| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu 17 tỷ USD, ngành Lâm nghiệp mang về không chỉ ngoại tệ...

Thứ Sáu 13/01/2023 , 06:30 (GMT+7)

Bất chấp những khó khăn, ngành lâm nghiệp đã đạt và vượt toàn bộ 5 chỉ tiêu được giao trong năm 2022, tạo tiền đề vững chắc trước khi bước sang năm 2023.

BATH8941

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị mong muốn, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành lâm nghiệp tiếp tục đoàn kết, gắn bó, thực hiện thắng lợi các mục tiêu được giao phó trong năm mới 2023.

Đạt và vượt toàn bộ 5 chỉ tiêu Chính phủ giao

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đánh giá ngành lâm nghiệp đã đạt và vượt toàn bộ 5 chỉ tiêu Chính phủ giao, gồm: trồng rừng, bảo vệ rừng, khai thác lâm sản, dịch vụ môi trường rừng và giá trị xuất khẩu.

Thứ trưởng lưu ý thêm, rằng trong tỷ lệ che phủ 42,02% như hiện tại, ngành lâm nghiệp cần quy hoạch rõ các khu vực phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Theo ông, tỷ lệ che phủ rừng luôn là một trong những chỉ tiêu được Đại hội Đảng, các nhiệm kỳ Quốc hội và Chính phủ quan tâm. 

"Nâng cao chất lượng rừng không chỉ dừng ở việc sử dụng những giống tốt hơn mà còn là bố trí cơ cấu rừng một cách hài hòa hơn", Thứ trưởng nói.

Điểm nữa được lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh là giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp. Trong năm 2022, xuất khẩu toàn ngành đạt 16,928 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021 và cao gấp hơn 2 lần thời điểm năm 2015. Giá trị xuất khẩu lâm nghiệp hiện chiếm khoảng một phần ba tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Đặc biệt, xuất siêu ngành lâm nghiệp đạt 14,1 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ bất chấp biến động do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine và đại dịch Covid-19, thể hiện bước tiến và vai trò quan trọng của lâm nghiệp trong cơ cấu nông nghiệp cũng như đảm bảo cán cân thương mại của toàn nền kinh tế.

"Ngành lâm nghiệp không chỉ mang ngoại tệ về cho đất nước mà còn tạo ra động lực thúc đẩy các hoạt động sản xuất, chế biến gỗ trong nước", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhận xét.

Cuối tháng 12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 107 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ.

Theo đó, Bộ NN-PTNT sẽ chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế, gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có). 

Đối tượng hưởng lợi từ thỏa thuận, gọi tắt là ERPA, gồm: chủ rừng, UBND cấp xã có thỏa thuận tham gia, cộng đồng dân cư, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cũng như quỹ trực thuộc 6 tỉnh. Riêng đối với hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, định mức hỗ trợ được Nghị định 107 nêu rõ là 50 triệu đồng/cộng đồng dân cư/năm.

Xác định ERPA là cơ sở để tạo ra những quy trình về sau trong việc bán và quản lý phát thải khí nhà kính, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị yêu cầu Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp địa phương sớm xây dựng kế hoạch để tận dụng tối đa nguồn thu này, tạo sức bật mới cho ngành.

Trồng rừng, bảo vệ rừng được xem là xương sống để đảm bảo cho hoạt động bán tín chỉ carbon. Năm 2022, ngành lâm nghiệp đã hoàn thành tốt cả hai nhiệm vụ này. Tổng diện tích rừng trồng là 259.615ha, đạt 106,4% kế hoạch, bằng 105,9% so với năm 2021, trong đó chủ yếu là rừng sản xuất (249.369ha). Cây phân tán trồng khoảng 122 triệu cây, đạt 103% kế hoạch năm. 

Về bảo vệ rừng, 3.624 vụ phá rừng được phát hiện và xử lý trong năm. Số vụ cháy rừng giảm 111 vụ, còn 85 vụ, tương ứng giảm 57% so với năm 2021. Diện tích rừng bị thiệt hại do cháy là 41,35ha, giảm 1.470ha, tương ứng giảm 97,3% với năm 2021.

BATH7074

Doanh nghiệp ngành gỗ gặp nhiều khó khăn từ nửa cuối năm 2022.

Kỳ vọng hồi phục năm 2023

Nhìn lại hoạt động của ngành gỗ trong năm, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam lo lắng vì sự tăng trưởng thiếu bền vững. Hai mặt hàng tăng trưởng trong năm, là viên nén và dăm, được khai thác mạnh khiến độ tuổi của gỗ rừng trồng trong nước bị đẩy xuống dưới 3 năm.

Người trồng rừng khai thác cả rừng non, với đường kính gỗ khai thác dưới 7cm, dẫn đến gỗ có độ ẩm cao, lượng xenlulo thấp, đồng thời ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển rừng gỗ lớn của các địa phương.

Một vấn đề nữa, là trong kim ngạch toàn ngành 16,928 tỷ USD, các mặt hàng chế biến sâu chỉ chiếm hơn một nửa. Nguyên nhân bởi, hai thị trường nhập khẩu chủ yếu mặt hàng này là Hoa Kỳ và EU gần như “đóng băng” suốt 3 quý cuối năm 2022. Ngành gỗ hầu như chỉ tận dụng được thời cơ trong quý I, nhờ những đơn hàng cũ từ năm 2021.

Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine dẫn tới biến động về nguồn cung khí đốt, thổi bùng khủng hoảng năng lượng. Viên nén và dăm gỗ có một năm tiêu thụ mạnh, giúp ngành gỗ giữ được sức tăng trưởng.

Sang năm 2023, ông Lập dự báo, cuối Quý I lượng hàng tồn cơ bản sẽ được tiêu thụ hết. Hàng đồ gỗ chế biến sâu như bàn, ghế, tủ… có thể thâm nhập trở lại các thị trường lớn. Để kích cầu, ông khuyến cáo doanh nghiệp ngành gỗ cần tìm cách giảm chi phí sản xuất, giúp các nhà nhập khẩu có nhiều "không gian" để khuyến mại sản phẩm. Một số cách được ông Lập nêu ra như hạn chế sử dụng gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đổi mới công nghệ sản xuất và nâng cao năng lực quản trị.

“Các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng thông qua việc cải tiến mẫu mã, tập trung vào các nhóm hàng có giá trị cao, hướng đến mở văn phòng đại diện tại các thị trường chính để giới thiệu sản phẩm”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.

Theo ông Lập, mấu chốt của ngành gỗ hiện nay là bài toán nguyên liệu. Muốn hoạt động xuất khẩu bền vững, có giá trị gia tăng cao, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC. Trước mắt, cần có cơ chế ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư kinh doanh rừng trồng.

Một vấn đề nữa, là sự mất cân đối về vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến. Ví dụ, vùng miền núi phía Bắc có khoảng 1,5 triệu ha rừng trồng, chiếm 40% diện tích rừng trồng sản xuất của cả nước, nhưng số doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn chỉ chiếm 12,9%. Ngược lại, miền Nam và miền Trung có tới 2 thủ phủ chế biến sâu các mặt hàng gỗ là Bình Dương, Bình Định thì diện tích rừng trồng không nhiều.

“Cây giống lâm nghiệp ở Việt Nam hiện chủ yếu cung ứng cho sản xuất giấy, ít có cơ sở sản xuất cây giống phục vụ trồng rừng gỗ lớn”, ông Lập nêu vấn đề.

Song song với nỗ lực từ phía cơ quan quản lý, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho rằng doanh nghiệp ngành gỗ cũng cần nâng cao nhận thức về thị trường, cũng như nguồn cung gỗ hợp pháp.

Theo ông Phúc, gỗ hợp pháp là yêu cầu bắt buộc đối với mọi quốc gia xuất khẩu và do Chính phủ quy định. Nhưng với mỗi thị trường cụ thể, họ sẽ có thêm yêu cầu riêng. Chẳng hạn, các nhà nhập khẩu EU sẽ đòi hỏi thêm chứng chỉ FSC, còn các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ lại quan tâm nhiều hơn đến các thành tố liên quan tới xã hội, bình đẳng giới, phúc lợi...

Những yếu tố thêm này xuất phát từ thị trường, tức nhu cầu thực tế của người tiêu dùng và được gọi chung là "yếu tố bền vững".

"Chưa có bất cứ một Chính phủ nào trên thế giới yêu cầu chứng chỉ với gỗ và sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nhận thức được rằng yếu tố bền vững là xu hướng tất yếu và cần có những chiến lược phù hợp trước khi xuất khẩu", ông Phúc bày tỏ.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.