Khó xử lý vi phạm
Quảng Ngãi là một trong những địa phương có đội tàu cá lớn của cả nước. Tính đến tháng 2/2024, tổng số tàu cá của toàn tỉnh này là hơn 4.240 chiếc. Trong đó, tàu có chiều dài từ 15m trở lên là 3.099 chiếc. Cơ cấu khai thác thủy sản chủ yếu gồm các nghề lưới kéo, lưới rê, lưới vây, nghề câu với lực lượng lao động khoảng 38.000 người.
Qua những lần trực tiếp kiểm tra, làm việc với tỉnh Quảng Ngãi, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã ghi nhận những tiến bộ của tỉnh này trong công tác điều hành, chỉ đạo sâu sát của chính quyền. Nhờ vậy, thực trạng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài hầu như không còn. Việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm tra sản lượng khai thác, công tác xác nhận, chứng nhận và thực thi pháp luật được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Tuy nhiên, địa phương này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế chưa thể khắc phục triệt để. Đặc biệt là tình trạng tàu cá thường xuyên mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình. Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 2.947/3.099 tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 99,32% (không tính 152 tàu nằm bờ trong và ngoài tỉnh); hiện còn 20 tàu hoạt động trong và ngoài tỉnh chưa lắp đặt thiết bị.
Thiếu tá Vũ Hoàng Tuấn Anh, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết, hiện đơn vị đang quản lý 1.061 tàu cá có chiều dài trên 15m bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong năm 2023, Đồn Biên phòng này đã xử lý 12 trường hợp mất kết nối với tổng số tiền xử phạt là 306 triệu đồng.
Ngoài ra, Đồn cũng đã xác định được 145 phương tiện vi phạm về mất kết nối thiết bị giám sát hành trình bao gồm: 135 phương tiện có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và 10 phương tiện từ 24m trở lên. Trong đó có 137 tàu không xử lý và 8 tàu chưa xử lý vi phạm.
“Phần lớn các tàu cá này nằm bờ không hoạt động hoặc di chuyển ngư trường từ Quảng Ngãi đi hoạt động ở các tỉnh khác như: Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa… lâu năm không đưa tàu về địa phương. Những tàu cá này nằm ngoài sự kiểm tra, giám sát của đơn vị. Vì vậy, đơn vị không thể xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật”, Thiếu tá Vũ Hoàng Tuấn Anh cho hay.
Từ thực tế này, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cũng đề xuất với UBND thành phố Quảng Ngãi tham mưu cho UBND tỉnh thông báo cho các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo Bộ đội Biên phòng trực thuộc điều tra, xác minh, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật số tàu cá vi phạm nói trên khi cập bến. Kiên quyết không để tàu cá vi phạm đi hành nghề đồng thời gửi kết quả xử lý cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi nắm cùng phối hợp thực hiện.
Cần siết chặt quản lý
Đối với tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành trình ở tỉnh Quảng Ngãi, không thể phủ nhận còn có những nguyên nhân khách quan như lỗi thiết bị, hư hỏng do điều kiện ngoại cảnh, thời tiết. Ngư dân Võ Thành Tân (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 90659 TS làm nghề lặn ở ngư trường Hoàng Sa cho biết, theo quy định, cách đây 4 năm, tàu anh lắp thiết bị giám sát hành trình với mức phí hơn 20 triệu đồng.
“Trong quá trình hoạt động, tàu cũng thỉnh thoảng mất kết nối, có lần phải chạy về để sữa chữa. Như vậy vừa mất thời gian vừa tốn chi phí. Trung bình mỗi chuyến đi như vậy tàu tôi tốn trên 200 triệu đồng. Vậy nên, tôi mong muốn cơ quan chức năng kéo dài thời gian xử phạt mất kết nối (10 ngày) để tàu có thể khai thác, gỡ lại chi phí hao tổn”, ông Tân nói.
Mặc dù vậy, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cho hay, việc tàu cá mất kết nối do nguyên nhân chủ quan, lỗi thiết bị trên địa bàn hiện nay không đáng kể. Những trường hợp này chỉ mất kết nối trong thời gian ngắn. Trong khi đó, nhiều tàu cá ở Quảng Ngãi có thời gian không có tín hiệu vài tháng. Đặc biệt là những tàu làm nghề lưới kéo, vì lo sợ bị phát hiện đánh bắt sai vùng nên chủ tàu chủ động ngắt thiết bị giám sát hành trình.
“Rất khó để xử lý những trường hợp này bởi các tàu thường hoạt động ở các tỉnh khác, nhiều năm không về địa phương, thậm chí không vào bờ. Sau khi khai thác, chủ tàu bán cá và mua lại nhu yếu phẩm, nhiên liệu từ các tàu dịch vụ hậu cần. Chủ tàu có thể trở về địa phương nhưng họ lại neo tàu cách xa bờ rồi di chuyển bằng ghe, thuyền nhỏ vào đất liền”, Trung tá Lâm Văn Viễn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ nói.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu cá của địa phương khai thác trên biển lâu năm không trở về địa phương còn có lý do là sợ mất bạn thuyền. Những tàu này mất kết nối thiết bị giám sát hành nhưng không gặp chủ tàu thì không có căn cứ để xử lý. Theo phát luật cũng không thể bắt các chủ tàu trở về. Cơ quan chức năng trong tỉnh chỉ nắm bắt thông tin ở địa phương, gia đình để xác định họ ở đâu, vùng nào.
Cũng theo ông Mười, từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 911 tàu có chiều dài từ 15m trở lên không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng. Tuy nhiên, trong số này có rất nhiều tàu nằm bờ không khai thác. Bởi mỗi tỉnh có 1 đặc thù khác nhau. Tại Quảng Ngãi, có những tàu chỉ khai thác từ 5 – 7 tháng, thời gian còn lại họ không làm nghề biển mà còn đi làm các công việc khác. Do đó, khi tàu nằm bờ sẽ ngắt các thiết bị điện để đảm bảo an toàn cháy nổ vừa giảm chi phí tiền thuê bao trả hàng tháng.
“Hiện tại, chúng tôi đang rà soát lại các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình ở các địa phương để tham mưu cho Sở NN-PTNT báo cáo cho UBND tỉnh. Đồng thời gửi văn bản cho các địa phương, Bộ đội Biên phòng xác minh xem những tàu nào đã xử phạt rồi, những tàu nào vi phạm đánh bắt lâu năm vừa trở về địa phương, tàu nào nằm bờ để xử lý theo đúng quy định của pháp luật”, ông Mười nói.
Cùng với đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo cho các tỉnh, thành khác siết chặt công tác quản lý tàu cá. Tăng cường kiểm tra, phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi để xử lý những tàu cá của tỉnh này đang hoạt động ở các vùng biển khác vi phạm việc duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình cũng như quy định phòng chống IUU.
“Sắp tới đây, các tàu các ở Quảng Ngãi sẽ hết thời hạn, cần cấp lại giấy phép khai thác. Lúc đó chúng tôi sẽ nắm bắt, rà soát, những tàu vi phạm kết nối thiết bị giám sát hành trình thì sẽ không cấp lại giấy phép nếu chưa được xử lý theo quy định. Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho các tàu cá trả chi phí thuê bao dịch vụ hàng tháng của thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đang trong thời gian ổn định ngân sách nên nguồn lực chưa đảm bảo để thực hiện”, ông Mười thông tin.
Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định: “Tinh thần chỉ đạo của tỉnh là kiên quyết, không nhân nhượng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xử lý ở mức cao nhất theo quy định; công khai, minh bạch thông tin xử lý vi phạm, không để sót trường hợp vi phạm mà không bị xử lý. Tập trung xử lý triệt để các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, vượt ranh giới cho phép khi hoạt động trên biển”.