| Hotline: 0983.970.780

Xin lỗi, hứa và... hứa cuội

Thứ Tư 15/08/2012 , 10:43 (GMT+7)

Từ khi nhà máy tẩy nhuộm, hấp, in của Cty 19/5 hoạt động đến nay, nếp sống Làng Văn (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) bị đảo lộn.

Làng Văn (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) có trên 400 hộ dân với khoảng 2.000 nhân khẩu, hiện tại 80% số hộ vẫn làm nông nghiệp. Tuy đất canh tác còn ít nhưng cuộc sống của bà con vẫn ổn định từ việc trồng các loại rau như rau rút, rau muống, rau cần và các loại cải.

>> Hết nạn nọ, đến nạn kia

Từ khi nhà máy tẩy nhuộm, hấp, in của Cty 19/5 hoạt động đến nay, nếp sống của làng bị đảo lộn. Không chỉ khốn khổ vì mùi, tiếng ồn, khí thải, nước thải của nhà máy, mà đời sống kinh tế của bà con cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. Do bắt buộc phải dùng nước sông Tô để tưới rau nên khi nước bị nhiễm độc bởi nước thải chưa qua xử lý của nhà máy thì các loại rau cứ xoăn lại, vàng úa, giảm năng suất.

Bà con cho biết, mọi năm, nếu cứ mưa thuận gió hòa thì cữ này, mỗi nhà có thu nhập trên dưới một triệu đồng mỗi ngày từ rau là chuyện bình thường. Nhưng năm nay thì vài trăm ngàn một ngày cũng khó. Điều hết sức nguy hiểm nữa là, vì miếng cơm manh áo mà người dân làng Văn vẫn phải bán các sản phẩm được tưới bằng thứ nước độc hại đó ra thị trường, khiến hàng ngàn người tiêu dùng bị vạ lây.

Trước sự bức xúc của người dân, cơ quan chức năng và chính quyền đã nhiều lần vào cuộc. Nhà máy đã bị lực lượng Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Môi trường của Công an TP Hà Nội (PC49 Hà Nội) xử phạt hành chính 35 triệu đồng vì vi phạm các quy định BVMT. Ngày 8/6/2012, Tổ công tác của UBND xã Thanh Liệt phối hợp với cán bộ Phòng TN&MT huyện Thanh Trì tiến hành kiểm tra việc thực hiện Luật BVMT tại nhà máy, và đã phát hiện nhiều sai phạm, UBND xã Thanh Liệt đã lập biên bản về những sai phạm này.

Ngày 15/6/2012, Cty 19/5 có công văn gửi UBND xã Thanh Liệt, cam kết dừng những thiết bị phát sinh khí thải ra môi trường cho đến khi hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải vào trung tuần tháng 7/2012. Khi đó nước và khí thải xả ra môi trường sẽ đạt tiêu chuẩn quy định.

Thế nhưng cam kết chỉ để mà... cam kết, còn thì nhà máy vẫn hoạt động bình thường. Ngày 6/7/2012, UBND xã Thanh Liệt đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Cty 19/5, buộc công ty phải thực hiện đúng, đầy đủ những nội dung trong cam kết BVMT của mình, đã được cơ quan chức năng xác nhận. Nhưng rồi kết quả là tình hình vẫn không có gì tiến triển, khiến người dân càng bức xúc. Hầu hết bà con làng Văn đều cho rằng việc tìm kiếm lợi nhuận bằng cách hủy hoại sức khoẻ một cộng đồng dân cư, tàn phá môi trường một làng quê của Cty 19/5 là thiếu đạo đức kinh doanh, hơn thế nữa, đó còn là một tội ác.


Barie do bà con làng Văn dựng trên con đường vào nhà máy của Cty 19/5

Sáng ngày 1/8/2012, tại làng Văn đã diễn ra một cuộc họp gồm lãnh đạo UBND xã Thanh Liệt, đại diện Cty 19/5 và nhân dân làng Văn. Theo phản ánh của bà con, thì tại cuộc họp đó, lãnh đạo UBND xã Thanh Liệt đã nhấn mạnh, nếu Cty 19/5 không tạm ngừng sản xuất, chấm dứt việc gây ô nhiễm môi trường để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thì UBND xã sẽ buộc công ty phải dừng sản xuất, di dời nhà máy khỏi địa bàn.

Về phía Cty 19/5, ông Trần Hồng Tuy, Phó Tổng giám đốc, đã thay mặt công ty nhận lỗi về những vi phạm quy định BVMT, xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những vi phạm đó. Ông Tuy cũng cam kết sẽ dừng hoạt động của nhà máy ngay trong ngày để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, khí thải.

Thế nhưng, đến tối ngày 1/8/2012, dân phát hiện nhà máy vẫn sản xuất bình thường chứ không hề dừng như lời hứa của ông Phó Tổng giám đốc Cty 19/5 lúc sáng. Quá bức xúc, cả trăm người dân làng Văn đã kéo đến nhà máy, yêu cầu nhà máy thực hiện đúng cam kết của lãnh đạo. 23 giờ ngày 1/8/2012, thấy người điều hành của nhà máy ngỏ lời xin lỗi và thấy nhà máy dừng hoạt động, bà con bảo nhau về. Nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, vào khoảng 2 giờ ngày 2/8/2012, thấy bà con đã yên giấc, nhà máy lại tiếp tục hoạt động.

Phát hiện ra điều đó, 9 giờ ngày 2/8/2012, bà con lại kéo đến nhà máy, yêu cầu dừng hoạt động. Người điều hành nhà máy lại xin lỗi, các dây chuyền tẩy, nhuộm, hấp dừng hoạt động. Nhưng khi bà con vừa về hết thì chỉ chừng 1 tiếng đồng hồ sau, nhà máy lại hoạt động trở lại. Không kìm chế được sự bức xúc, khoảng 15 giờ ngày 2/8/2012, hàng trăm người dân lại tiếp tục kéo vào nhà máy và đến chập tối ngày 2/8/2012 thì bà con dựng barie ngăn đường, không cho xe cộ vào khu vực nhà máy nữa. Lúc đó, nhà máy mới dừng hẳn sản xuất.

Cũng theo một số bà con kể lại, thì sáng ngày 4/8/2012, bà Đặng Thị Hồng Lê, trợ lý của Tổng giám đốc Cty 19/5 đã xuống làng Văn họp với bà con nhân dân, xin để cho nhà máy tiếp tục hoạt động để giải quyết nốt mấy ngàn mét vải còn đang ngâm nước, sau đó sẽ tiếp tục dừng. Nhưng, đã cảnh giác trước sự thất hứa nhiều lần của công ty, nên đại đa số người dân làng Văn đã không chấp nhận.

Ngày 7/8/2012, đại diện của Cty 19/5 lại về, đề nghị bà con tạm mở barie để nhà máy có thể cho xe vào chở số vải đó đi nơi khác. Lần này thì người dân đã đồng ý. Sáng ngày 12/8/2012, công ty đã mời những hộ dân ở khu tập thể 19/5 cạnh nhà máy đến họp, nhưng các hộ dân không chấp nhận, mà yêu cầu nếu họp, thì phải mời toàn thể nhân dân làng Văn.

Sáng ngày 13/8/2012, khi chúng tôi đến nhà máy tẩy, nhuộm, in của Cty 19/5 tại làng Văn, thì hai cổng của nhà máy đều đóng kín. Thanh barie vẫn đóng chặt tại con đường vào nhà máy. Bà con cho biết, con đường này là do nhân dân làng Văn đóng góp để bê tông hoá. Nhưng từ khi Cty 19/5 khởi công xây dựng nhà máy đến nay, đường đã bị phá hoại nặng nề do xe tải nặng chở vật liệu, nguyên liệu và sản phẩm của nhà máy đi lại suốt ngày.

 Chúng tôi đã hỏi bà con: Từ khi bà con dựng barie, UBND xã có ý kiến gì không? Đáp rằng UBND xã đã có thông báo yêu cầu dỡ bỏ barie, nhưng thông báo đó không được phát trên đài truyền thanh của xã, cũng không giao cho trưởng thôn Văn để phổ biến đến dân mà lại... dán ngay vào cột barie, nên bà con không chấp nhận.

Hỏi tiếp về nguyện vọng của bà con bây giờ là gì? Ông Đặng Đình Cường, Trưởng thôn Văn, cho biết:

- Từ khi sự việc xẩy ra, chi bộ, chính quyền và các đoàn thể của làng đều vào cuộc, động viên, thuyết phục bà con hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tránh để xẩy ra những chuyện đáng tiếc. Còn nguyện vọng của bà con ư? Thì chỉ có một nguyện vọng thôi: nếu không có sự đầu tư thích đáng để xử lý triệt để, dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường, thì Cty 19/5 nên di chuyển dây chuyền tẩy, nhuộm, hấp đi nơi khác, còn cơ sở này sẽ bố trí một dây chuyền sản xuất khác, như dệt chẳng hạn...

Theo chúng tôi, điều mà bà con làng Văn đòi hỏi đối với Cty 19/5 như trên là hoàn toàn hợp lý, hợp tình, hợp pháp.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.