Ngày 22/12, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao và Hiệp Hội nhựa Việt Nam tổ chức hội thảo "Xu hướng mới trong đóng gói, bao bì – thị trường nội địa và xuất khẩu".
Ông Nguyễn Như Khuê, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Hóa nhựa Bông Sen cho rằng, xu hướng đóng gói bao bì mới của thế giới là công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn với nhựa tái chế. Trong khi đó, hiện công nghệ tái chế nhựa ngày càng hiện đại, cùng lúc có thể tách mực in, phân loại màu, khử mùi, tẩy rửa… cho ra nguyên liệu nhựa trắng, nhựa màu…
Do đó, theo ông Khuê, các doanh nghiệp Việt khi muốn xuất khẩu ra thị trường quốc tế cần lưu ý đến các quy định về môi trường, kinh tế tuần hoàn, nhất là tại các thị trường châu Âu trong việc sử dụng chất liệu bao bì có tính an toàn cho người sử dụng, tái sinh được và tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường... Riêng đối với nông sản, bao bì phải đáp ứng phát triển bền vững, nghĩa là tái sinh một cách dễ dàng.
Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bún gạo thanh long, bún gạo dưa hấu... đi nhiều nước trên thế giới, Duy Anh Foods đã đầu tư thiết kế bao bì sản phẩm cho từng thị trường. Ông Lê Duy Toàn, giám đốc Duy Anh Foods cho biết, mỗi khách hàng ở mỗi thị trường có những yêu cầu về ghi nhãn hàng hoá khác nhau. Do đó, đối với mỗi khách hàng, trước khi hàng xuất đi, Duy Anh Foods đều cùng đối tác sửa đổi, hoàn thiện mẫu mã bao bì để phù hợp với từng thị trường.
Theo ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế Việt Nam, ngoài kinh tế tuần hoàn, chất thải thì điều quan trọng nhất với Việt Nam hiện nay là vấn đề tái chế: cao su và nhiệt điện.
Hiện mỗi tháng Việt Nam thải ra 40.000 tấn vỏ xe, lốp xe, các cao su các loại, tương đương 480.000 tấn/năm. Việt Nam có hơn 50 triệu xe máy và 5 triệu xe hơi. Trong khi đó, hiện chỉ có 10% cao su được sử dụng tái chế, còn 50% là nằm trên mặt đất, còn lại rải rác nằm ở các khu vực gây ô nhiễm. "Do đó, kinh tế tuần hoàn, tái chế là câu chuyện dài", ông Anh nói.
Việt Nam có gần 3.000 doanh nghiệp sản xuất túi nhưng chỉ có hơn 30 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận tự huỷ. Vấn đề hủy và tự hủy có nhiều quan niệm khác nhau, Châu Âu không dùng túi tự hủy, người Nhật cũng không dùng, Mỹ nhập rất ít trong khi một số nước Châu Á bắt đầu tập trung vào sử dụng túi tự hủy.
Ông Trần Việt Anh cho biết thêm, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 10 tỷ gói mì ăn liền nhưng không ai quan tâm bao bì của gói mì tôm đó đi về đâu, và chắc chắn nó không tái chế.
“Trước đây một sản phẩm nhựa, bao ni lông vứt ra đường người ve chai thu gom hết. Chúng tôi là thế hệ đầu tiên tái chế thành những túi ni lông đen, vàng, đỏ. Nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam đã đi đầu tái chế cách đây vài chục năm nhưng bây giờ cuộc sống phát triển hơn, người dân toàn dùng hàng nguyên sinh”, ông Việt Anh nói.
Ông Việt Anh cho rằng, đích cuối cùng là sản phẩm dùng ra và quay trở lại. Tuy nhiên, việc tái chế rác thải của Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa phân loại được rác, phần lớn là rác được gom lại rồi đem đi chôn. Vì vậy, các công ty đầu tư nhà máy đốt rác nhưng không hoạt động được.
Nhật Bản mỗi năm nhập 600.000 tấn các loại túi xốp trong khi Việt Nam quy định cấm nhập nếu không phải là tự hủy. Nguyên nhân do người dân Nhật Bản phân loại rác tốt và theo đánh giá cơ quan môi trường Nhật thì trên 90% lượng túi xốp nhập khẩu được quay lại đốt rác.
“Giải pháp của chúng ta là phải biết sử dụng tái chế và sử dụng tái chế trong nước. Có nghĩa là không nhập khẩu phế liệu về, không tiếp nhận những FDI tạo ra nguyên liệu và chất đống phế thải, không duyệt dự án đầu tư tạo ra sản phẩm không tái chế được. Tái chế phải đi song hành với tất cả các ngành chứ không riêng ngành nào. Chúng ta phải phát triển kinh tế tuần hoàn khác biệt phù hợp với dân số và kinh tế của Việt Nam.
Tái chế và kinh tế tuần hoàn là một định hướng của quốc gia. Phải khuyến khích để tất cả doanh nghiệp ai cũng muốn làm tái chế. Để đến năm 2050, chúng ta sẽ nhìn, sẽ quen với một cuộc sống sử dụng những sản phẩm có thể dùng đi dùng lại và khi ấy sẽ không còn tình trạng khai thác tài nguyên mà vẫn có nguyên liệu để sử dụng và nguyên liệu đó lấy từ chính thùng rác, từ bãi rác, từ những chất thải sinh hoạt...", ông Anh nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, nhà nghiên cứu về phát triển bền vững thì cho rằng, thiết kế bao bì phải kể được câu chuyện bền vững và cam kết của thương hiệu, cũng như giá trị cốt lõi của thương hiệu. Qua đó, người tiêu dùng sẽ trải nghiệm sự tiện lợi và thấu hiểu vấn đề giải pháp bao bì bền vững. Xanh hoá bao bì nhằm mục tiêu tăng sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường và tiếp cận được xu hướng tiêu dùng mới toàn cầu hậu Covid-19.
Theo các chuyên gia, bao bì ngày càng chiếm một vai trò quan trọng, tác động lớn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Bên cạnh việc lựa chọn nhiều sản phẩm có nguồn gốc thực vật, mang yếu tố tốt cho sức khỏe, sản phẩm bản địa, bảo vệ môi trường thì ngày nay, người tiêu dùng đặc biệt ủng hộ và chọn mua các sản phẩm có bao bì sử dụng chất liệu thân thiện môi trường. Ngoài ra, thông tin trên bao bì tập trung vào các yếu tố tiêu chuẩn, môi trường cũng thu hút người tiêu dùng thế giới.
Các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp cần đặt mình vào địa vị người mua để biết nhu cầu khách hàng, của từng thị trường. Bao bì không chỉ thể hiện độ bắt mắt, khơi gợi tò mò, mà cần đặt chất lượng, tính năng, tác dụng, cũng như sự linh hoạt, đổi mới sản phẩm bao bì để thu hút khách hàng.
Dự kiến, đầu năm 2023, Hội đồng phân bổ nguồn vốn quỹ tái chế của Chính phủ chính thức được thành lập. Hội đồng này sẽ nhận nhiệm vụ phân bổ ngân sách tái chế thu về từ các doanh nghiệp tạo ra chất thải cho các doanh nghiệp làm được tái chế. Doanh nghiệp nào tái chế đúng quy trình, đúng công nghệ sẽ được nhận những khoản tiền lớn này.