Nước mắm Lạch Kèn sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao đã mở rộng thị trường ra nhiều tỉnh trong khu vực. |
Để đưa các sản phẩm truyền thống như nước mắm Lạch Kèn, sứa Thái Long, dưa lưới Nga Hải… “cất cánh” ra thị trường ngoại tỉnh, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đang tập trung chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký ý tưởng, xây dựng thương hiệu thông qua việc tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và thực hiện chương trình xây dựng NTM bền vững, từ năm 2018 huyện Nghi Xuân đã lập Đề án, tập trung chỉ đạo các ban, ngành, địa phương bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình. Đồng thời, đề ra chỉ tiêu sẽ có ít nhất 40 sản phẩm của các địa phương đăng ký tham gia và triển khai thực hiện theo tiêu chuẩn OCOP.
Trong đó mỗi xã, thị trấn có ít nhất 2 sản phẩm đăng ký tham gia; từ nay đến năm 2020 toàn huyện phấn đấu có tối thiểu 10 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao, phấn đấu có 1 làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao. Riêng trong năm 2019, Nghi Xuân đã chấp thuận phương án sản xuất, kinh doanh cho 5 sản phẩm, gồm: Dầu Lạc Ngọc Đường, cu đơ Quỳnh Hội, sứa Thái Long, dưa lưới Nga Hải và Lạc Cúc Xuân Thành.
Huyện cũng đã khâu nối với đơn vị tư vấn phối hợp với cơ sở thực hiện một số hạng mục như: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm, đổi mới quy trình sản xuất; tổ chức sản xuất sản phẩm mẫu tham gia hội chợ của tỉnh Hà Tĩnh.
Đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ như bánh gai (Xuân Đan), bánh đa Đan Tràng (Xuân Trường), tôm chua (Xuân Phổ), gạo chiêm Xuân Hội..., Nghi Xuân hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn mác và một số thiết bị phục vụ sản xuất.
Nước mắm Lạch Kèn (HTX Thiên Phú), xã Cương Gián được thành lập từ năm 2015, với quy mô 60 nghìn lít nước mắm thành phẩm mỗi năm. Đây là cơ sở chế biến nước mắm theo quy trình sản xuất truyền thống của địa phương, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, tham gia Chương trình OCOP, sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng trong tỉnh đánh giá cao mà còn mở rộng được thị trường ra các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Nam Định, Hà Nội…
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho hay, sắp tới, để quảng bá rộng rãi sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương tham gia chương trình OCOP, huyện sẽ xây dựng các cửa hàng trưng bày sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo một số xã xây dựng cửa hàng tại địa điểm phù hợp nhằm đưa sản phẩm OCOP vào các gian hàng, thậm chí vào siêu thị.