớ hợp tác, liên kết sản xuất, thu mua sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, đặc biệt chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm sầu riêng tại địa phương.

Ông Hoàng Văn Trọn, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Xuất khẩu Bắc Tây Nguyên chia sẻ: “Hợp tác xã Bắc Tây Nguyên có hơn 70ha sầu riêng sản xuất đạt chuẩn VietGAP và có cơ sở đóng gói (xưởng sơ chế và kho đông lạnh) với quy mô 3.000m2, năng lực thu mua hơn 2.000 tấn sầu riêng/năm. Hiện Hợp tác xã luôn sẵn sàng thu mua sầu riêng của nhân dân trong vùng để phục vụ xuất khẩu”.

Ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ thông tin, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng phát triển bền vững và phát triển thương hiệu “Sầu riêng Đức Cơ”, trong năm 2023, UBND huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai “Dự án liên kết phát triển vùng nguyên liệu sản xuất sầu riêng phục vụ xuất khẩu” trên địa bàn huyện, trong đó có nhiệm vụ xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đức Cơ”. Ngoài ra, huyện hỗ trợ người dân, hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng sản xuất đạt chuẩn VietGAP với diện tích 470ha.

"Nhằm đưa thương hiệu "Sầu riêng Đức Cơ" khẳng định vị trí tại thị trường trong nước, quốc tế, thời gian tới huyện sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá để các doanh nghiệp và người dân hiểu, từ đó tiếp tục tham gia tích cực vào công tác xây dựng nhãn hiệu chứng nhận", ông Phận nói thêm.

Các đơn vị đã cùng xây dựng những quy định, quy chế quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đức Cơ” phát huy tối đa hiệu quả mà nhãn hiệu chứng nhận mang lại, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có thể khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận một cách hiệu quả, đúng quy định.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thương hiệu “Sầu riêng Đức Cơ” từ đầu tư sản xuất, chăm sóc đến thu mua, chế biến, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị. Tăng cường công tác tuyên truyền để người nông dân liên kết tham gia sản xuất sầu riêng bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng sầu riêng và giữ chữ tín trong cả quá trình từ sản xuất đến ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm.

Ông Trần Ngọc Phận, Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết, hiện nay, sầu riêng được đánh giá thuộc nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng và cả người kinh doanh.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.