Xin lỗi dường như là việc rất khó khăn nhưng nó là sức mạnh. Nó giải quyết những xung đột mà không cần bạo lực, sửa chữa sự chia rẽ giữa các quốc gia với nhau, cho phép các chính phủ thừa nhận sai lầm gây ra cho dân chúng, và hồi phục sự cân bằng các mối quan hệ các cá nhân. Nó là một cách hữu hiệu để gây dựng lại lòng tin và sự tôn trọng. Nó là một dấu hiệu của sức mạnh bởi vì nó là bằng chứng của sự tự tin để thừa nhận sai lầm.
Đối với giao tiếp quốc tế, từ sorry (tính từ) với ý nghĩa xin lỗi thông thường hoặc apology (danh từ) trong bối cảnh trang trọng hơn, là các từ được dùng phổ biến và có tần suất sử dụng ngày càng cao. Ý nghĩa của xin lỗi nghĩa là bạn ước bạn đã không làm những gì bạn đã làm trước đó, đặc biệt khi bạn muốn cư xử lịch sự tới ai đó khi mà bạn đã làm điều gì đó xấu hoặc tồi.
Trong gia đình, xin lỗi thể hiện giá trị của nó rõ ràng hơn bao giờ hết. Để duy trì một gia đình trong ấm ngoài êm là điều rất khó, một những vấn đề quan trọng là cách giải quyết các cuộc xung đột giữa hai vợ chồng. Cách đơn giản nhất là một trong hai xuống nước và xin lỗi bên kia. Bằng việc xin lỗi, qua lời hay hành động, người đó muốn chuyển tải một thông điệp rằng tôi sai, hối lỗi về những gì mình đã làm và đồng cảm với những gì bạn phải chịu. Nếu im lặng trước sai lầm mình gây ra, người đó ngụ ý rằng “tôi không quan tâm”, điều này dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Có nhiều nghiên cứu cho rằng phụ nữ có xu hướng thích được nhận được sự hối lỗi từ bạn trai hoặc chồng của mình. Nhiều người phụ nữ tôi gặp đã nói rằng không có gì có thể xoa dịu “cơn điên” của họ bằng một lời xin lỗi chân thành. Có lẽ nhờ vậy, cấu trúc xã hội khá ổn định từ trước tới nay, người đàn ông chỉ cần xin lỗi là đủ với đối tác của họ.
Trong công việc, xin lỗi cũng có sức mạnh như trong gia đình. Khi cấp dưới phạm sai lầm, không hoàn thành kế hoạch, để xử lý mối quan hệ với cấp trên thì xin lỗi là công cụ hữu hiệu. Làm sao cấp trên có thể trách cứ thuộc cấp khi họ đã biết lỗi? Ngược lại, nhiều nhà quản lý nói với tôi rằng, khi họ làm sai, xin lỗi và tỏ ra hối hận với cấp dưới thì dễ dàng được tha thứ và nhận lại được sự trung thành và cống hiến lớn hơn từ những người này.
Xin lỗi trong chính trị là một công cụ mạnh mẽ để xem xét lại lịch sử một quốc gia. Vào năm 1970, Thủ tướng Tây Đức lúc đó là Willy Brandt tới Ba Lan để ký kết Hiệp ước Warsaw với nước này về vấn đề biên giới. Nhân chuyến đi này, ông đã tới thăm tượng đài kỷ niệm cuộc nổi dậy của người Do Thái ở trại tập trung (Warsaw Ghetto Uprising) ở Warsaw, gọi là Đài tưởng niệm những người anh hùng trại tập trung Do Thái. Sau khi đặt vòng hoa viếng, rất bất ngờ, trước đông đảo chính trị gia và phóng viên, vị thủ tướng này đã quỳ xuống khoảng nửa phút trước tượng đài.
Mặc dù không nói lời nào, nhưng hành động như một lời xin lỗi này đã lan rộng khắp thế giới, thể hiện sự hối lỗi của người Đức sau những gì họ đã gây ra ở Thế chiến 2, mong muốn chữa lành vết thương chiến tranh và một bước đi quan trọng về mặt chính trị của Đức đối với các nước Đông Âu lúc đó. Một năm sau Brandt được trao giải Nobel Hòa bình và với các chính sách của ông gọi là Ostpolitik đã góp phần giúp nước này thống nhất trong hòa bình vào năm 1990.
Đối với nội bộ một nước, vào năm 1997 chính quyền Hoa Kỳ đã xin lỗi tới những người đàn ông gốc Phi khi những người này bị từ chối việc điều trị bệnh giang mai họ mắc phải vào những năm thập niên 1930.
Đối với tôn giáo, năm 2022 Giáo hoàng Francis đã xin lỗi về việc khoảng 150.000 trẻ em là người bản địa Canada đã bị buộc phải rời khỏi vòng tay cha mẹ và học trong các trường nội trú Công giáo từ năm 1831 đến năm 1996, điều này khiến nhiều trẻ em bị ngược đãi, lạm dụng hoặc suy dinh dưỡng. Giáo hoàng đã nói đơn giản là “I am sorry” (Tôi xin lỗi) và “I humbly beg forgiveness” (Tôi xin sự tha thứ) và nhận được những tràng pháo tay hoan nghênh từ những người sống sót sau sự kiện trên và cộng đồng bản địa ở Canada.
Bất kể trong trường hợp nào, xin lỗi đã chứng minh được sự hiệu quả của nó.