| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng tiêu chí đánh giá tham nhũng ở Việt Nam

Thứ Năm 24/06/2010 , 08:47 (GMT+7)

Việc đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng có thể dựa trên năm tiêu chí...

Ảnh minh họa
Ngày 23/6, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (OSCAC) đã tổ chức buổi hội thảo quốc tế nhằm tham khảo ý kiến, quan điểm khoa học của các chuyên gia trong và ngoài nước, tiến tới xây dựng, hoàn chỉnh một hệ thống tiêu chí đánh giá tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.

Hội thảo có sự tham gia của một số tổ chức quốc tế và các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam như Thụy Điển, Đan Mạch…; cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng của Trung Quốc, Hàn Quốc cùng nhiều nhà nghiên cứu, các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam.

Với chủ đề “Tiêu chí đánh giá tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam,” hội thảo đã thu hút được nhiều tham luận có giá trị của những chuyên gia pháp lý, hành chính công trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Chiến, Chánh Văn phòng OSCAC khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng luôn được Đảng, Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành.

Ông Chiến cho biết, sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 - Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí” và Luật phòng chống tham nhũng, công tác này đã có nhiều chuyển biến, đạt được kết quả tích cực trên cả hai mặt phòng và chống. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã có bước kiềm chế và có xu hướng giảm.

Theo công bố của Tổ chức minh bạch quốc tế, liên tục ba năm từ 2007-2009, thứ tự của Việt Nam trên bảng xếp hạng các nước có chỉ số tham nhũng cao đã được giảm dần. Như vậy, rõ ràng công tác phòng chống tham nhũng đã có hiệu quả bước đầu, góp phần thiết thực chống suy giảm kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Từ năm 2007 đến nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã khởi tố 1.063 vụ án có liên quan đến tham nhũng, xét xử 1.070 vụ với 2.506 bị cáo. Nhìn chung, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án về tham nhũng đã có những chuyển biến tiến bộ hơn, có tác dụng răn đe, góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến tích cực trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Theo quan điểm đề xuất của OSCAC, việc đánh giá tình hình tham nhũng và công tác phòng chống tham nhũng có thể dựa trên năm tiêu chí kết quả hoàn thiện của thể chế phòng chống tham nhũng và kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa và số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý; đánh giá của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền về phòng chống tham nhũng; kết quả điều tra dư luận xã hội và qua báo chí; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội và tiêu chí cuối cùng là đánh giá của các tổ chức quốc tế.

Theo đại diện Tổ chức minh bạch quốc tế, để xây dựng các tiêu chí đánh giá quản lý, điều hành và tham nhũng của mỗi quốc gia, cần sử dụng công cụ đo lường như: Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI), chỉ số đưa hối lộ; chẩn đoán về hệ thống liêm chính quốc gia; giám sát, phân tích thực hiện công ước phòng chống tham nhũng.

Tổ chức này quan niệm, tham nhũng là hành vi “lạm dụng công quyền để thu lợi cá nhân” và các khảo sát quốc tế là công cụ tin cậy nhất để xếp hạng mức độ tham nhũng của mỗi quốc gia.

Chia sẻ kinh nghiệm công tác phòng chống tham nhũng với Việt Nam, đại diện Cục chống tham nhũng Hàn Quốc cho rằng, để kiểm soát có hiệu quả tham nhũng cần phải thực hiện theo một lộ trình với cách tiếp cận có hệ thống và toàn diện mới có thể làm rõ được nguyên nhân của tham nhũng.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này tập trung nâng cao hiệu quả các cơ quan thường xảy ra tham nhũng; bãi bỏ các quy định không cần thiết, làm cho quá trình hành chính minh bạch, thiết lập hệ thống kiểm tra và trừng phạt các hành vi tham nhũng. Hằng năm, cơ quan phòng chống tham nhũng đều đưa ra những kiến nghị, sáng kiến cho các cơ quan để kiểm soát tham nhũng và đánh giá các sáng kiến này.

Trao đổi với báo chí tại hội nghị, ông Vũ Tiến Chiến cho rằng, đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, hành vi tham nhũng tinh vi, phức tạp, do vậy muốn chống tham nhũng phải tiến hành đồng bộ, toàn diện các giải pháp và phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; lấy phòng ngừa là chính, phát hiện, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng là quan trọng, tạo sự răn đe, phòng ngừa tham nhũng.

Việc đánh giá đúng về tình hình tham nhũng và kết quả công tác này là vấn đề khó khăn, cần phải có các phương pháp bảo đảm tính khách quan, toàn diện, khoa học; kết hợp nhiều yếu tố trong đánh giá với đầy đủ các mặt phòng ngừa, phát hiện, xử lý và có căn cứ với các tiêu chí đủ sức tin cậy.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.