| Hotline: 0983.970.780

Xây đường lớn cho vải thiều Lục Ngạn

Chủ Nhật 27/11/2022 , 08:58 (GMT+7)

Nhằm phát huy giá trị cho quả vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) triển khai đồng bộ nhiều phương án từ cơ sở hạ tầng đến xúc tiến thương mại.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông La Văn Nam nêu một số định hướng xúc tiến tiêu thụ vải thiều thời gian tới. Ảnh: Bá Thắng.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông La Văn Nam nêu một số định hướng xúc tiến tiêu thụ vải thiều thời gian tới. Ảnh: Bá Thắng.

Nâng cấp hạ tầng giao thông

Quốc lộ 31, tuyến đường liên tỉnh nối Lạng Sơn với Bắc Giang và các huyện phía Tây của Bắc Giang với nhau, thường được người dân Lục Ngạn xem là "con đường vải thiều". Vào vụ thu hoạch rộ, đây là điểm hẹn cho người dân và thương lái đến tiêu thụ loại nông sản chủ lực của tỉnh.

Dù vậy, với nền đường rộng 7,5m, nhiều đoạn đã xuống cấp, Quốc lộ 31 thường xuyên rơi vào cảnh quá tải. Nhận thức được vấn đề này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 đoạn từ Km2+400 đến Km44+900. Điểm đầu tại nút giao với quốc lộ 1, thành phố Bắc Giang; điểm cuối tại nút giao với đường tỉnh 290, huyện Lục Ngạn.

Đây là dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 80km/h (đoạn qua khu đông dân cư và đô thị, tốc độ thiết kế 60km/h). Nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 7m, gia cố lề mỗi bên 2m. Kết cấu mặt đường bằng bê tông nhựa trên lớp cấp phối đá dăm hoặc bê tông nhựa tăng cường trực tiếp trên mặt đường cũ.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 863,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, ông La Văn Nam cho biết, dự kiến cuối tháng 6/2022, dự án sẽ khởi công.

“Hiện UBND huyện đã giải phóng xong mặt bằng và sẽ bàn giao đất cho nhà đầu tư đúng thời hạn. Chúng tôi phấn đấu hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 31 trong vòng 2 năm. Nếu đúng tiến độ, vào vụ thu hoạch vải thiều năm 2024, chúng ta sẽ có một con đường khang trang”, ông Nam cho biết.

Trong lúc chờ dự án hoàn thành, vào năm 2021, huyện Lục Ngạn đã chủ động xây dựng và hoàn thành đường tránh 289 từ xã Tân Mộc đến thị trấn Chũ để nối vào đường 293, đồng thời làm thêm một đường nhánh từ đường 293 vào xã Mỹ An để giảm áp lực cho Quốc lộ 31. Bên cạnh đó, huyện cũng mở rộng các tuyến đường vào những vùng sản xuất vải thiều tập trung như Hồng Giang, Giáp Sơn, Tân Sơn, Tân Hoa, Thanh Hải, Hộ Đáp.

“Vải thiều là một đặc sản không chỉ của riêng huyện Lục Ngạn mà còn là cả đất nước. Do đó, chúng tôi luôn mong muốn người dân, doanh nghiệp, du khách được đi trên những con đường rộng thênh thang vào thủ phủ vải thiều", ông Nam nhấn mạnh.

Người dân chở vải thiều đi bán dọc Quốc lộ 31. ẢNh: Tùng Đinh.

Người dân chở vải thiều đi bán dọc Quốc lộ 31. ẢNh: Tùng Đinh.

Phát huy tối đa giá trị

Niên vụ 2022, vải thiều được ghi nhận bán với giá tại vườn khoảng 35.000 đ/kg, cao nhất trong lịch sử. Dù vậy, một số nơi bà con vẫn tâm tư bởi chi phí vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm.

Để tháo điểm nghẽn này, UBND huyện Lục Ngạn đã gửi công văn, đề nghị các doanh nghiệp bán phân bón, thuốc BVTV theo hình thức trả chậm. Người dân được ưu đãi mua trước sản phẩm, và thanh toán vào cuối vụ thu hoạch, giúp giảm áp lực vay ngân hàng.

Tối ưu chi phí đầu vào, huyện cũng định hướng đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Ngoài thị trường Trung Quốc truyền thống, vải thiều Lục Ngạn năm nay được xúc tiến mạnh vào thị trường miền Nam. Ông La Văn Nam cho biết, huyện đã nhận được đề nghị chở mỗi ngày 2 container vải thiều vào tỉnh Sóc Trăng, với giá bán hấp dẫn.

"Mọi năm, chúng ta thường lo lắng về vấn đề được mùa mất giá. Nhưng năm nay, tôi có thể khẳng định là vải thiều Lục Ngạn đang được chở vào miền Nam rất nhiều", ông Nam bày tỏ.

Cùng với mở rộng đường vào phía Nam, huyện Lục Ngạn còn đưa vải thiều vào các khu công nghiệp và đã được ký hợp đồng với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; đồng thời tiếp tục đưa vải thiều lên sàn thương mại điện tử. Mấu chốt của vấn đề, theo ông Nam, là Lục Ngạn đã triển khai rất sớm và chủ động kế hoạch tiêu thụ ngay từ tháng 2/2022.

Vào ngày 14/6 tới, UBND huyện Lục Ngạn sẽ mời Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các công ty lữ hành ở khu vực phía Bắc đến Lục Ngạn trải nghiệm 2 ngày về du lịch miệt vườn. Từ kinh nghiệm phát triển du lịch tại vùng nguyên liệu trồng cam, bưởi, Lục Ngạn khởi động Dự án "Hương sắc mùa hè Lục Ngạn", nhằm tích hợp đa giá trị cho cây trồng chủ lực vải thiều.

Theo ông Đinh Văn Phương, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT Lục Ngạn, huyện đã rải vụ vải thiều tương đối thành công. So với trước đây, thời gian thu hoạch chỉ gói gọn trong một tháng, nay vải thiều được thu hoạch trong khoảng 60-70 ngày.

Hiện Lục Ngạn có 4 trà vải. Một trà chín sớm thu hoạch từ 20/5; trà thứ hai (thường gọi là vải Thanh Hà) thu hoạch trong khoảng 10 ngày, bắt đầu từ 15/6; trà thứ ba – chính vụ - thu hoạch đến khoảng 15/7; trà cuối cùng nằm ở các xã vùng cao, thu hoạch đến 30/7.

Bên cạnh quả tươi, Lục Ngạn đã kêu gọi nhiều công ty như Toàn Cầu, Đồng Giao… xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn huyện. Năm nay, huyện dự kiến áp dụng công nghệ sấy dẻo vải thiều để xuất khẩu sang châu Âu.

Người dân thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn phấn khởi vì vụ vải năm nay được mùa, được giá. Ảnh: Bá Thắng.

Người dân thôn Muối, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn phấn khởi vì vụ vải năm nay được mùa, được giá. Ảnh: Bá Thắng.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động mua bán

Một trong những vấn đề nhức nhối nhất với người dân trồng vải thiều trong nhiều năm, là hiện tượng bị thương lái trừ lùi cân, ép giá. Theo Chủ tịch La Văn Nam, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là bởi người dân chưa biết mang vải đi bán cho ai khi thu hoạch. Do đó, họ để cuống dài, hoặc không phân loại quả nhằm giảm chi phí nhân công.

Trong khi đó, tại thị trường châu Âu, vải thiều được yêu cầu cắt sát đến từng quả. Tại thị trường Trung Quốc, vải thiều không được để lá và cuống ngắn dưới 10cm. Còn thị hiếu của thị trường trong nước là vải phải có lá mới đẹp. 

Nếu người dân gặp thương lái Trung Quốc và được trả giá cao hơn, họ thường chấp nhận bán ngay, thay vì sơ chế theo yêu cầu. Từ đó dẫn đến việc bị trừ lùi 5-7kg, thậm chí nhiều hơn.

"Tâm lý của bà con, là gặp thương lái thu mua xuất đi Trung Quốc có bị trừ vài cân cũng không ảnh hưởng nhiều. Nếu gặp thương lái thu mua tiêu thụ trong nước thì càng tốt. Cứ như thế thành thói quen hàng chục năm nay", ông Nam nói.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết thêm, việc trừ lùi cân là một giao dịch dân sự, được thỏa thuận giữa hai bên nên không thể xử phạt. Nhằm đảm bảo lợi ích cho bà con, Lục Ngạn đã phối hợp với các đội quản lý thị trường, nhằm nhanh chóng phát hiện những sự vụ trừ lùi cân bất hợp lý; đồng thời kiểm tra các điểm cân thường xuyên. Nếu có sai phạm, sẽ xử phạt nghiêm theo các quy định về phòng chống gian lận thương mại.

Cùng với đó, tất cả các xã trên địa bàn huyện đều thiết lập tổ công tác, đường dây nóng. Chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, Trưởng Công an xã làm tổ phó. Người dân nếu phát hiện sai phạm, có thể thông báo qua đường dây nóng để đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra.

"Trong vụ năm nay, chúng tôi chưa nhận thông báo nào từ đường dây nóng, và chưa phát hiện trường hợp trừ lùi cân bất hợp lý nào. Nếu thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp trên, chúng tôi tin rằng chuyện trừ lùi cân sẽ không còn là vấn đề nữa", ông Nam bày tỏ.

Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được đóng gói bắt mắt. ẢNh: Bá Thắng.

Sản phẩm vải thiều Lục Ngạn được đóng gói bắt mắt. ẢNh: Bá Thắng.

Song song với các hoạt động xúc tiến thương mại, huyện Lục Ngạn cũng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về canh tác hữu cơ, nhằm hướng tới một nền nông nghiệp sạch.

Tự hào là sản phẩm đầu tiên được cấp chỉ dẫn địa lý tại thị trường Nhật Bản, vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu tới trên 30 nước, kể cả các thị trường khó tính. Vừa qua, tại Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản diễn ra ở thủ đô Tokyo, vải thiều Lục Ngạn được chào đón nồng nhiệt.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm