Trong khuôn khổ hội nghị Xúc tiến, quảng bá kết nối tiêu thụ sản phẩm thạch đen tỉnh Lạng Sơn năm 2021 do Bộ NN-PTNT và tỉnh Lạng Sơn tổ chức ngày 25/9, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc đã được đề cập như: Việc xây dựng vùng sản xuất tại các huyện trọng điểm thạch đen trên địa bản tỉnh Lạng Sơn; việc đặt các nhà máy chế biến và hoạt động thông thương hàng hóa của các doanh nghiệp của hai nước Việt Nam, Trung Quốc...
Cấp mã số vùng trồng, kêu gọi đầu tư nhà máy chế biến sâu
Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định (Lạng Sơn) cho biết: Do đặc thù về điều kiện tự nhiên, đất đai bị chia cắt, diện tích trồng thạch đen không tập trung, hệ thống cơ sở hạ tầng, thủy lợi, giao thông nội đồng, cơ sở ươm giống, chế biến… còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất quy mô lớn, tập trung. Bộ phận người dân vẫn trồng thạch đen theo phương pháp truyền thống nên năng suất thấp, do chỉ thu hoạch 1 vụ trong năm.
Do đó, UBND huyện Tràng Định đề nghị các cơ quan quản lý có quy định về mức tối thiểu để được cấp mã số vùng trồng cho phù hợp với các tỉnh miền núi nói chung và cho Tràng Định nói riêng. Đồng thời, giới thiệu, kết nối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu trên đại bàn huyện.
Huyện Tràng Định cũng đề nghị Bộ NN-PTNT và các cơ quan liên quan của Việt Nam sớm đề nghị phía Trung Quốc sớm phê duyệt các cơ sở đóng gói đã hoàn thiện hồ sơ để các doanh nghiệp có thể xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi.
Tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) sớm có chính sách thông quan trở lại hai cửa là Bình Nghi và Nà Nưa để thuận lợi cho thông quan hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển, từ đó giảm giá thành sản phẩm. Duy trì kênh thông tin với huyện Tràng Định để công tác chỉ đạo sản xuất diễn ra thông suốt...
Song song đó, cần cung cấp cho địa phương đầy đủ hơn về thông tin các thị trường tiêu thụ; cụ thể hơn các yêu cầu về sản lượng, tiêu chuẩn của sản phẩm thạch đen xuất khẩu; cung cấp kịp thời sự thay đổi về tiêu chuẩn của sản phẩm mới để địa phương kịp thời có giải pháp chỉ đạo sản xuất...
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại nông sản Hải Bình (xã Đề Thám, huyện Tràng Định) đại diện cho các doanh nghiệp thu mua chế biến thạch đen trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Từ khi nghị định thư xuất khẩu chính ngạch thạch đen của hai nước được ký kết, việc xuất khẩu mặt hàng này trở nên thuận lợi hơn. Hầu hết các hộ trồng thạch đen đã thực hiện đúng theo cam kết của nghị định thư, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa thay đổi nhận thức, canh tác theo tập quán cũ trước đây dẫn tới năng suất, chất lượng sản phẩm không được đảm bảo. Mặt khác, thị trường tiêu thụ thạch đen có nhiều biến động, nhiều đơn vị kinh doanh đã tự ý đẩy “giá ảo” sản phẩm thạch đen lên cao, làm nông đân hình thành tâm lý găm hàng, gây khó khăn cho đơn vị có nhu cầu thu mua thực sự.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Kính cũng đề xuất với các cơ quan quản lý tuyên truyền sâu rộng để người dân thực hiện đúng các quy trình sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tạo điều kiện hỗ trợ các thủ tục chuyển nhượng đất, ưu đãi hỗ trợ vay vốn theo quy định để mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, nhà máy, kho bãi… hướng tới phát triển bền vững.
Cần ổn định giá cả, thị trường thạch đen
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Trung Quốccũng nêu ra nhiều đề xuất, khuyến nghị đối với tỉnh Lạng Sơn để trong thời gian tới xây dựng được sản phẩm thạch đen đảm bảo chất lượng. Hoạt động thông thương của hai nước được diễn ra thuận lợi.
Ông Hoàng Chí Phong, Tổng Giám đốc Công ty Vụ Phong (Quảng Tây, Trung Quốc), nêu vấn đề chất lượng sản phẩm thạch đen (độ sạch) của Việt Nam so với Indonesia không bằng, nên đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm sát sao hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, giá bán thạch đen của Việt Nam chưa có sự ổn định, liên tục tăng trong những năm gần đây, điều này mang đến áp lực rất lớn cho doanh nghiệp thu mua phía Trung Quốc. Vì vậy, hi vọng trong thời gian tới, phía Việt Nam sẽ có một số chính sách để giá thạch đen ổn định hơn. Bên cạnh đó, Lạng Sơn cần có chính sách tạo "luồng xanh" cho sản phẩm thạch đen để hoạt động thông thương diễn ra thuận lợi.
Về những vướng mắc và băn khoăn của các doanh nghiệp cả hai nước, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND Tỉnh Lạng Sơn cho biết: Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, tỉnh sẽ có chính sách tạo mọi điều kiện thuận lợi về chính sách, cơ chế để các doanh nghiệp khảo sát, xây dựng vùng trồng thạch đen tập trung, xây dựng các nhà máy chế biến...
Đối với khuyến nghị của các doanh nghiệp Trung Quốc về việc tạo "luồng xanh" cho các mặt hàng nông sản (trong đó có thạch đen), tỉnh Lạng Sơn sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông thương, xuất khẩu.
Việc các doanh nghiệp muốn đến tỉnh Lạng Sơn xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, phía tỉnh Lạng Sơn luôn rộng cửa chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.
Ông Thiệu cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc sớm sang khảo sát để xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy công nghệ tiên tiến để chế biến sâu.
Đối với vấn đề độ sạch của thạch đen Việt Nam chưa tốt, ông Thiệu lý giải nguyên là do trước đây các hộ sản xuất theo hình thức may mún, tự phát nên chất lượng không đảm bảo. Từ khi có nghị định thư xuất khẩu chính ngạch thạch đen, phía tỉnh đã tập trung chỉ đạo tất cả các đơn vị sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo tất cả yêu cầu của các doanh nghiệp thu mua.
Về việc giá thạch đen lên liên tục biến động, thời gian tới, tỉnh sẽ có chính sách để ổn định giá cả cây thạch đen, đảm bảo cả người sản xuất và các doanh nghiệp đều được hưởng lợi một cách hài hòa, bền vững.
Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, thị trường tiêu thụ của thạch đen đang được mở rộng cả trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, đối với thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại sẽ đồng hành cùng tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh hoạt động quảng bá, đa dạng các hình thức phân phối, tiêu thụ sản phẩm thạch đen qua các kênh truyền thống và thương mại điện tử.
Đối với hoạt động xuất khẩu, trong bối cảnh dịch Covid-19, công tác tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và thạch đen nói riêng gặp nhiều khó khăn. Cục Xúc tiến thương mại sẵn sàng làm cầu nối phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Lạng Sơn, các cơ quan quản lý thương mại, các doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại...