Xanh tốt trên đất cằn
Gió xuân thổi quanh ruộng đồng, tràn vào xóm làng rồi ùa lên núi Xương Rồng (Long Cốt sơn), xã Phổ Phong (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Những bụi tre với chùm lá to xào xạc trước gió. Thân tre lớn bằng đầu gối vươn lên trời xanh.
Ông Phan Văn Quang săm soi thân tre xanh láng bóng, rì rầm chuyện trò. Từ trước, ông Quang và ông Huỳnh Văn Luận sở hữu chung khu đất rừng với diện tích 4ha. Hai ông chung sức trồng keo nguyên liệu trên đất cằn trơ sỏi đá. Với chu kỳ 5 năm nhọc công xới trồng, chăm bón, phát dọn rồi khai thác và bán cho nhà máy, may mắn mỗi ha chỉ đem lại khoản lãi 50 triệu đồng.
Gần 3 năm trước, đại diện Công ty Cổ phần Tre sinh thái EcoBambu (trụ sở tại tỉnh Quảng Ngãi) đến thuê 2,5ha để trồng tre nguyên liệu sinh khối cao. Giá thuê mỗi ha là 10 triệu đồng/năm, bằng khoản lãi cao nhất khi trồng keo nguyên liệu. Công ty thuê người đào hố, bón lót rồi trồng các giống tre như Gigan, Hitung, Guadua... nhập từ Thái Lan. Mỗi bụi cách nhau 5m, được lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt.
Ông Quang nhận bảo vệ rừng tre với khoản tiền công hàng tháng 2 triệu đồng và thêm 4,5 triệu đồng/tháng khi bơm nước tưới vào mùa khô. "Những loại tre này mạnh thiệt. Đất toàn sỏi đá mà vẫn phát triển tốt. Nắng lắm thì bơm tưới nhỏ giọt. Đến mùa mưa chỉ bỏ ít phân vào gốc. Đợt bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào miền Bắc ở đây cũng có gió lớn lắm. Khu rừng keo 3 năm tuổi bên cạnh ngã ngổn ngang, phải khai thác bán non, nhưng tre chẳng sao cả...", ông kể.
Núi Xương Rồng là điểm đầu tiên Công ty Cổ phần Tre sinh thái EcoBambu triển khai trồng tre nguyên liệu. Diện tích dần được mở rộng và hiện có 120ha tre xanh tốt. Những khu rừng đất tốt, độ ẩm cao, không cần phải bơm tưới nhưng tre vẫn xanh tươi giữa trưa hè oi ả. Qua đó chứng minh khả năng sinh trưởng mạnh mẽ của loài cây này ngay cả trên đất bạc màu.
"Chúng tôi trồng tre khu vực núi Xương Rồng với đất cằn cỗi để thử nghiệm trên nhiều địa hình khác nhau. Dù ở vùng đất cằn cỗi nhất, cây tre vẫn phát triển tốt. Điều này chứng tỏ ở các khu vực khác thì sự phát triển của cây tre không có gì phải lo lắng", chị Trần Thị Phượng - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tre sinh thái EcoBambu tâm sự.
Mở hướng làm ăn mới
Khu vực núi Xương Rồng và vùng lân cận đất đai khô cằn nên cây trồng èo uột, năng suất đạt thấp. Thế nhưng những bụi tre phát triển khá tốt, hứa hẹn đem lại thu nhập cao. Tre sau khi thu hoạch sẽ dùng để chế biến thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu xây dựng, vật dụng trong gia đình thay thế gỗ đã bị khai thác cạn kiệt. Những sản phẩm từ tre ngày càng được ưa chuộng nhờ độ cứng, khả năng chịu mài mòn, chịu nhiệt, an toàn và thân thiện với môi trường...
"Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy tre xanh tốt trên khu vực núi Xương Rồng đất đai cằn cỗi. Qua đó chứng tỏ tính ưu việt của tre so với các cây trồng khác. Xã sẽ tiếp tục theo dõi mô hình này. Nếu việc tiêu thụ thuận lợi và đem lại thu nhập cao chúng tôi sẽ khuyến khích, vận động bà con trồng tre để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống...", ông Phan Tiến Định - Chủ tịch UBND xã Phổ Phong cho biết.
Những thập niên gần đây, cây keo nguyên liệu dần bao phủ trên rừng và lan cả xuống vùng gò đồi. Sau mỗi chu kỳ 4 – 6 năm, chủ rừng khai thác cây và dọn thực bì theo kiểu đốt sạch để trồng lứa mới. Những cánh rừng trông như da báo bởi màu xanh của cây lá cạnh khu đất trống bạc màu phơi mình dưới nắng chói chang.
Những chu kỳ thu hoạch rồi trồng mới cứ thế tiếp diễn, mặc cho đất rừng bị rửa trôi, bào mòn. Nước ngầm suy kiệt nên canh tác hoa màu trên đất gò đồi hay trồng lúa ở những cánh đồng phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên hết sức khó khăn, thường bị khô hạn dẫn đến mất trắng. Tác dụng giữ nước của rừng suy giảm nghiêm trọng, không còn khả năng điều hòa và duy trì lưu lượng dòng chảy. Vì thế ngập lụt vùng hạ du trong mùa mưa ngày càng gia tăng. Thu nhập từ cây keo đạt thấp so với các cây trồng khác. Vì vậy trồng tre là biện pháp giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra và hứa hẹn đem lại thu nhập cao.
"Sau gần 3 năm chăm sóc, tôi thấy cây tre phát triển khá tốt. Nếu việc tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao thì tôi sẽ mua giống trồng tre trên số diện tích đất rừng còn lại", ông Quang cho biết. "Cây tre phát triển như thế là tốt rồi. Tôi chỉ chờ đến ngày thu hoạch và xuất bán, nếu giá cao tôi sẽ trồng tre. Đất của tôi rất tốt, nếu trồng tre thì mau lớn lắm...", ông Lê Quang Tấn góp chuyện.
Chị Lê Hồng Tuyết Nhung - Giám đốc Dự án Công ty Cổ phần Tre sinh thái EcoBambu cho biết: Chu kỳ tối thiểu của tre nguyên liệu sinh khối cao kéo dài 20 năm. Trong 2 năm đầu, bà con có thể trồng xen canh các loại cây hoa màu để lấy ngắn nuôi dài. Năm thứ 3 có thể thu hoạch măng theo phương pháp cắt tỉa. Đến năm thứ 5 bắt đầu thu hoạch gỗ tre nguyên liệu. Trong 15 năm thu hoạch gỗ, mỗi ha tre có thể đem lại tổng thu nhập khoảng 2 tỷ đồng.
Tre nguyên liệu sinh khối cao mọc măng nhiều nên người dân chỉ tốn công chăm sóc giai đoạn đầu. "Chúng tôi sẽ hợp tác với đối tác và kết nối với nông dân để mở rộng diện tích trồng tre quy mô lớn. Công ty sẵn sàng cung cấp giống tre chất lượng cao, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chi tiết cách trồng và chăm sóc, đồng thời đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy bà con không cần phải lo lắng về đầu ra...", chị Nhung cho biết.
Sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi cho biết núi Xương Rồng (Long Cốt sơn) còn có tên là núi Tiên Nữ. Trên núi có 12 tòa tháp, gọi là tháp Tiên Nữ... Nhiều bậc cao niên cho rằng, đó là những tòa tháp của người Chăm từng hiện hữu và lụi tàn, hòa vào đất đai theo thời gian.
Vào tháng 7/1929, những nhà cách mạng ở Quảng Ngãi họp bàn và thành lập tổ chức "Dự bị Cộng sản" của tỉnh tại núi Xương Rồng. Nơi đây được UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2000. Cách chân núi một đoạn về phía đông là Ao sen Liên Trì (Liên Trì dục nguyệt) từng được ngợi ca là một trong 12 cảnh đẹp ở Quảng Ngãi. Núi và ao sen cùng xóm làng tạo nên khung cảnh thơ mộng làm say lòng viễn khách.