Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC) thuộc Bộ Công thương, ước tính trong tháng 5 vừa rồi, lượng gạo xuất khẩu là 750 ngàn tấn, trị giá 395 triệu USD; tăng tới 47% về lượng và 55,3% về trị giá so với tháng 4/2020; tăng 11,7% về lượng và 35,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 5 cũng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua khi đạt mức bình quân 527 USD/tấn, tăng 5,6% so với tháng 4 và tăng 21,4% so với tháng 5/2019. Nhờ giá gạo bình quân tăng cao trong tháng 5, trong 5 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu đạt bình quân 485 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ 2019.
Những ngày đầu tháng 6, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục ở mức cao. Gạo Jasmine hiện từ 553 - 557 USD/tấn, gạo 5% tấm 473 - 477 USD/tấn, gạo 25% tấm 453 - 457 USD/tấn, tấm 368 - 372 USD/tấn. Mức giá hiện nay của gạo 5% tấm được cho là cao nhất trong vòng 8 năm qua (kể từ đầu năm 2012).
Lượng và giá gạo xuất khẩu tăng mạnh trong tháng 5, cho thấy nhu cầu nhập khẩu gạo đang khá lớn tại nhiều thị trường. VITIC cho hay, thị trường gạo thế giới trong tháng 5 khá sôi động do nhiều nước cần dự trữ thêm lương thực để phòng khi dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
Tại Philippines, giá gạo vốn đã tăng từ khi xảy ra dịch Covid-19, trong tháng 5 tiếp tục có xu hướng tăng khi Chính phủ và người dân nước này tăng cường tích trữ trong bối cảnh giá gạo thế giới tăng nhanh. Giá lúa tại trang trại trong tuần đầu tiên của tháng 5/2020 ở Philippines là 18,81 peso/kg, tăng đáng kể so với mức 15,79 peso đầu năm 2020; giá gạo xát thường và xát kỹ tăng lần lượt 3,75% và 2,15% lên 37,90 peso/kg và 42,34 peso/kg.
Ở Indonesia, dù đang giữa vụ thu hoạch lúa và Chính phủ đã tăng gấp đôi lượng gạo bán ra thị trường, nhưng giá gạo vẫn có xu hướng tăng nhẹ trong tháng 5. Giá bán lẻ gạo trung bình trên thị trường trong tháng 5 là 12.050 rupiah (0,81 USD)/kg, tăng so với 11.800 rupiah hồi đầu năm và so với 11.700 rupiah cách đây một năm. Giá gạo do Bulog (Cơ quan lương thực Indonesia) bán lẻ ra thị trường giao động trong khoảng 9.450 rupiah đến 10.250 rupiah/kg tùy mỗi khu vực.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của Covid-19, việc vận chuyển, xuất khẩu gạo ở một số nước vẫn đang gặp ít nhiều khó khăn. Chính vì vậy, không chỉ gạo Việt Nam, gạo xuất khẩu của nhiều nước khác cũng đang được duy trì ở mức cao. Chẳng hạn, ngày 8/6, giá gạo trắng 100%B của Thái Lan ở mức 506 - 510 USD/tấn, gạo 5% tấm 496-500 USD/tấn, gai 25% tấm 470 - 474 USD/tấn, gạo Hom Mali 92% 1.058 - 1.062 USD/tấn.
Gạo 5% tấm của Pakistan hiện ở mức 448 - 452 USD/tấn, tương đương với giá gạo cùng loại của Myanmar. Gạo trắng của Ấn Độ cũng đã tăng đều đặn trong thời gian qua và hiện ở mức 368 - 372 USD/tấn …
Theo VITIC, một số nước nhập khẩu lớn như Philippines, Indonesia và Malaysia vẫn đang có nhu cầu mua gạo để bổ sung vào kho dự trữ. Do đó, dự báo giá gạo xuất khẩu trên thế giới sẽ duy trì ở mức tốt trong thời gian tới.
Bộ Công thương cho rằng nếu duy trì được đà xuất khẩu như hiện nay, Việt Nam có thể vươn lên, thay thế Thái Lan ở vị trí nước xuất khẩu gạo số 2 thế giới trong năm nay. Bởi trong 4 tháng đầu năm nay, Thái Lan chỉ xuất khẩu được hơn 2,1 triệu tấn gạo, tương đương với lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.