| Hotline: 0983.970.780

Làm rõ trách nhiệm vụ rừng trồng 10 năm, phát hiện bị mất hơn 11,6ha

Thứ Tư 15/01/2025 , 06:30 (GMT+7)

Nhiều cá nhân, tập thể liên quan đến vụ mất hơn 11,6ha rừng tại huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đã bị đề nghị họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm.

Lực lượng bảo vệ rừng đi kiểm tra hiện trường rừng trồng bị mất. Ảnh: Tuấn Anh.

Lực lượng bảo vệ rừng đi kiểm tra hiện trường rừng trồng bị mất. Ảnh: Tuấn Anh.

Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum vừa có kết luận thanh tra việc trồng, quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đăk Glei (huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). 

Theo kết luận của Thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum, Công ty lâm nghiệp Đăk Glei được giao quản lý hơn 22.000ha rừng và đất lâm nghiệp phân bố trải dài trên 9 xã, thị trấn của huyện Đăk Glei. Tuy nhiên, công ty để giảm, mất 11,6ha rừng thông năm 2014-2017 và rừng trồng thay thế năm 2014 tại các tiểu khu 100, 48, 27.

Cụ thể, có 4,6ha rừng bị suy giảm và mất trong năm 2020 là rừng trồng sản xuất năm 2014 tại tiểu khu 100, thuộc lâm trường Đăk Pô Kô. Hiện nay, các hộ dân đang lấn, chiếm đất canh tác nương rẫy.

Bên cạnh đó, có 6,4ha rừng bị suy giảm và mất do sâu, bệnh hại chết từ năm 2019 sang năm 2020 của rừng trồng thay thế năm 2015 tại tiểu khu 48 thuộc lâm trường Đăk Pô Kô. Công ty đã có trách nhiệm chỉ đạo lâm trường Đăk Pô Kô xử lý ngay, tuy nhiên thời tiết vào mùa mưa nên việc phun thuốc không có hiệu quả dẫn đến sâu, bệnh hại làm chết cây thông. Hiện nay, công ty đã khắc phục trồng lại rừng được 3,8ha/5,3ha và 1,1ha có cây tre, nứa tái sinh.

Còn lại, 0,6ha rừng bị suy giảm và mất từ năm 2019 đến trước tháng 10/2020 của rừng trồng thay thế năm 2015 tại tiểu khu 27 thuộc Lâm trường rừng thông. Hiện nay, các hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đo đạc địa chính chính quy chồng, lấn trên lâm phần Lâm trường rừng thông và đang canh tác nương rẫy.

Trước những sai phạm trên, Thanh tra Sở NN-PTNT kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Công ty lâm nghiệp Đăk Glei tổ chức họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại nêu trên đúng theo thẩm quyền quy định.

Đồng thời, công ty có trách nhiệm khắc phục trồng lại rừng; tiếp tục chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, sử dụng nguồn kinh phí đảm bảo theo quy định pháp luật đến khi thành rừng đối với diện tích rừng bị suy giảm, mất 11,6ha.

Nhiều diện tích rừng đã bị người dân lấn chiếm trồng khoai mì. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều diện tích rừng đã bị người dân lấn chiếm trồng khoai mì. Ảnh: Tuấn Anh.

Thanh tra Sở NN-PTNT cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng đăng ký sử dụng đất chi nhánh huyện Đăk Glei tổ chức họp kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến việc tham mưu cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đưa tin, qua kiểm tra tại tiểu khu 27, 48 và 100 thuộc lâm phần của Công ty lâm nghiệp Đăk Glei đã để mất 11,6ha rừng trồng. Đây là diện tích rừng được trồng từ năm 2014 đến 2015 và đã được nghiệm thu.

Tại thời điểm kiểm tra, trong 11,6ha rừng bị mất có 5,3ha đất trống, 1,1ha cây rừng tự nhiên tái sinh, 5,2ha còn lại các hộ dân đang sản xuất nông nghiệp.

Sở NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét, chỉ đạo Công ty lâm nghiệp Đăk Glei trồng lại 11,6ha rừng đã bị mất mà không dùng tiền ngân sách Nhà nước. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị kiểm tra, xác minh, xử lý đối với 12 hộ dân đang cách tác trên 5,2ha rừng trồng bị mất.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.