| Hotline: 0983.970.780

Xót xa Hà Tĩnh

Thứ Sáu 08/10/2010 , 08:30 (GMT+7)

Trên chiếc ca nô vượt lũ đến thăm đồng bào ngập lũ ở xã Phương Mỹ, Hương Khê (Hà Tĩnh), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải thốt lên: “Nước lũ ngập nhiều ngày thế này, bà con lấy gì ăn đây?!”.

Ông Trần Hữu Bình nhận quà từ tay Phó Thủ tướng và Bộ trưởng trao

Trên chiếc ca nô vượt lũ hàng chục cây số đến thăm đồng bào ngập lũ ở xã Phương Mỹ, Hương Khê (Hà Tĩnh), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã phải thốt lên: “Nước lũ ngập nhiều ngày thế này, bà con lấy gì ăn đây?!”. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình ngồi cạnh thưa với Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát rằng: Đồng bào phải chịu đựng cơn đại hồng thủy như thế này đúng một tuần nay rồi…

Nông dân lại trắng tay

Sau cơn khát do hạn hán kéo dài gần 3 tháng hoành hành, làm cho hơn 290 nghìn người dân thiếu nước sinh hoạt, hơn 20 nghìn ha lúa màu, ngô, đậu và hàng nghìn ha cây ăn quả bị chết đứng, hàng vạn con trâu bò không còn cỏ để ăn, không còn nước để uống, nông dân Hà Tĩnh lại thêm một phen điêu đứng khi phải đối mặt với các loại dịch bệnh như sâu cuốn lá, bệnh lùn sọc đen trên lúa...

Tưởng rằng ông trời cho mưa thuận gió hòa để người dân sống yên ổn sau khi hạn hán và dịch bệnh xảy ra, nhưng người Hà Tĩnh chưa hoàn hồn sau 2 “đại họa” trên thì một lần nữa họ lại phải gồng mình hứng chịu cơn đại hồng thủy trút xuống mấy ngày liền. 61 xã với hàng vạn người dân thuộc 9 huyện Hương Khê, Vũ Quang, hương Sơn, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh và Lộc Hà chìm trong biển nước. Trong đó, có 39 xã ngập sâu từ 2-3 mét, bị nước lũ cô lập hoàn toàn, toàn bộ tài sản, lương thực, hoa màu gia súc gia cầm bị nước lũ cuốn trôi.

Trận lũ lịch sử này cũng đã cướp đi sinh mạng của 9 người dân, 1 người mất tích, 1 người bị thương; nhấn chìm, phá hỏng 26.338 ngôi nhà; 42 trạm y tế; 98 trường học; 32 trụ sở xã. SXNN ngập trên 3 nghìn ha lúa mùa; 2.863 ha ngô đông; 1.795 ha khoai đông; gần 2.600 ha rau màu; gia cầm bị trôi chết 72.430 con; 1.129 con trâu bò bị nước lũ cuốn mất. Nhiều công trình thủy lợi, giao thông, đê điều bị sạt lở hư hỏng nặng, hơn 1.400 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản bị san bằng... Thiệt hại ban đầu ước tính trên 845 tỷ đồng.

"Tôi thực sự thắt lòng"

Tuy nước đã rút được gần 2 mét so với đỉnh lũ nhưng cả xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê) vẫn còn chìm trong bạc đầu lũ trắng. Từ đường mòn Hồ Chí Minh, mấy chiếc ca nô chở Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Đoàn công tác vượt lũ hơn 1 tiếng đồng hồ để tìm đến đồng bào Phương Mỹ đang trú ẩn. Mặc dù ca nô đã tăng hết tốc lực nhưng Phó Thủ tướng và Bộ trưởng vẫn tỏ ra sốt ruột. Dòng Ngàn Sâu hiền hòa thơ mộng ngày nào, bây giờ trở nên hung giữ đến khiếp đảm.

Hàng trăm ha ngô đông hai bên triền sông, nay nước rút xuống, chỉ còn là những khối đất đá, rặt một màu xám kịt… Giữa mênh mông biển nước, đoàn thuyền vượt lũ, chui qua hàng loạt bụi cây đỏ ngầu bùn đất, rồi cập vào một làng quê đang chìm trong nước. Nơi đây, có hàng trăm gia đình với hàng ngàn nhân khẩu đang trong cơn khốn cùng với mưa lũ từ hơn 1 tuần nay.

Nhìn cảnh nhà cửa ngập ngủm, người dân sống bấp bênh trên những con thuyền ba lá chơi vơi trên dòng lũ ngóng trông hàng cứu trợ, Phó Thủ tướng nói: “Nhìn cảnh này, tôi thật sự thắt lòng! Tôi muốn đi cho bằng hết các hộ dân, đến gặp từng nhà, từng người để động viên, chia sẻ khó khăn với họ - những người nông dân một nắng hai sương, trăm bề khốn khổ. Nhưng vì điều kiện không thể đi hết, tôi muốn được đến các hộ chính sách, già cả neo đơn trước, sau đó tôi xin phép gửi quà của Đảng, Chính phủ, Nhà nước lại cho địa phương, nhờ địa phương thay mặt chúng tôi trao giùm đến người dân, để chúng tôi còn kịp vào chia sẻ với hàng chục ngàn hộ dân ở Quảng Bình đang đối mặt với lũ từ mấy ngày nay…”.

Tạm biệt đồng bào vùng lũ trong nặng trĩu nỗi lòng, Phó Thủ tướng không quên căn dặn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh phải tập trung cao độ cho công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, tuyệt đối không để dân đói, rét; quan tâm đến bệnh tật, phục hồi sản xuất sau lũ…
Thể theo đề nghị của Phó Thủ tướng, đồng chí Nguyễn Hồng Quân- Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ dẫn Phó Thủ tướng vào thăm hộ ông Trần Hữu Bình, là thân nhân liệt sỹ, ở xóm 4 Phương Mỹ. Ông bà Bình đang sống lênh đênh 4 phía mênh mông nước. Thấy ông Bình trong bộ quần áo ướt sũng tả tơi, Phó Thủ tướng ôm lấy ông và hỏi han về cuộc sống gia đình, làng xóm trong những ngày qua. Nhận quà từ Phó Thủ tướng, ông Bình không giấu được xúc động đã bật khóc. "Dân chúng tôi khổ lắm. Mặc dù được Đảng, Chính phủ quan tâm nhiều, địa phương cũng cứu trợ kịp thời, không để dân đói nhưng nước lũ ngâm lâu quá, trăm bề khốn khổ. Được Phó Thủ tướng đến thăm, chúng tôi không biết nói gì hơn..."- ông Bình nói.

Rời gia đình ông Bình, Phó Thủ tướng và đoàn lại đến thăm, tặng quà gia đình ông Trần Hữu Trung, ở xóm 4 Phương Mỹ. Ông Trung là thương binh chống Mỹ, bị bom đạn làm tàn phế đôi chân. Trong ngôi nhà đang ngập nước đến gần đầu gối, Phó Thủ tướng rưng rưng nước mắt, ân cần hỏi han chia sẻ với gia đình. Phó Thủ tướng động viên ông cố gắng vượt qua khó khăn để sớm ổn định lại cuộc sống…

Sau khi đi thăm, tặng quà cho một số đối tượng chính sách, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Cao Đức Phát và đoàn đã đi dọc triền lũ, tặng mì tôm, nước uống cho tất thảy nhân dân đang neo thuyền trên lũ. Phó Thủ tướng và Bộ trưởng cũng đã có cuộc nói chuyện nhanh với đồng bào trên chiếc ca nô và mong bà con trong cơn hoạn nạn càng phải đoàn kết, lá lành đùm lá rách, cùng nhau vượt qua những khó khăn mất mát do cơn lũ gây nên.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất