Sản xuất cà phê ở Lâm Đồng |
Tuy nhiên, trong bối cảnh ảm đạm chung của XK cà phê, thì XK cà phê chế biến, nhất là cà phê hòa tan vẫn tăng trưởng tốt cả về lượng lẫn giá trị.
Theo Bộ Công thương, trong 11 tháng đầu năm 2018, nước ta đã XK được 34.594 tấn cà phê hòa tan, đạt giá trị 176 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2017, lượng cà phê hòa tan XK tăng 14,8% và giá trị tăng 18,5%.
Như vậy, có thể thấy, cà phê hòa tan XK đều tăng trưởng tốt cả về lượng lẫn giá trị XK. Đây là điểm sáng của ngành hàng cà phê, bởi trong năm qua, trong khi lượng cà phê XK nói chung tăng mạnh (ước cả năm đạt 1,882 triệu tấn, tăng tới 20,1% so với 2017) thì giá trị lại chỉ tăng 1,2% (đạt 3,544 tỷ USD). Đặc biệt, mức tăng của giá trị cà phê hòa tan XK cao hơn mức tăng về lượng. Có được điều này là nhờ trong 11 tháng đầu năm 2018, giá cà phê hòa tan XK đạt bình quân 5.078 USD/tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ 2017. Trong khi đó, cũng trong thời gian trên, giá XK cà phê nhân Robusta giảm tới 17,8% so với cùng kỳ và chỉ đạt bình quân 1.728 USD/tấn.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, chính nhờ tăng trưởng XK của cà phê chế biến (gồm cà phê rang xay và cà phê hòa tan), nên dù giá cà phê nhân XK trong năm 2018 giảm mạnh (giá cà phê Robusta thấp nhất trong vòng 5 năm, cà phê Arabica thấp nhất trong vòng 12 năm qua), nhưng kim ngạch XK cà phê vẫn không bị giảm.
Cà phê hòa tan Việt Nam hiện đã được XK ra khoảng 70 nước và vùng lãnh thổ. Nhiều sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam đã xâm nhập được vào hệ thống Walmart tại Chile, Brazil, Mexico, Trung Quốc… Thị trường lớn nhất hiện nay của cà phê hòa tan Việt Nam là Trung Quốc. Nhờ tăng trưởng tốt trong những năm qua, hiện Việt Nam đang đứng hàng thứ 5 trên thế giới về XK cà phê hòa tan, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Tiềm năng đẩy mạnh XK cà phê hòa tan của Việt Nam đang rất lớn nhờ nhu cầu tăng cao ở nhiều thị trường, nhất là những thị trường có đông dân số trẻ và nguồn cà phê Robusta (nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hòa tan) rất dồi dào ở trong nước. Chính vì vậy, đến nay, đã có 20 nhà máy chế biến cà phê hòa tan được xây dựng và đưa vào hoạt động ở Việt Nam với tổng công suất trên 75 ngàn tấn sản phẩm/năm. Bên cạnh những tên tuổi đã sản xuất cà phê hòa tan từ nhiều năm trước như Nestlé, Trung Nguyên, Vinacafe…, đã và đang xuất hiện nhiều tên tuổi mới đầu tư nhà máy chế biến để sản xuất cà phê hòa tan hướng tới XK và tiêu thụ nội địa như The Coffee House, Vinamit, Nutifood…
Bên cạnh cà phê hòa ta, một sản phẩm cà phê chế biến khác là cà phê rang xay cũng đang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường XK, bởi nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam mới và chuẩn bị ký kết đều tạo thuận lợi cho việc XK mặt hàng này.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, sản xuất các sản phẩm cà phê chế biến sâu để XK và tiêu thụ nội địa đang là xu hướng được các DN ngày càng quan tâm, đầu tư. Bởi với mỗi tấn cà phê nhân, nếu chỉ xuất thô trong năm 2018, chỉ thu về từ 32 - 36 triệu đồng. Nhưng nếu chế biến sâu, có thể nâng giá trị lên tới 70 - 100 triệu đồng.
Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2019, XK cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn do giá cà phê toàn cầu ở mức thấp bởi vẫn còn áp lực dư cung trên toàn cầu. Lượng cà phê XK có khả năng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 vì sản lượng giảm. Tuy nhiên, nhiều khả năng nửa cuối năm 2019, giá cà phê sẽ phục hồi trở lại sau khi lượng cà phê dư thừa trên toàn cầu được hấp thụ hết, nhưng mức tăng sẽ không quá cao. Nguyên nhân là do sản lượng cà phê vụ 2018/2019 của Việt Nam co the giảm 20%; các tác động của El Nino đã diễn ra ở một số khu vực của Úc, Brazil và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng. |