| Hotline: 0983.970.780

“Xẻ thịt” rừng đầu nguồn

Thứ Sáu 02/12/2011 , 11:11 (GMT+7)

Thời gian gần đây, các cánh rừng đầu nguồn (huyện Quế Phong, Nghệ An) bị tàn phá rất nghiêm trọng,...

Thời gian gần đây, các cánh rừng đầu nguồn (huyện Quế Phong, Nghệ An) bị tàn phá rất nghiêm trọng, người dân ngang nhiên đốn hạ cây rừng rồi bán trực tiếp cho chủ gỗ lậu trong sự bất lực của lực lượng chức năng.

Phá rừng là “nghề” chính

Từ trung tâm thị trấn Kim Sơn, chúng tôi phải mất gần 2 tiếng đồng hồ mới vào được bên trong khu vực lòng hồ của công trình thủy điện Hủa Na, nơi đây đang được coi là điểm “nóng” của việc khai thác gỗ trái phép.

Ngồi gần trọn buổi chiều trong quán nước tại bản Huôi Muồng (xã Đồng Văn) chúng tôi mới làm quen được anh Lữ Văn Thái. Thái được coi là người có thâm niên trong việc khuân vác gỗ và lấy quân vào rừng. Anh cho biết, ngày nào cũng vậy cứ tầm 5 giờ chiều là nhóm của anh hơn mười người lại dắt trâu, mang theo cưa máy đi vác gỗ thuê cho các chủ nậu từ trên núi xuống. Cả nhóm của Thái mang tiếng là “lâm tặc”, nhưng thực ra cũng chỉ là dân làm thuê kiếm sống qua ngày. Trung bình mỗi chuyến đi từ 5 giờ chiều cho đến 9-10 giờ đêm anh cũng kiếm được 400-500 ngàn đồng.

Người dân ngang nhiên kéo gỗ tiếp tay cho lâm tặc

Cả bản Huôi Muông có 133 hộ, tuy nhiên chiếm tới 80% số đàn ông, con trai đi làm nghề vác gỗ. Điều đáng nói, việc làm của người dân Huôi Muông diễn ra công khai, không hề lén lút. Khi chúng tôi hỏi, anh Thái thẳng thắn nói: “Người dân ở đây ngoài thời gian lên nương rẫy thì công việc chính là lên rừng chặt gỗ”. Thông thường có ba nhóm người: Một là đội quân chặt gỗ thuê cho chủ nậu, loại người này thì phải đi cả ngày chỉ có việc chặt cây xuống và cưa thành khúc. Loại thứ hai là nhóm đối tượng vác gỗ thuê xuống bãi tập kết ven đường, chờ đến tối bốc lên xe. Khấm khá nhất vẫn là nhóm tự chặt cây, sau đó vác xuống đường bán trực tiếp cho chủ nậu.

Theo anh Thái, cũng từ khi xây dựng công trình hồ thủy điện Hủa Na thì người dân chặt gỗ nhiều hơn. Lợi dụng vào việc chặt gỗ để dựng nhà khi chuyển đến khu tái định cư mới, các chủ đầu nậu đã cấu kết với người dân trong bản để thu gom gỗ một cách công khai. Mỗi khi kiểm lâm bắt giữ thì ngay lập tức họ lại lấy cớ chặt gỗ để xây nhà. Các loại gỗ bị chặt phá thường là gỗ táu, nghiến, sến, tếch… có cây đường kính cả hai người ôm.

Rời bản Huôi Muông, chúng tôi sang bản Ăng và Đon (xã Thông Thụ), trong làng vắng bóng đàn ông. Hỏi ra mới biết, họ đã đi chặt gỗ hết. Con sông Chu bên bản Đon và Ăng cũng là con đường “độc đạo” để người dân vận chuyển và tập kết gỗ tại đây. Anh Lô Khánh Thiện, người dân ở đây cho biết: Vốn sống trên các sườn núi, nên người dân không có đất trồng lương thực, họ phải phụ thuộc vào cái nghề chặt gỗ trên rừng. Những năm qua các cánh rừng xung quanh bản đã bị chặt hết cây rồi, giờ cả bản phải đi lên tận dãy núi Pù Huôi Công cách đó cả hơn chục cây số để chặt gỗ, sau đó thả theo dòng sông Chu về.

Gỗ được vận chuyển qua đường sông

Theo ghi nhận của chúng tôi, gỗ thả về theo đường sông được tập kết tại chiếc cầu tạm bắc qua sông Chu giữa hai bản Đon, Ăng. Lúc này hàng chục khúc gỗ với đường kính khoảng một người ôm đang được hơn chục người hồ hởi kéo vớt từ dưới sông lên bờ. Từ phía xa xa, trên sườn đồi đã thấy một chiếc xe tải đang vắt vẻo chở gỗ đến một địa điểm khác chờ thời cơ “tẩu tán”. Được biết các chủ gỗ lậu chủ yếu đến từ nơi khác như Thanh Hóa, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu… và thuê người dân tại địa phương làm tay chân cho chúng.

Kiểm lâm thua lâm tặc?

Ông Nguyễn Trọng Lễ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong thừa nhận việc khai thác gỗ thời gian gần đây trên địa bàn huyện là có thật. Trạm cũng đã nỗ lực, cố gắng trong việc tuần tra, kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên địa bàn huyện Quế Phong, nhất là hai vùng giáp gianh nước bạn Lào và Thanh Hóa vẫn đang bị chặt phá và tuồn gỗ ra bên ngoài rất nhiều, khiến công tác bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn.

Thời gian gần đây, một số chủ nậu còn lợi dụng vào thi công một số công trình thủy điện trên địa bàn để cấu kết với chủ xe, lợi dụng xe chở nguyên vật liệu cho công trình để chở gỗ lậu ra bên ngoài. Điển hình như mới đây, trạm đã bắt giữ một xe bồn chuyên chở xăng dầu phục vụ công trình thủy điện. Các đối tượng đã cắt bồn xăng dầu để đựng gỗ vào trong hòng qua mặt cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện, chúng sẵn sàng chống trả để tẩu thoát. Đã không ít lần lực lượng kiểm lâm bị thương.

Xe chở gỗ về nơi tập kết

Theo ông Lễ, sở dĩ gỗ của rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ trên địa bàn vẫn bị lâm tặc khai thác như vậy là vì lực lượng kiểm lâm quá mỏng. Hiện nay trên địa bàn toàn huyện có 144.000 ha rừng/177.000 ha đất lâm nghiệp. Trong đó có 40.000 ha rừng đặc dụng, nhưng chỉ có 25 cán bộ kiểm lâm. Trong khi đó, với diện tích rừng như vậy thì ít nhất phải có 135 cán bộ kiểm lâm mới đủ.

“Điểm lâm tặc vẫn đang khai thác, được coi là nóng nhất hiện nay, theo ông Lễ là ở các tiểu khu 14, 18 (xã Đồng Văn), tiểu khu 8,11 xã Thông Thụ”

Theo số liệu của Hạt Kiểm lâm Quế Phong, từ đầu năm đến nay trên địa bàn đã phát hiện 59 trường hợp vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Trong đó mua bán, vận chuyển trái phép lâm sản 24 vụ, khai thác, chế biến gỗ 11 vụ, các vi phạm khác 24 vụ. Thu giữ hơn 126m3 lâm sản các loại, chủ yếu là gỗ đã xẻ. Tính riêng 3 tháng từ tháng 8 đến 10 đã có hơn 20 vụ vi phạm, tịch thu hơn 29m3 gỗ.

Ông Trương Minh Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, việc khai thác gỗ trên địa bàn huyện hiện nay rất phức tạp. Công tác bảo vệ rừng trên địa bàn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc các đối tượng vi phạm chủ yếu là dân nghèo, người dân tộc thiểu số bị các chủ lâm tặc lợi dụng, câu kết.

Huyện cũng đã cho thành lập hai trạm kiểm lâm, một là trạm Nậm Tục giáp ranh phía Thanh Hóa, hai là trạm cửa rừng Xốp Chảo để kiểm tra ngăn chặn gỗ tuồn sang phía Thanh Hóa và việc lợi dụng xây dựng hồ thủy điện để vận chuyển gỗ về xuôi nhằm sớm ngăn chặn được tình trạng khai thác gỗ trái phép.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm