| Hotline: 0983.970.780

Xóa ô nhiễm môi trường nông thôn, cách làm hay của Phước Lộc

Thứ Hai 21/09/2020 , 08:06 (GMT+7)

Từ là “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường nông thôn, hiện xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước, Bình Định) đã là điểm sáng về tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM nâng cao.

Từ “điểm nóng” thành điểm sáng

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, sau khi xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) xây dựng sân vận động và nghĩa trang liệt sĩ, nơi Nhà Văn hóa xã tọa lạc hiện nay còn là khu đất trống, người dân lén lút chở rác đến đây đổ ngập, biến nơi đây thành bãi rác “khủng”, ai đi qua đoạn này đều không thể không bịt mũi. Đó là chưa kể rác thải được người dân đổ dọc 2 bên những con đường liên thôn. Đặc biệt, khi ấy xã Phước Lộc có nhiều lò mổ heo nằm trong khu dân cư, mỗi đêm mổ cả trăm con heo. Rác thải từ những lò mổ này xe thu gom rác thải không xử lý, cứ nằm ở bãi rác ngày này qua ngày khác khiến tình trạng ô nhiễm càng nghiêm trọng.

Sau khi lễ đăng ký tham gia phân loại rác thải tại nguồn diễn ra vào ngày 28/8 vừa qua, UBND xã Phước Lộc chở những thùng đựng rác thải về cấp tận các thôn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau khi lễ đăng ký tham gia phân loại rác thải tại nguồn diễn ra vào ngày 28/8 vừa qua, UBND xã Phước Lộc chở những thùng đựng rác thải về cấp tận các thôn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Khi UBND xã cho tư nhân thuê khu đất trống để cây cảnh mới giải quyết được bãi rác nói trên, sau đó mới xây dựng Nhà Văn hóa xã. Khi ấy, đơn vị xử lý rác thải trên địa bàn là 1 đơn vị tư nhân, chỉ trang bị bị được 1 xe thu gom rác, trong khi rác thải của hơn 4.500 hộ dân trong xã là rất lớn, thu gom không xuể. Cộng với ý thức bảo vệ môi trường của người dân còn kém, nên xảy ra tình trạng xả rác thải bừa bãi”, ông Nguyễn Thành Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, nhớ lại.

Trước thực trạng trên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Phước Lộc đặt việc khắc phục môi trường nông thôn lên làm nhiệm vụ hàng đầu. Bởi, để hoàn thành tiêu chí này, cần phải làm thay đổi nhận thức của cả cộng đồng. Cả hệ thống chính trị xã Phước Lộc xác định, để thực hiện được việc này không gì khác hơn phải tăng cường công tác tuyên truyền.

“Những năm qua, chúng tôi thực hiện tuyên truyền về công tác gìn giữ môi trường nông thôn không chỉ tích cực mà còn rất thường xuyên. Mưa dầm thấm lâu, dần dà người dân cũng hiểu ra. Sau khi hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2016, xã Phước Lộc tiếp tục được huyện chọn là địa phương xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020. Trong 13 tiêu chí xây dựng NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí, xã Phước Lộc lại 1 lần nữa xác định tiêu chí thứ 11 về cảnh quan môi trường lại là khó khăn cần vượt qua”, ông Phú cho biết thêm.

Những người dân xã Phước Lộc trực tiếp tham dự lễ đăng ký tham gia phân loại rác thải tại nguồn hồ hởi nhận thùng đựng rác. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Những người dân xã Phước Lộc trực tiếp tham dự lễ đăng ký tham gia phân loại rác thải tại nguồn hồ hởi nhận thùng đựng rác. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cách làm hay

Từ tháng 6/2020, UBND xã Phước Lộc lại ráo riết công tác tuyên truyền nhằm làm thay đổi triệt để ý thức trong cộng đồng dân cư về việc chung tay gìn giữ môi trường nông thôn và xây dựng mô hình phân loại rác thải tại nguồn. Công tác tuyên truyền đã cho thấy hiệu quả, nếu như trước đây mới chỉ có 1.353 hộ dân tham gia thu gom rác thải thì hiện con số này đã tăng đến 3.330 hộ/4.510 hộ, chiếm 73,9%, đạt tiêu chí 11 trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao.

Để đạt được thành quả trên, UBND xã Phước Lộc đã chỉ đạo cho bộ phận chuyên môn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của xã và chính quyền thôn mở rộng tuyên truyền đến từng hộ dân. Giao chỉ tiêu cho 11 thôn, mỗi thôn phải vận động ít nhất 70 hộ tham gia xử lý rác thải. UBND xã xuất kinh phí mua 50 chiếc xe đẩy loại 1 khối để vận chuyển rác thải từ các khu dân cư ra điểm tập kết, trước đó, xã đã được Hội Nông dân tỉnh tặng 10 cái nữa. Với số lượng xe đẩy này, xã Phước Lộc đủ bố trí cho mỗi thôn và mỗi chợ quê 1 xe để vận chuyển rác thải, tránh tình trạng vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm.

Ý thức bảo vệ môi trường nông thôn lan tỏa sâu rộng trong người dân xã Phước Lộc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ý thức bảo vệ môi trường nông thôn lan tỏa sâu rộng trong người dân xã Phước Lộc. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngoài ra, xã còn xuất kinh phí khoảng hơn 200 triệu đồng mua 500 thùng nhựa loại 40 lít để bố trí tại các khu dân cư nằm trong vùng sâu, vùng xa để thu gom rác thải. Người dân thu gom rác thải bỏ vào thùng nhựa, đến hẹn, lực lượng xử lý rác thải của thôn dùng xe đẩy đưa rác ra điểm tập kết để xe xử lý rác đến chở đi. Tại mỗi trụ sở thôn, UBND xã Phước Lộc cũng bố trí 1 thùng nhựa loại 120 lít để đựng rác thải.

“Chúng tôi thành lập tổ tự quản gồm 11 người, bố trí mỗi thôn 1 người chuyên làm nhiệm vụ dùng xe đẩy vận chuyển rác ở những khu vực xe xử lý rác thải không vào được ra điểm tập kết. Lực lượng này được trang bị bảo hộ lao động rất bài bản, khẩu trang chuyên dụng có khử mùi loại 120.000đ/cái, ủng, quần áo, áo mưa… mỗi năm được cấp 2 lần. Mỗi thành viên trong tổ tự quản còn được hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm y tế. Tiền thu phí rác thải trong dân với mức 14.000đ/hộ/tháng không đủ trả lương cho lực lượng này, mỗi tháng UBND xã phải trích ngân sách từ 23-25 triệu để bù vào”, ông Phú cho hay.

“Trong xây dựng NTM nâng cao, tiêu chí môi trường bắt buộc phải có 10% số hộ dân trong xã đăng ký tham gia mô hình phân loại rác tại nguồn. Ngày 28/8 vừa qua, UBND xã làm lễ đăng ký và đã có 500 hộ/4.510 hộ đã đăng ký tham gia, đạt trên 11%, đồng nghĩa UBND xã Phước Lộc “cán đích” hoàn thành 13 tiêu chí NTM nâng cao. Từ nay đến cuối năm xã sẽ đăng ký xây dựng NTM kiểu mẫu, mô hình này sẽ còn được nhân rộng hơn nữa trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thành Phú nói.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.