| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM, Bình Định làm chậm, nhưng chắc

Thứ Năm 10/06/2021 , 08:21 (GMT+7)

Từ xuất phát điểm thấp, sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn ở Bình Định hiện đã rất khởi sắc.

Dồn tổng lực

Năm 2011, Bình Định  khởi sự Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong thời điểm này, điều kiện kinh tế-xã hội khu vực nông thôn của Bình Định còn lắm khó khăn, nhất là 3 huyện nghèo thuộc diện 30a. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị thấp.

Cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế nói chung còn hạn chế, cần nhiều nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, như: Giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa... Trong khi đa phần người dân nông thôn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, sự tự nguyện tham gia đóng góp của người dân chẳng có mấy.

Thêm vào đó, nền sản xuất nông nghiệp của Bình Định khi ấy tuy đã có bước chuyển dịch, thế nhưng vẫn còn rất chậm và manh mún. Hệ thống HTX nông nghiệp chưa thích nghi cơ chế, tình hình mới, do đó hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất ít.

Những con đường hoa trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những con đường hoa trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở thị xã Hoài Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy Bình Định đã ban hành Chương trình hành động về “Xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020”. Theo đó, lãnh đạo Bình Định đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương ban hành kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chương trình hành động về xây dựng NTM. Nhiệm vụ về xây dựng NTM được xác định rõ trong Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Nhiệm vụ được phân công cụ thể cho thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh để trực tiếp chỉ đạo thực hiện tại các xã điểm của và các xã hoàn thành giai đoạn 2011-2020; phân công các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh phụ trách, hỗ trợ các xã xây dựng NTM. 

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện như: Chương trình hành động về xây dựng NTM; kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2020; cơ chế sử dụng tiền sử dụng đất của các xã xây dựng NTM; quy định cơ chế nguồn vốn đầu tư công trình thuộc chương trình NTM; chính sách hỗ trợ bê tông giao đường thông nông thôn và hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương.

Lãnh đạo thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Lãnh đạo thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ban hành định mức hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; quy định cơ chế đầu tư đặc thù đối với công trình thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; Ban hành bộ tiêu chí xã đạt chuẩn, xã NTM nâng cao; bộ tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Nông thôn khởi sắc

Sau hơn 10 năm triển khai xây dựng, đến nay Bình Định đã có 4 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ NTM, đạt tỷ lệ 36,36%. Trong đó, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn, thành phố Quy Nhơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; riêng huyện Tuy Phước, UBND tỉnh đã trình Bộ NN-PTNT xem xét thẩm định và trình Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong 121 xã xây dựng NTM thì có 2 nhóm xã đạt kết quả khả quan. Trong đó nhóm 1 là số xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đến tháng 3/2021 toàn tỉnh có 86/121 xã công nhận đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 71,07%. Nhóm 2 có 35 xã, trong đó có 13 xã đạt 15-18 tiêu chí; số xã đạt từ 10-14 tiêu chí có 21 xã, số xã đạt dưới 10 tiêu chí chỉ có 1 xã.

Người dân Bình Định tham gia làm đường bê tông nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Người dân Bình Định tham gia làm đường bê tông nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Đến nay, Bình Định có 91 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 71 tổ chức kinh tế với 81 sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó có 5 sản phẩm đạt hạng tiềm năng 5 sao, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 65 sản phẩm 3 sao. Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm đã có nhiều chuyển biến về chất lượng, bao bì nhãn mác, bộ nhận diện thương hiệu, quy mô sản xuất. Thị trường bán sản phẩm trước đây chủ yếu là trong huyện, xã và bán cho các thương lái nhưng nay đã được mở rộng, đưa vào đại lý ở nhiều tỉnh, thành phố khắp cả nước” ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.