| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới không thể thiếu vai trò của 'cánh tay nối dài'

Thứ Năm 07/11/2019 , 11:05 (GMT+7)

Cán bộ cơ sở được ví là cánh tay nối dài của chính quyền cấp trên, vậy Hà Nội đã sử dụng “cánh tay” ấy trong những việc lớn như thế nào?

10-27-35_dsc_8511
Làng nghề làm hương truyền thống ở ngoại thành Hà Nội.

Hà Nội là 1 trong 3 địa phương trên cả nước có số xã xây dựng nông thôn mới (NTM) lớn nhất. Tính đến nay thành phố đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai, có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch trước 2 năm).

Cũng từ khi thực hiện NTM, Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với 133 mô hình, 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người, tăng tới 33,5 triệu đồng so với năm 2010.

Có được những thành tích ấn tượng đó không thể không nhắc đến vai trò của “cánh tay nối dài” chính quyền là đội ngũ cán bộ cơ sở. Chính họ là người đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn tới tận từng thôn xóm để đả thông tư tưởng, dẹp đi sự ỉ lại trong dân chúng về một chương trình được nhà nước cho không.

Ông Vũ Quang Tung, Bí thư Chi bộ thôn Ba Lăng, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín cho biết nhờ sự vận động đúng cách mà nhân dân tích cực tham gia vào lao động công ích khi làng tổ chức tôn tạo xây dựng khu giếng chung.

Trong vòng 3 đêm liên tục, khoảng 200 người đã hăng hái chở cát đổ vào phần móng của giếng với khoảng 300m3, vừa lao động vừa tổ chức văn nghệ động viên, tạo ra không khí hết sức nhộn nhịp, vui vẻ. Nhiều gia đình có tới 3 thế hệ cùng tham gia. Với sự tích cực từ chính quyền cơ sở và sự đồng thuận vào cuộc của người dân đến nay đường làng ngõ xóm của thôn đều sạch đẹp, bộ mặt nông thôn được thay đổi từng ngày.

Tương tự tại xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn cũng nhờ sự đồng lòng từ chính quyền và người dân mà nhiều vấn đề liên quan đến công tác dồn điền đổi thửa trước đây tưởng như bế tắc đã được tháo gỡ thành công. Đây là một trong những địa phương đầu tiên của thành phố hoàn thành dồn điền đổi thửa, làm tiền đề để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Kết quả của việc dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi đã góp phần đưa đời sống kinh tế - xã hội của Tân Hưng có sự phát triển vượt bậc. Cụ thể năm 2009 trước khi tiến hành dồn điền đổi thửa Tân Hưng vẫn là một trong 7 xã khó khăn của huyện với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 22%, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,8 triệu đồng/người/năm.

Đến hết năm 2015, xã đã hoàn thành xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 43,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,67%. Với những người đi xa mấy năm mới trở lại quê, nhiều khi ngỡ vào nhầm làng, nhầm ngõ bởi bộ mặt nông thôn ở đây có quá nhiều sự đổi mới, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân ở đây đã khác trước rõ rệt.

Có thế nói, sự vào cuộc của đội ngũ cán bộ cơ sở trong phong trào thi đua "Hà Nội chung sức xây dựng NTM" với vô vàn cách làm hay, những bài học kinh nghiệm được phổ biến đã khơi đúng mạch nguồn sức dân tham gia tự nguyện đóng góp. Đã giúp các ban, ngành chức năng của thành phố kịp thời điều chỉnh những bất cập về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện, tạo môi trường thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ.

NTM không phải là một cột mốc cố định mà cả một chặng đường dài phấn đấu theo đường trôn ốc. Thời gian tới, Hà Nội ngoài việc duy trì còn phải nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã đạt chuẩn NTM; thực hiện xây dựng các thôn dân cư ở các xã đạt chuẩn thành các thôn dân cư NTM kiểu mẫu thì vẫn phải sử dụng một cách khôn khéo “cánh tay” nối dài của mình.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.