| Hotline: 0983.970.780

Xem xét chuyển mục đích sử dụng rừng sang đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM

Thứ Năm 07/04/2022 , 11:13 (GMT+7)

UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét chuyển mục đích sử dụng 16,82 ha diện tích rừng sản xuất (huyện Bình Chánh) để triển khai đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa X sáng 7/4.

Kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa X sáng 7/4.

Sáng 7/4, tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa X, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã báo cáo tờ trình về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM và tờ trình về việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM.

Diện tích rừng bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án được xác định là 16,82 ha, trong đó diện tích có rừng 16,80 ha; diện tích không có rừng 0,02 ha (thuộc địa bàn xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty TNHH Một thành viên cây trồng TP.HCM quản lý, sử dụng.

UBND TP.HCM đánh giá, việc chuyển mục đích sử dụng 16,82 ha diện tích rừng sản xuất để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM là cần thiết và đúng thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Lâm nghiệp năm 2017:

“HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phòng hộ biên giới, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay và rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển dưới 20 ha, rừng sản xuất dưới 50 ha; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư” và là một nội dung quan trọng trong việc hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án theo khoản 4 Điều 41 Nghị định số 156/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 1 Nghị định số 83/2020/NĐCP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp “Đối với dự án đầu tư có chuyển mục đích sử dụng rừng, thì chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư”.

Đường Vành đai 3 kết nối với nhiều địa phương lân cận.

Đường Vành đai 3 kết nối với nhiều địa phương lân cận.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM có chiều dài khoảng 76,34 km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An; được đầu tư xây dựng với bốn làn xe cao tốc hạn chế, đường song hành mỗi bên 2-3 làn xe. 

Dự án này được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương và ngân sách địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 75.377 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, tái định cư là 41.589 tỷ đồng. Ngân sách TP sẽ cân đối khoảng 24.010 tỷ đồng để đầu tư các đoạn qua địa bàn. Dự kiến tiến độ thực hiện dự án từ 2022 đến năm 2027, bắt đầu khởi công từ quý 4/2023.

Để hoàn thiện thành phần hồ sơ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM xem xét ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương triển khai dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM; chủ trương đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách TP.HCM bố trí để thực hiện dự án Vành đai 2 TP.HCM (bao gồm cho phần phát sinh vốn ngân sách bố trí tăng thêm (nếu có) trong trường hợp có điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án).

Theo UBND TP.HCM, Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM có ý nghĩa quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu quá tải cửa ngõ TP.HCM, góp phần hoàn thiện các trục giao thông kết nối liên vùng (kết nối giữa TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và tỉnh Long An). Đồng thời, tăng khả năng kết nối đô thị vệ tinh, phát huy lợi thế các tỉnh, phát triển dịch vụ vận tải liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, có tính đến kết nối liên vùng là rất cần thiết.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.