| Hotline: 0983.970.780

Xuân về bên những cánh rừng phòng hộ

Thứ Hai 14/02/2022 , 08:17 (GMT+7)

BẮC GIANG Dịp Tết Nguyên đán, vì sự bình yên của đại ngàn, những người làm nhiệm vụ giữ rừng vẫn ngày đêm làm việc, giữ rừng.

Trời rét căm căm. Tôi cùng cán bộ Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang) tới Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động. Tiếp chúng tôi, Giám đốc Dương Văn Lợi cho biết, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sơn Động là đơn vị sự nghiệp có thu, thành lập từ năm 2007, tiền thân là Lâm trường Sơn Động I và sát nhập với Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sơn Động (năm 2017); được giao quản lý gần 10.800 ha rừng và đất rừng (trong đó, diện tích rừng và đất rừng phòng hộ gần 9.300 ha, diện tích rừng và đất rừng sản xuất gần 1.500 ha), nằm trên địa bàn 08 xã, thị trấn.

Tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ Sơn Động. Ảnh: Dương Đại Tiến.

Tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ Sơn Động. Ảnh: Dương Đại Tiến.

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp quản lý lớn, lại nằm trên địa bàn nhiều xã, thuộc vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn, biên chế cho lực lượng bảo vệ rừng mỏng, song đơn vị luôn bán địa bàn, phát huy tốt vai trò của cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng nên diện tích rừng do đơn vị quản lý luôn được bảo vệ tốt.

Thời gian qua, đơn vị luôn xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, chăm sóc rừng và phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, đơn vị đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; hằng năm, đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú. Thông qua công tác tuyên truyền, phần nào đã làm thay đổi được nhận thức của chính quyền địa phương cũng như nhân dân trên địa bàn về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Để hiểu hơn về công việc của những người giữ rừng trong dịp Tết Nguyên đán, từ Thị trấn An Châu (huyện Sơn Động), chúng tôi cùng đi thực tế tại những khu rừng do đơn vị quản lý. Xe ô tô bán tải chở chúng tôi theo con đường nhựa uốn lượn như một dải lụa mềm, qua nhiều sườn đồi, chừng 15 phút thì đến đỉnh yên ngựa có địa danh Đèo Chinh.

Từ đây, phóng tầm mắt nhìn khung cảnh trùng điệp của núi rừng, với những màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng ẩn khuất dưới làn sương trắng bồng bềnh, chúng tôi mới cảm nhận rõ tình yêu với rừng của những người giữ rừng. Để có được những cánh rừng xanh như vậy, là kết quả của công tác phối hợp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các lực lượng chức năng với chính quyền địa phương và cộng đồng người dân nhận khoán bảo vệ trong nhiều năm qua.

Anh Nguyễn Hồng Mạnh kiểm tra loài cây lim xanh được trồng bổ sung làm giàu rừng phòng hộ.

Anh Nguyễn Hồng Mạnh kiểm tra loài cây lim xanh được trồng bổ sung làm giàu rừng phòng hộ.

Anh Nguyễn Hồng Mạnh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Tổng hợp (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sơn Động) chia sẻ: Rừng tự nhiên nơi đây thuộc loại rừng phòng hộ, do Trạm bảo vệ rừng xã An Lạc quản lý. Nhiều năm qua, trên địa bàn không để xảy ra cháy rừng, cũng như tình trạng khai thác gỗ, chặt phá rừng trái pháp luật.

Những cánh rừng này không chỉ tạo nguồn sinh thủy, cung cấp nước cho công trình thủy lợi, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo vệ, phát triển bền vững đa dạng sinh học tại địa phương. Dịp Tết Nguyên đán, khi mọi nhà tất bật chuẩn đón năm mới, thì cán bộ của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sơn Động lại phải tăng cường nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Đơn vị có 08 Trạm bảo vệ rừng. Mỗi Trạm thường chỉ biên chế 02 người, nên luôn phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm khi gặp các đối tượng manh động có hành vi vi phạm đến tài nguyên rừng, chúng có thể chống trả quyết liệt khi bị bắt giữ. Vì vậy, giữa các Trạm đều có sự phối hợp, tăng cường hỗ trợ lẫn nhau khi có vụ việc xảy ra.

Tiếp tục hành trình theo những người giữ rừng, chúng tôi vượt hàng chục cây số để đến Trạm bảo vệ rừng Đồng Rì, xã Thanh Luận. Đây là Trạm đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Sơn Động, bốn bề được bao bọc bởi núi rừng trùng điệp.

Rót chén trà nóng mời khách, anh Lã Văn Linh, Phụ trách Trạm chia sẻ: Với đặc thù công việc, Trạm thường xuyên phối phợp với Hạt Kiểm lâm Bảo tồn Tây Yên Tử tổ chức tuần tra, bảo vệ rừng, đặc biệt là khu vực rừng giáp ranh với huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những sự cố xảy ra đối với rừng.

Những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán, đáng lo ngại nhất là xảy ra cháy rừng, bởi đây là tháng cao điểm mùa khô. Do vậy, Trạm tăng cường phối hợp tổ chức tuần tra rừng, đặc biệt chú trọng các khu rừng tự nhiên, những địa bàn trọng điểm có khả năng cháy rừng để sẵng sàng ứng phó khi có cháy rừng xảy ra.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động và các lực lượng chức năng, chính quyền các xã, các Tổ bảo vệ rừng để thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng với phương châm “bảo vệ rừng tại gốc”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.