Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 1,1 tỷ USD
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (VCCI-HCM), ngành gỗ Việt Nam với trên 5.400 doanh nghiệp với trên 500.000 người lao động đã tạo vị thế trên thị trường quốc tế.
Hiện gỗ Việt Nam đã thâm nhập thị trường 140 quốc gia, trong đó có 40 thị trường chính. Trong xuất khẩu gỗ, Việt Nam thuộc tốp 5 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới; tốp 2 quốc gia xuất khẩu lớn nhất châu Á và đứng đầu ASEAN.
Trong thời gian qua, tình hình xuất nhập khẩu các sản phẩm gỗ và đồ nội - ngoại thất ở Việt Nam gặp nhiều biến động, sụt giảm đơn hàng rất nhiều, khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu gỗ gặp nhiều khó khăn.
“7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tháng 7 là điểm khởi đầu có những tín hiệu rất tốt cho ngành sản xuất và chế biến gỗ mà. Nhiều doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để tìm kiếm thị trường mới, khách hàng mới, nhờ đó có thêm nhiều thị trường mới, khách hàng mới, doanh thu tốt hơn và nhiều thuận lợi hơn.
Riêng tháng 7, Việt Nam đã xuất khẩu trên 1,1 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 2,8%) cao hơn mức tăng xuất khẩu chung của Việt Nam. Đây là tín hiệu khả quan cho xuất khẩu nói chung và ngành gỗ nói riêng”, ông Liêm nhận định.
8 thị trường xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam có mức tăng trưởng rất cao trong 7 tháng qua gồm Thổ Nhĩ Kỳ (tăng gần 400%), Ấn Độ (250%), Tây Ban Nha (52,6%), Campuchia (50,8%), Chile (120,7%), Cô Oét (36,6%), Na Uy (36,7%), Phần Lan (13,6%).
Nhiều đơn hàng mới
Là doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu gỗ, đồ nội thất cho nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế, Công ty TNHH MTV gỗ Hoàng Thông (Hoang Thong Wood) đã đầu tư 8 nhà máy tại Bình Dương và Nghệ An, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường khó tính. “Toàn bộ các nhà máy của chúng tôi đều tuân thủ các yêu cầu của khách hàng về an toàn lao động, chất lượng, SMECTA... Với sản phẩm nguyên liệu thế mạnh là gỗ cao su, gỗ tràm đều có chứng chỉ FSC”, ông Alex Nguyễn, Giám đốc kinh doanh Hoang Thong Wood nói và cho biết thêm, hiện doanh nghiệp đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Đức, Ý, Nhật… trong đó Mỹ chiếm 80%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu gỗ, nội thất khoảng 65 triệu USD/năm.
“Tại hội chợ VIFA EXPO lần thứ 14 được tổ chức vào tháng 3 vừa qua, chúng tôi cũng đã tiếp cận được khá nhiều khách hàng mới, và đã có 3 khách Đức, Úc, Mỹ chốt đơn hàng. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục tham gia hội chợ Quốc tế đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN với mong muốn tìm kiếm thêm nhiều khách hàng mới. Năm nay, chúng tôi đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 25 triệu USD về nội thất”, Giám đốc kinh doanh Hoang Thong Wood nói.
Ông Phạm Văn Thuần, Giám đốc Công ty TNHH thủ công MP (MP Crafts) cho biết, với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Từ tháng 1 đến tháng 5, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên từ tháng 5 đến nay tình hình đã tốt hơn rất nhiều. Nhiều đơn hàng của khách hàng cũ được tiếp tục ký tiếp và cũng có những đơn hàng mới.
“Sau khi tham gia hội cho VIFA EXPO vào tháng 3, công ty đã tiếp xúc khoảng 50 khách hàng, trong đó có trên 10 khách hàng đã ký hợp đồng mua hàng. Hiện đơn hàng đã ký đến tháng 11 - 12 năm nay”, ông Thuần thông tin.
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đánh giá, thị trường thế giới giảm sút đã tác động tới tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, bước qua quý II - III/2023 có kỳ vọng và đã có chuyển biến rõ nét hơn. Các đơn hàng xuất khẩu của mặt hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ có dấu hiệu hồi phục. Có những doanh nghiệp đơn hàng đã đạt trên 50% công suất nhà máy. Và xu hướng này đang tăng lên dần.
“Hy vọng cuối năm nay hoặc chậm nhất là đầu năm 2024 đơn hàng sẽ trở lại trạng thái như cũ. Đây là điểm sáng, tuy vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Mạnh nói và cho biết thêm, các đơn hàng hiện nay khác với trước kia bởi giá cạnh tranh hơn và yêu cầu về mẫu mã, chất lượng lại cao hơn rất nhiều. Ví dụ một chiếc ghế gỗ phối hợp với các nguyên phụ liệu hiện nay khách hàng yêu cầu giảm bớt sắt, gỗ nhưng các nguyên phụ liệu này phải đặt ở những công ty có uy tín và các công ty phải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường. Khách hàng yêu cầu nguyên liệu gỗ, phụ liệu phải tái chế, nhưng chất lượng phải cao hơn. Đây là một áp lực đối với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Mạnh cho rằng, chính những khó khăn này cũng là cơ hội để doanh nghiệp tự làm mới mình, từ chỗ làm những đơn hàng truyền thống, chuyển hướng đến các sản phẩm mang tính bảo vệ môi trường, đa dạng về mẫu mã… thì mới có thể cạnh tranh và làm chủ thị trường, để Việt Nam trở lại thời kỳ huy hoàng về xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ.
Theo xu thế thị trường, các làng nghề ngày càng phát triển, mặt hàng thủ công mỹ nghệ ngày càng nhiều, yêu cầu của khách hàng này càng cao. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp bằng cách công nghiệp hóa, nhiều công đoạn làm bằng máy, năng suất cao hơn, đặc biệt sản phẩm không chỉ đẹp về mẫu mã mà phải thân thiện với môi trường nhưng vẫn giữ được nét văn hóa vùng miền, có thể tái chế được.
Cũng theo ông Mạnh, hiện đã có nhiều doanh nghiệp, làng nghề đã nắm bắt và chuyển đổi theo hướng sản phẩm thân thiện với môi trường, tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu của thế giới thì vẫn phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa.
Theo Giám đốc VCCI-HCM Trần Ngọc Liêm, đối với các doanh nghiệp gỗ, thủ công mỹ nghệ, thì việc tìm kiếm các đơn hàng thông qua Hội chợ là hoạt động thật sự cần thiết và thiết thực của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay. Do đó, Công ty Liên Minh phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM và Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức Hội chợ Quốc tế đồ gỗ & Mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam ASEAN lần thứ 1 (VIFA ASEAN 2023) từ ngày 29/8 đến 1/9/2023 tại TP.HCM.
Hội chợ quy tụ nhiều nhà sản xuất, chế biến gỗ & mỹ nghệ uy tín của 12 tỉnh thành trên cả nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hà Lan, Hồng Kông, Malaysia, Thái Lan, Campuchia... với quy mô gần 200 doanh nghiệp với 600 gian hàng tham gia trưng bày và hơn 2.000 khách quốc tế đã đăng kí tham quan.
"Đây sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả giúp các doanh nghiệp ngành gỗ giới thiệu, quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm, tạo cơ hội mở rộng thị trường, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu “Đến năm 2030, ngành công nghiệp chế biến gỗ trở thành một ngành kinh tế quan trọng; xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam có uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế; phấn đấu để Việt Nam nằm trong nhóm các nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ”, Giám đốc VCCI-HCM nói.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm nguồn khách hàng tìm năng, vào ngày 26 - 29/2/2024, Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức Hội chợ Quốc tế đồ gỗ - mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO) lần thứ 15 tại Trung tâm triển lãm SKY EXPO Việt Nam, quận 12, TP.HCM. Dự kiến hội chợ sẽ thu hút hơn 600 doanh nghiệp với quy mô hơn 2.000 gian hàng quy tụ số lượng lớn các nhà cung cấp, nhà sản xuất uy tín ở Việt Nam và quốc tế.