| Hotline: 0983.970.780

Xôn xao chuyện người trở về sau 14 năm mất tích

Thứ Năm 19/08/2010 , 08:35 (GMT+7)

Hơn một tuần qua, người dân trong thôn Đinh, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, xôn xao về câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tuyết trở về địa phương sau hơn chục năm bị mất tích.

Chị Tuyết (người đứng ngoài cùng bên phải) đoàn tụ cùng gia đình

Hơn một tuần qua, người dân trong thôn Đinh, xã Tri Phương, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, xôn xao về câu chuyện của chị Nguyễn Thị Tuyết trở về địa phương sau hơn chục năm bị mất tích.

Từ một phút thiếu suy nghĩ...

Là một học sinh chăm ngoan, học giỏi nhưng lận đận trong thi cử, sau khi thi trượt đại học, Nguyễn Thị Tuyết mang nặng tâm lý chán nản. Đúng lúc đó, một người quen tên Nguyễn Thị Mến làm ăn ở Lạng Sơn về quê chơi, biết tâm trạng của Tuyết, Mến đã rủ Tuyết sang Trung Quốc chơi mấy ngày cho khuây khỏa, đỡ buồn rồi về tiếp tục ôn thi.

Do tin vào lời người quen nên Tuyết đã nghe theo mà không nghi ngờ. Tuyết đã trốn gia đình đi cùng Nguyễn Thị Rành, người em chồng được Mến nhờ đưa Tuyết lên Lạng Sơn.

Tại Lạng Sơn, Tuyết ở nhà của Mến khoảng ba ngày, được Mến rất chiều chuộng và đưa đi chơi nhiều nơi. Sau đó, Mến đưa Tuyết sang Trung Quốc, Tuyết vẫn không hề hay biết mình bị đưa đi bán.

Tuyết kể, Mến đưa Tuyết vào một quán ăn, nói Tuyết ăn mỳ và đợi Mến đi vệ sinh. Đợi mãi không thấy Mến quay lại Tuyết mới bắt đầu hồ nghi về chuyến đi chơi đầy ngẫu hứng này.

Sau này, Tuyết mới biết được bộ mặt thật của Mến là một kẻ buôn người. Nhắc đến đây Tuyết vẫn còn nguyên cảm giác kinh sợ và nhớ như in cái cảnh bị người ta ngược đãi ngay khi đặt chân lên đến Trung Quốc.

Tuyết nghẹn ngào nhớ lại: “Ăn xong bát mỳ, bà chủ bắt mình làm việc luôn. Công việc hàng ngày là rửa bát và làm những việc vặt trong nhà. Một thời gian sau, người chủ bán mình cho một nhà thổ có rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị giam lỏng. Tại đó, chúng sai làm gì phải làm thế, chống lại chúng đánh cho nhừ tử, sợ lắm. Chúng lấy chân đạp vào ngực, vào bụng, lấy dao rạch cả mặt. Chúng nói ngoan thì không bị bán vào động...”

Nhưng đó cũng chỉ là một nơi “trung chuyển” để bà chủ ở đây bán Tuyết cho một người thứ ba. Trong tay bà chủ này, Tuyết và những nạn nhân khác thường xuyên phải lẩn trốn sự truy quét của công an Trung Quốc.

Tuyết vẫn nhớ đó là một vùng miền núi heo hút, vắng vẻ. Những đêm công an Trung Quốc mở chiến dịch truy lùng mạnh, chúng đưa các nạn nhân theo đường mòn trốn lên rừng ẩn nấp. Khi nhìn thấy các anh công an, Tuyết định kêu thật to cho họ nghe thấy, nhưng nghĩ tới con dao to như dao mổ bò kề cổ là không ai dám ho he một tiếng.

Tuyết cho biết, chị vẫn còn may mắn hơn rất nhiều chị em cùng cảnh ngộ vì được nhiều người đàn ông hỏi mua về làm vợ, trong đó, có một người ở Quảng Châu (Trung Quốc) - nay là chồng chị - hỏi mua với giá 5.500 Nhân dân tệ.

Trong lúc tuyệt vọng đó, nghe thấy người ta định mua mình về làm vợ, Tuyết cảm thấy như được giải thoát. Chị nghĩ đơn giản là lấy một người chồng để không bị bán vào nhà thổ, để sau đó có cơ hội trở về quê hương.

Bơ vơ nơi đất khách...

Chưa kịp vui mừng vì thoát khỏi tay bọn buôn người, Tuyết phải làm dâu của một người mẹ chồng vô cùng khó tính. Do không biết tiếng Trung Quốc nên từ cách giao tiếp hàng ngày đến nếp sống của gia đình nhà chồng đều rất xa lạ với chị.

Giữa nơi đất khách quê người, lại mang sẵn trong người tâm lý bị đem bán như một món hàng và tủi thân khi cưới chồng mà không được lên xe hoa, những ngày đầu về làm dâu, chị sống khép kín. Người mẹ chồng cay nghiệt, bắt chị phải làm mọi việc quần quật như một cỗ máy.

Hàng ngày, từ tờ mờ sáng Tuyết đã phải cùng chồng ra đồng làm việc, tối về đau mỏi nhừ người nhưng vẫn phải làm việc nhà, nấu cơm, rửa bát, giặt giũ quần áo cho cả nhà đến khi nào hết việc mới được đi ngủ.

Nhưng số phận vẫn còn mỉm cười với chị khi được người chồng luôn ở bên bênh vực, phần nào đã giúp chị vơi đi sự tủi thân và làm chỗ dựa cho chị, tiếp thêm cho chị nghị lực sống và hy vọng có một ngày được trở về quê hương.

Những lúc rảnh rỗi hiếm hoi, anh đã dạy chị học tiếng Trung Quốc và cách giao tiếp với mọi người. Tuyết khoe: “Tên anh dịch ra tiếng Việt Nam là A Hói đấy. Anh ấy tốt lắm, giúp đỡ mình làm nhiều việc trong khi bản thân anh ấy cũng đã vất vả lắm rồi. Khi mình bày tỏ mong muốn được về Việt Nam thăm gia đình được anh ấy đồng ý ngay. Anh ấy còn cho tiền, mua quà gửi gia đình vợ và đưa mình ra tận bến xe.”

Ngần ấy năm chung sống với người cưu mang mình, chị đã có ba người con. Đứa lớn năm nay đã 13 tuổi, đứa nhỏ cũng 8 tuổi, đứa nào cũng xinh xắn, khỏe mạnh và sống tình cảm. Ngày chị về, không bảo nhau nhưng chúng cùng òa khóc nức nở đòi theo. Thương con, chị chỉ biết cắn chặt môi quay đi không để cho chúng nhìn thấy chị khóc.

Ngày trở về đầy xúc động

Hơn chục năm lưu lạc nơi đất khách quê người, trong thâm tâm Tuyết lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, anh chị em và người thân. Chị luôn hy vọng có một ngày được đoàn tụ cùng gia đình mà không biết bày tỏ cùng ai. Cho tới khi có mấy chị em người Việt Nam lấy chồng gần đó rủ về nước chơi chị mới dám ngỏ lời với gia đình.

Trong niềm vui sum vầy chị tâm sự: “Lúc ngồi trên ôtô đi trên quê hương Việt Nam mình vui sướng lắm, không tả được. Lúc đó trong đầu mình cứ tự hỏi, ngần ấy năm xa cách không liên lạc, không tin tức gì của gia đình, không biết bố mẹ mình giờ thế nào, anh chị ra sao rồi? Làng quê mình ngay trước mắt mà cứ như trong giấc mơ.”

Khi bước vào cổng nhà, người đầu tiên chị nhìn thấy là bố chị, chị đã oà lên khóc. Cha con ôm lấy nhau mà khóc. Đó là những giọt nước mắt của ngày đoàn viên, của niềm vui sau bao nhiêu năm lưu lạc được đoàn tụ.

Những ngày này, ngôi nhà của chị Tuyết đầy ắp những tiếng nói cười chung vui, chia sẻ của họ hàng, bà con lối xóm.

Bức xúc trước việc Tuyết trở thành nạn nhân của kẻ buôn người, nhiều người trong gia đình chị đã có ý định kiện kẻ buôn người khiến Tuyết phải lưu lạc nơi đất khách.

Sau bao nhiêu năm sống nơi quê người Tuyết đã trở nên điềm đạm hơn. Tuyết cho rằng chuyện đó đã qua và không muốn nhắc lại nữa, dẫu sao số phận cũng đã mỉm cười với chị. Giờ Tuyết chỉ có một mong muốn là hàng năm được trở về Việt Nam thăm gia đình.

Trong khi trao đổi câu chuyện với chị Tuyết, chúng tôi biết được hiện Mến đang phải trả giá cho những tội lỗi của mình bằng việc ngồi nhà giam bóc lịch 7 năm vì tội buôn bán phụ nữ trái phép.

(Theo Vietnam+)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm