| Hotline: 0983.970.780

Xóa đói giảm nghèo từ cây trúc sào

Thứ Sáu 27/12/2019 , 11:10 (GMT+7)

Xã Huy Giáp, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng có 19 xóm với 706 hộ dân, trong đó dân tộc Dao chiếm đến 78% dân số; cả xã có trên 90% hộ dân sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ.

Trúc loại nhỡ được cưa thành từng đoạn.

Do địa hình phức tạp, hiểm trở, dân cư không tập trung và trình độ dân trí thấp, việc lựa chọn hướng đi trong phát triển kinh tế, xã hội giúp người dân xóa đói giảm nghèo là một trong những khó khăn và thách thức.

Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đi một vòng quanh các xóm trồng nhiều trúc. Đến đâu cũng thấy những rừng trúc xanh mướt đang đến độ thu hoạch. Dừng chân bên vườn trúc của gia đình anh Đặng Tòn Sểnh, Trưởng xóm Lũng Pán.

Anh Sểnh chia sẻ: Cả xóm có 25 hộ đều trồng trúc, mỗi hộ từ 1 - 5ha. Trước đây, cả xóm gần như đều là hộ nghèo nhưng nhờ trồng trúc, đời sống các hộ dân đổi thay nhiều, chỉ còn 2 hộ nghèo.

Đến một rừng trúc khác, người dân đang tất bật thu hoạch với không khí nhộn nhịp. Anh Triệu Kim Cường, xóm Phiêng Pảng bộc bạch: Năm nào cũng vậy, từ khoảng tháng 11 là gia đình tôi thu hoạch trúc rồi có xe ô tô của công ty đến tận chân vườn trúc thu mua. Sang năm, tôi sẽ bán cho người khác để họ tự thu hoạch, mình chỉ lấy tiền cho đỡ tốn công lao động. Mỗi năm, từ trồng trúc gia đình tôi thu nhập hơn 60 triệu đồng.

Được coi là mảnh đất của trúc sào, nhưng để mở rộng được diện tích như hiện nay là cả một nỗ lực của người dân xã Huy Giáp. Ông Lầu A Mú, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 2009 đến nay, từ việc lồng nghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xã hỗ trợ cho các hộ dân hơn 2 tỷ đồng mua giống, phối hợp với các phòng chức năng huyện hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch với mục tiêu mở rộng diện tích trúc sào.

15-31-43_5
Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ trồng trúc.

Bên cạnh đó, việc tìm đầu ra ổn định cho trúc sào được lãnh đạo địa phương chú trọng. Từ năm 2009, Chi nhánh Công ty cổ phần Xây dựng và Chế biến trúc tre xuất khẩu Cao Bằng được thành lập và đặt tại xã nên bà con có thể mang trúc đến bán hoặc được thu mua tại chỗ. Do vậy, bà con trồng trúc không rơi vào tình trạng bị ép giá. Thấy hiệu quả từ trồng trúc, người dân toàn xã hưởng ứng, nhiều vùng đất trống, những khu vườn bỏ hoang đã được phủ màu xanh của trúc sào.

Từ diện tích 650ha năm 2011, đến nay, cả xã Huy Giáp trồng được 1.052ha trúc sào. Một số xóm phát triển trúc sào tốt như Lũng Pán, Pác Trà, Phiêng Pảng, Nặm Cốp… Trung bình mỗi năm, xã Huy Giáp bán hàng nghìn xe trúc, với tổng gá trị gần 10 tỷ đồng. Mỗi hộ trồng trúc có thu nhập trung bình từ vài vài chục triệu đồng - gần 200 triệu đồng/năm.

Cả xã đã có gần 50 chiếc ô tô do người dân tự mua để vận chuyển trúc và hàng hóa. Nhờ trồng trúc, bộ mặt nông thôn của xã cũng đổi thay rõ nét, xã đang phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2020.

Xem thêm
Ngành chăn nuôi vẫn canh cánh nỗi lo 'xuất khẩu'

HÀ NỘI Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang canh cánh việc chưa thể xuất khẩu được nhiều sản phẩm.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...