| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu được yến, cả doanh nghiệp và người dân hưởng lợi

Chủ Nhật 03/12/2023 , 16:37 (GMT+7)

Là đơn vị xuất khẩu yến sào chính ngạch đầu tiên tại Tây Nguyên, Công ty Thành Dung mong muốn mở rộng hợp tác với người dân để tăng sản lượng.

Đơn vị đầu tiên của Tây Nguyên xuất khẩu

Những ngày này, hơn 100 công nhân của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung (huyện Krông Pắc, Đắk Lắk) đang tất bật sơ chế, đóng gói tổ yến để chuẩn bị cho xuất khẩu chính ngạch đầu tiên sang thị trường Trung Quốc.

Ông Vũ Ngọc Huy, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, doanh nghiệp xây dựng các nhà xưởng trên diện tích 1.200m2. Quy mô của nhà xưởng có thể sản xuất được 20 tấn/năm để đáp ứng yêu cầu của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc đưa ra.

Vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra lần cuối về nhà xưởng. Hiện công ty tiếp tục sản xuất và chờ công hàm tiếp theo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận cho đơn vị xuất khẩu yến chính ngạch.

Các công nhân của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung đang tất bật sơ chế cho đơn hàng đầu tiên. Ảnh: Quang Yên.

Các công nhân của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung đang tất bật sơ chế cho đơn hàng đầu tiên. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Huy, sau khi có nghị định thư giữa Bộ NN-PTNT ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc năm 2022, có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng hồ sơ để được xuất khẩu. Các mặt hàng mà Trung Quốc cho Việt Nam xuất khẩu gồm yến tinh chế và yến sơ chế.

Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên. Giá yến xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc tốt hơn rất nhiều so với giá tại thị trường Việt Nam.

“Các doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu mua sản lượng rất lớn, không giới hạn. Doanh nghiệp xuất khẩu được bao nhiêu họ đều mua hết. Hiện nay, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc đã sang Việt Nam đặt vấn đề liên kết với các công ty để thu mua, xuất khẩu yến. Việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là tín hiệu vui cho nông dân cũng như doanh nghiệp”, ông Huy nói.

Vị Tổng Giám đốc cho biết thêm, tiềm năng nuôi yến tại Đắk Lắk cũng như Việt Nam còn rất lớn. Hiện sản lượng yến của Việt Nam chưa đáp ứng đủ cho xuất khẩu.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung là đơn vị đầu tiên tại Đắk Lắk cũng như của Tây Nguyên hoàn thành các thủ tục và thực hiện xuất khẩu lô yến đầu tiên sang Trung Quốc.

Do đó, doanh nghiệp cũng mong muốn người dân nuôi yến sẵn sàng hợp tác để tạo thành chuỗi liên kết bền vững.

Các công nhân đang nhặt lông yến để xuất khẩu. Ảnh: Quang Yên.

Các công nhân đang nhặt lông yến để xuất khẩu. Ảnh: Quang Yên.

“Tới đây, ngành nuôi yến có thể phát triển mạnh mẽ do được xuất khẩu chính ngạch. Công ty Thành Dung sẽ phối hợp với các đơn vị, Hội yến sào tỉnh Đắk Lắk tuyên truyền đến người dân về kỹ thuật, từ đó xây dựng chuỗi liên kết để phát triển ngành yến bền vững.

Hiện, doanh nghiệp đã liên kết trên 250 nhà yến tại Đắk Lắk, Khánh Hòa, Bình Định. Doanh nghiệp xác định khi xuất khẩu người chăn nuôi và doanh nghiệp cùng có lợi nhuận. Như vậy mới hình thành chuỗi liên kết bền vững được”, ông Huy cho biết thêm.

Tuy nhiên, ông Huy cũng cho biết, hiện việc liên kết còn gặp một số khó khăn khi người dân chưa cập nhật việc xuất khẩu yến. Do đó, khi doanh nghiệp đến thu mua, liên kết người dân không không hợp tác, sợ bị lừa.

“Tổng cục Hải quan Trung Quốc mới cấp mã cho môt số đơn vị được xuất khẩu. Hiện nay, công tác chuẩn bị của công ty đã sẵn sàng, chỉ đợi công hàm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc là đơn vị làm lễ xuất khẩu”, ông Huy chia sẻ.

Cần hình thành chuỗi liên kết

Theo ông Phạm Văn Hậu, Chủ tịch Hội yến sào Đắk Lắk, tiềm năng phát triển nghề nuôi yến ở địa phương là rất lớn. Chất lượng tổ yến của Đắk Lắk được đánh giá rất tốt.

Để phát triển ngành yến sào bền vững cần tạo thành chuỗi liên kết bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Để phát triển ngành yến sào bền vững cần tạo thành chuỗi liên kết bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Để đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu, Hội yến sào Đắk Lắk sẽ tiếp tục hỗ trợ các thành viên cũng như các chủ cơ sở nâng cao kiến thức, đầu tư áp dụng khoa học công nghệ để đem lại chất lượng yến tốt nhất.

Cùng với đó, hội sẽ hỗ trợ kết nối cơ sở nuôi yến với các doanh nghiệp được chấp thuận xuất khẩu trong đó có Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung để cùng tham gia vào các chuỗi liên kết giúp gia tăng giá trị sản phẩm.

“Hội khuyến khích bà con nên phát triển theo hướng bền vững. Sắp tới hội sẽ tổ chức một hội thảo liên kết các chuỗi cung ứng, mời các doanh nghiệp xuất khẩu họ sẽ tư vấn cho bà con quy trình sản xuất vận hành nhà yến, cũng như luật khi đi theo chuỗi. Quản lý được nguồn cung chất lượng đầu vào đầu ra được kiểm soát đảm bảo chất lượng tổ yến”, ông Hậu nói.

Theo ông Hậu, sau khi có nghị định thư, nhiều doanh nghiệp đã làm hồ sơ xin xuất khẩu. Đến nay đã có 2 doanh nghiệp xuất công đầu tiên. Sắp tới, sẽ có thêm nhiều công ty sẽ được xuất khẩu. Việc này sẽ cần một sản lượng yến rất lớn như vậy giá cả của yến sẽ được cải thiện hơn.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung là đơn vị đầu tiên ở Tây Nguyên xuất khẩu chính ngạch yên sào sang Trung Quốc. Ảnh: Quang Yên.

Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu yến sào Thành Dung là đơn vị đầu tiên ở Tây Nguyên xuất khẩu chính ngạch yên sào sang Trung Quốc. Ảnh: Quang Yên.

Việc sản xuất theo chuỗi liên kết bà con sẽ được các doanh nghiệp sẽ được tư vấn quy trình vận hành, các quy định liên quan.

“Hiện tại các hộ chăn nuôi rời rạc, các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn xuất khẩu để liên kết. Để được vào mối liên kết thì người dân phải tuân thủ các quy định. Nếu hình thành chuỗi thì các doanh nghiệp sẽ quản lý được nguồn cung như vậy chất lượng từ đầu vào đến đầu ra được đảm bảo”, ông Hậu nói.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.