Điểm sáng
Gạo là một trong những điểm sáng về xuất khẩu nông sản trong năm 2020. Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm 2020, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 5,7 triệu tấn, trị giá hơn 2,8 tỉ USD, so với cùng kì năm 2019 tuy giảm 2,9% về lượng nhưng lại tăng tới 9,7% về kim ngạch. Với kết quả đó, năm 2020 có thể nói là một năm thành công của ngành gạo Việt Nam.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của xuất khẩu gạo trong năm qua là giá gạo xuất khẩu liên tục tăng cao. Có nhiều thời điểm, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam đã ở mức trên dưới 500 USD/tấn. Cũng trong năm qua, giá gạo trắng xuất khẩu của Việt Nam đã có những lúc cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan và luôn cao hơn khá nhiều so với gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan. Những ngày cuối năm 2020, giá gạo 5% của Việt Nam vẫn duy trì quanh mức 500 USD/tấn. Trong 11 tháng đầu năm 2020, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 496 USD/tấn, tăng 12,9% về giá so với cùng kỳ 2019.
Cơ cấu giống lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều vụ gần đây, đã cho thấy rõ việc tăng sản xuất các giống lúa có giá trị cao và giảm các giống giá trị thấp. Chẳng hạn, theo Cục Trồng trọt, trong vụ thu đông 2020, lúa thơm và lúa đặc sản chiếm 19,85% diện tích, tăng 1,85% so với vụ thu đông 2019; lúa chất lượng cao chiếm 51,34%, tăng 4,34%; lúa nếp chiếm 10,13%, tăng 3,13%. Trong khi đó, lúa chất lượng trung bình chỉ còn chiếm 17,3% (giảm tới 7,7%). Tỷ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương đã lên tới xấp xỉ 80% trong vụ thu đông 2020, cũng góp phần không nhỏ làm tăng chất lượng gạo.
Nhờ giá gạo tăng cao, nên dù lượng gạo xuất khẩu có giảm nhẹ (do nhiều thời điểm nguồn cung bị hạn chế vì ảnh hưởng của thiên tai), nhưng giá trị gạo xuất khẩu trong năm 2020 vẫn tăng tốt như đã nói ở trên.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, giá gạo liên tục tăng trong năm 2020 đã đánh dấu mức tăng lịch sử trong khoảng một thập kỷ của mặt hàng này.
Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, trước hết, có nguyên nhân không nhỏ từ việc tăng nhu cầu trên thị trường thế giới, trong khi nguồn cung ở một số nước xuất khẩu bị ảnh hưởng do thiên tai, giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh… Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã làm suy giảm nhiều ngành hàng do nhu cầu tiêu thụ giảm. Nhưng nhu cầu về lương thực không những không giảm mà còn tăng. Đây là nguyên nhân khiến khách hàng vẫn cần mua gạo Việt Nam.
Bên cạnh đó, có một nguyên nhân rất quan trọng là chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện khá nhiều. Theo ông Phạm Thái Bình, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, trong đó tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo được triển khai mạnh mẽ trong những năm qua, đã làm thay đổi quy trình canh tác lúa theo hướng nâng cao chất lượng thay vì tăng sản lượng. Nhờ vậy, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện tốt, người tiêu dùng trong nước cũng như thế giới đã tin dùng hơn. Điều này được chứng minh qua cơ cấu gạo thơm chất lượng cao xuất khẩu hàng năm tăng đều với tỉ lệ khá cao, còn gạo chất lượng thấp ngày càng giảm.
Những năm gần đây, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại với nhiều quốc gia, khu vực thị trường mang tầm chiến lược như CPTPP, EVFTA, gần đây là RCEP và FTA với Anh, đã tạo điều kiện cho gạo Việt Nam bứt phá. Việc các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt hạn ngạch thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm sang EU với giá cao vào cuối năm 2020, đã có tác động tích cực tới giá gạo Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường khác.
Việc nhiều doanh nghiệp chú trọng đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gạo đạt các tiêu chuẩn an toàn, gạo hữu cơ, xây dựng và xuất khẩu gạo có thương hiệu… cũng góp phần tích cực làm tăng giá gạo xuất khẩu, qua đó làm tăng giá trị xuất khẩu gạo không chỉ cho năm 2020 mà cả những năm sau này.
Philippines là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam năm 2020, với 1,94 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm (giảm 1,7%) và 910,16 triệu USD (tăng 11,8% về giá trị). Tiếp theo là Trung Quốc khi đạt trên 752 ngàn tấn (tăng 66,3%) và 432 triệu USD (tăng 91,6%). Đứng thứ ba là Ghana với hơn 506 ngàn tấn (tăng 23,9%) và 273 triệu USD (tăng 34,3%). Giá gạo xuất khẩu sang 3 thị trường này đều tăng mạnh so với cùng kỳ 2019, với mức tăng lần lượt là 13,7%, 15,2% và 8,4%.
Một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu và xuất khẩu gạo mang thương hiệu Việt Nam là Vinaseed. Tập đoàn này đã xây dựng những sản phẩm gạo đóng gói mang thương hiệu riêng và đạt chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (FSSC 22000) về chế biến, đóng gói và xuất hàng bởi tổ chức Bureau Veritas (tổ chức chứng nhận độc lập hàng đầu thế giới của Vương quốc Anh). Trong tháng 7/2020, Vinaseed đã xuất khẩu thành công gạo VJ Pearl Rice và gạo Thơm RVT sang Hà Lan và Cộng hòa Séc với giá tới 1.040 USD/tấn.
Nhiều công ty đã mạnh dạn liên kết với nông dân để sản xuất gạo sạch trên diện tích lớn. Ngay trong vụ đông xuân 2020-2021, tại các cánh đồng lớn liên kết đang xuống giống của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An ở các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, công ty đã loại hẳn thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất ra khỏi đồng ruộng trên diện rộng. Quyết định này của công ty được nông dân, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương và người tiêu dùng ủng hộ và đồng hành.
Năm 2021 tiếp tục thuận lợi
Theo nhận định của một số chuyên gia lúa gạo, năm 2021, sẽ tiếp tục thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Trước hết, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn rất phức tạp trên toàn cầu, do đó, gạo vẫn là một trong những loại thực phẩm mà nhiều người tiêu dùng trên thế giới ưu tiên tích trữ, sử dụng, nhất là khi phải tuân thủ giãn cách xã hội, hoặc bị thất nghiệp do Covid-19.
Hiệu ứng của Hiệp định EVFTA đã và đang tác động rất tích cực đến khách mua gạo Việt Nam. Theo ông Phạm Thái Bình, không chỉ ở châu Âu mà ở các quốc gia phát triển khác, cũng tăng mua gạo của nước ta. Đây là một điều kiện thuận lợi để trong năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn có chiều hướng phát triển tốt.
Gạo Việt Nam đang ngày càng được nâng tầm, nhờ nỗ lực sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn an toàn, sản xuất lúa hữu cơ của nhiều doanh nghiệp và nông dân. Xu hướng hiện nay là nhà nông và doanh nghiệp đã tập trung sâu vào chất lượng chứ không còn chạy theo số lượng. Đó là những yếu tố quan trọng giúp cho gạo Việt Nam thêm nhiều thuận lợi trong xuất khẩu năm 2021.
Ông Phạm Thái Bình, TGĐ Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An
Một vấn đề tồn tại qua nhiều năm của ngành hàng lúa gạo Việt Nam là đa số các doanh nghiệp chưa tập trung vào xuất khẩu theo hướng bền vững, không liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, nên thường xuyên tranh mua tranh bán, hạ giá thành, thậm chí bán lỗ để giành khách hàng với nhau. Gạo Việt Nam luôn bị chính các doanh nghiệp Việt dìm giá, dẫn đến ngành hàng lúa gạo Việt Nam luôn không ổn định, giá trị hạt gạo bán đi luôn thấp hơn giá trị thực, sản xuất và thu nhập của nông dân rất bấp bênh. Đây là điểm yếu cần được khắc phục để hạt gạo Việt Nam có sức cạnh tranh và tăng giá trị trên trường quốc tế.