| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu cao su tăng khá trong quý I

Thứ Sáu 05/04/2019 , 08:57 (GMT+7)

Quý I năm nay, trong khi nhiều mặt hàng trồng trọt chủ lực bị giảm giá trị xuất khẩu thì cao su lại đạt mức tăng trưởng khá tốt.

15-56-31_xk_co_su_quy_1
Cạo mủ cao su

Theo Bộ Công Thương, ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 3 vừa rồi đạt 110 nghìn tấn, trị giá 152 triệu USD. So với tháng 3/2018, xuất khẩu cao su trong tháng 3/2019 tăng 43,5% về lượng và tăng 32,5% về trị giá.

Như vậy, xuất khẩu cao su của 3 tháng trong quý I đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2018. Cụ thể, tháng 1, xuất khẩu cao su đạt 157.150 tấn, trị giá 200 triệu USD, tăng 16% về lượng và 0,8% về giá trị so tháng 1/2018. Tháng 2, đạt 79,54 nghìn tấn, trị giá 105,19 triệu USD, tăng 56,7% về lượng và tăng 38,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su ước đạt 347 nghìn tấn, trị giá 457 triệu USD, tăng 32% về lượng và tăng 17,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu cao su tăng trưởng khá trong quý, trước hết là nhờ giữ được sự tăng trưởng ở 3 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. 2 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đạt 153,19 nghìn tấn, trị giá 196,02 triệu USD, tăng 53,7% về lượng và tăng 35% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Xuất khẩu cao su Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh là điều đáng chú ý bởi nước này đang giảm nhập khẩu cao su trong những tháng đầu năm.

Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 990 nghìn tấn cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, với trị giá 1,45 tỷ USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 17,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Ấn Độ và Hàn Quốc là các thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo với lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 tăng lần lượt 42,9% và 7,7% so với 2 tháng đầu năm 2018.

Xuất khẩu phần lớn các chủng loại cao su đều tăng so với cùng kỳ năm 2018. Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 2, xuất khẩu cao su tổng hợp đạt 42,52 nghìn tấn, trị giá 56,2 triệu USD, tăng 102,3% về lượng và tăng 79,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 53,5% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong tháng. Cũng trong tháng 2, cao su Skim block xuất khẩu tăng 2.366%, cao su SVR 20 xuất khẩu tăng 315,6%, cao su SVR 3L tăng 42,9% ...

Tuy nhiên, trong khi tăng mạnh về lượng xuất khẩu, thì giá cao su trong quý I có xu hướng giảm, giá xuất khẩu bình quân giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 1.318 USD/tấn. Nguyên nhân chính là do sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, nhu cầu chậm và nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra trước khi Trung Quốc giảm thuế giá trị gia tăng vào ngày 01/4/2019. Doanh số bán ô tô tháng 2/2019 tại Trung Quốc giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2018, đánh dấu tháng giảm thứ 8 liên tiếp, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tiêu thụ cao su tại thị trường lớn này.

Ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 3 vừa rồi đạt 110 nghìn tấn, trị giá 152 triệu USD

Bên cạnh đó, việc Thái Lan dự kiến sẽ hoãn thực hiện kế hoạch hạn chế xuất khẩu hàng hóa thêm hơn một tháng cũng tác động lên thị trường. Xuất khẩu cao su của Thái Lan tiếp tục tăng. Theo Cơ quan Hải quan Thái Lan, tháng 2/2019, xuất khẩu cao su của Thái Lan đạt 467,69 nghìn tấn, trị giá 592,61 triệu USD, tăng 3,7% về lượng nhưng giảm 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Bộ Công thương, dự báo giá cao su có thể tăng trở lại trong thời gian tới do thị trường kỳ vọng các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc bổ sung các biện pháp kích thích tiền tệ, có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm nay và sẽ cắt giảm thuế với quy mô lớn. Tuy nhiên, mức tăng sẽ không cao do tăng trưởng toàn cầu chậm lại bởi sự không chắc chắn trong các cuộc đàm phán thương mại.

Trước tình hình giá cao su giảm liên tục, 3 nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia (3 nước này chiếm phần lớn tổng sản lượng cao su thiên nhiên thế giới), đã quyết định cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ tăng giá cao su trên thị trường quốc tế.

Cụ thể, trong buổi họp giữa các bộ trưởng các nước trên tại Bangkok vào cuối tháng 2/2019, 3 nước đã quyết định giảm khoảng 300.000 tấn trong nguồn cung cao su thiên nhiên ra thế giới. Bên cạnh đó, 3 nước này cũng sẽ đưa ra các biện pháp khuyến khích tiêu thụ nội địa, tăng cường kế hoạch quản lý nguồn cung nhằm đạt được sự cân bằng cung cầu cao su tự nhiên trong dài hạn.

 

Xem thêm
Phản ứng thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Nhìn từ kinh nghiệm Tây Ban Nha

Cùng với mở rộng quan hệ kinh tế, tìm kiếm thị trường mới, quốc gia Nam Âu còn triển khai các biện pháp hỗ trợ trong nước để đảm bảo việc làm cho người dân.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai bảo hiểm thất nghiệp là tất yếu

Ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo hiểm thất nghiệp đã nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ, rút ngắn thời gian tiếp cận quyền lợi và tăng cường minh bạch quản lý.

Petrolimex Singapore đạt chứng chỉ ISCC

Petrolimex Singapore đã chính thức nhận được 3 chứng chỉ ISCC khẳng định cam kết phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Cần minh bạch, kiểm soát sở hữu chéo khi tái cơ cấu ngân hàng

TP.HCM Để quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiệu quả, cần có chính sách minh bạch, khung pháp lý chặt chẽ, thay đổi cấu trúc sở hữu, đặc biệt là giảm sở hữu chéo.

5 dự án trọng điểm của TP.HCM sẽ hoàn thành trong năm 2025

Đó là Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, 2 nút giao An Phú, Mỹ Thủy và QL50 mở rộng, tổng mức đầu tư 24.300 tỷ đồng.

Bí kíp 'chốt đơn' 20 lô đất/tháng của nhà môi giới tại Hải Phòng

Bí kíp 'chốt đơn' và cơ duyên đến với nghề môi giới bất động sản của anh Nguyễn Văn Sen khá tình cờ và thú vị trong 'một lần mua đất bị hớ'.