Sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, Triệu Sơn vẫn là một trong 3 huyện có số xã xây dựng nông thôn mới lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với 32 xã.
Năm 2010, khi bước vào xây dựng nông thôn mới, kinh tế của Triệu Sơn chủ yếu thuần nông, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; cơ sở hạ tầng yếu kém. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ chưa phát triển; giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn chiếm tỷ trọng trên 33%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ 13,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 25%. Số tiêu chí nông thôn mới bình quân toàn huyện chỉ đạt 5,3 tiêu chí/xã; đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Một số cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở các xã năng lực lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Một bộ phận cán bộ và người dân chưa hiểu hết được mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước.
Sau 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao của Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân, Triệu Sơn đã có diện mạo khang trang, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể.
Trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Triệu Sơn đã quan tâm, chú trọng huy động tối đa nguồn lực. Ngoài nguồn lực ngân sách Nhà nước các cấp, huyện chỉ đạo các xã, thôn chủ động vận động nguồn lực của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt.
Tuy nhiên, để không vượt quá sức dân và có cơ sở huy động, đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Triệu Sơn đã xây dựng nhiều chương trình phát triển kinh tế trọng tâm. Khi kinh tế và đời sống tinh thần của người dân được nâng lên, người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới, việc huy động mới tạo được sự đồng thuận lớn.
Điều này được thể hiện rõ trong việc thời gian qua, tại huyện Triệu Sơn đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế, nhiều chuỗi liên kết sản xuất. Nhờ đó, giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản năm 2021 ước đạt 135 triệu đồng/ha và vẫn đang có dấu hiệu tăng trưởng khả quan trong thời gian tới.
Tính đến năm 2020, huyện Triệu Sơn đã huy động gần 9,8 nghìn tỷ đồng xây dựng NTM. Trong đó, Nhân dân đóng góp chiếm tới 49,3%; ngân sách Trung ương hơn 8%.
Đến cuối tháng 9/2021, huyện Triệu Sơn có 32/32 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 9/9 tiêu chí NTM; hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện năm 2021 ước đạt 47,7 triệu đồng/người, gấp trên 3,6 lần năm 2010; khu vực nông thôn có mức thu nhập đạt 47,21 triệu đồng/người/năm (cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh). Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,89%. Số tiêu chí NTM bình quân toàn huyện tăng 13,7 tiêu chí/xã so với khi triển khai thực hiện chương trình.
Không còn nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, việc đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội luôn được quản lý chặt chẽ, từ việc xác định nhu cầu đầu tư, xây dựng kế hoạch, đặc biệt là thẩm định nguồn vốn để đảm bảo khả năng thanh toán, thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước về thanh quyết toán vốn đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách. Đến 30/9/2021, huyện Triệu Sơn không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.