Nhiều tín hiệu tích cực
Sáng 6/3, Hội chợ Xuất khẩu Đồ gỗ và Nội thất TP.HCM - Hawa Expo 2024 chính thức khai mạc tại SECC (quận 7) thu hút 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia trưng bày triển lãm.
Tham dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị; Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, cùng hơn 30 đại biểu đến từ các chamber, lãnh sự quán các nước.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các hiệp hội, doanh nghiệp gỗ và lâm sản trong việc tổ chức Hội chợ Hawa Expo 2024.
Theo Thứ trưởng, năm 2023, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản toàn quốc đạt khoảng 14,5 tỷ USD, giảm 15,4% so với năm 2022.
"Đây là mức giảm cao nhất trong 20 năm qua của ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu chưa từng gặp. Sự sụt giảm đó có nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan. Việc sụt giảm đó không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến cả chuỗi cung nguyên liệu của người trồng rừng trong năm qua”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhận định, bước sang năm 2024 mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng triển vọng của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có những tín hiệu tích cực. Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt gần 2,4 tỷ USD.
Bộ NN-PTNT dự kiến, năm 2024 giá trị gỗ và lâm sản xuất khẩu đạt trên 15 tỷ USD. “Để đạt được mục tiêu này, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm và phải có những giải pháp căn cơ trong việc đổi mới công nghệ, cung ứng nguyên liệu và đặc biệt là vấn đề thị trường.
Hawa Expo 2024 chính là minh chứng cho sự chủ động linh hoạt, sáng tạo và thích ứng của các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.
Sự kiện này sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả; tạo ra nhiều sự kết nối, giao lưu, hợp tác; giúp đưa hình ảnh gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến với các khách hàng trên toàn thế giới, góp phần giúp ngành chế biến gỗ và sản phẩm gỗ lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đánh giá.
Phát triển thị trường, quảng bá thương hiệu
Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, ngành gỗ luôn được đánh giá là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đóng vai trò chủ lực của nền kinh tế trong sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy thương mại, xuất khẩu.
Ngành gỗ giai đoạn vừa qua, đã có những chuyển biến vượt bậc trong sản xuất - xuất khẩu, ngày càng có sức cạnh tranh, vị thế quan trọng trên thị trường thế giới, luôn duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định.
Các doanh nghiệp trong ngành đã chú trọng vào nâng cao chất lượng sản phẩm, kết hợp đẩy mạnh gia tăng giá trị thương hiệu, qua đó duy trì và chiếm lĩnh một số thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… Đồng thời, mở rộng sự hiện diện của thương hiệu và sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đến 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
“Trong bối cảnh thị trường khó khăn, thách thức, cơ hội đan xen, bên cạnh những yếu tố liên quan đến thị trường, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là xu hướng lớn trên thế giới, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển ngành gỗ trong giai đoạn mới”, Thứ trưởng Thắng nói và cho biết thêm, trước bối cảnh đó, Bộ Công thương, đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm lớn cả trong và ngoài nước.
Đồng thời, quan tâm các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm gỗ Việt Nam, để có thể đáp ứng các tiêu chuẩn xanh cả về môi trường và xã hội, bắt nhịp với xu thế sản xuất, tiêu dùng bền vững của thế giới.
"Trong nhiều năm qua, các hiệp hội ngành gỗ trung ương và địa phương đã thể hiện vai trò cầu nối, chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ triển lãm, giao thương xúc tiến thương mại tại các thị trường nước ngoài tương đối hiệu quả, đáp ứng nhu cầu kết nối của cộng đồng doanh nghiệp”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhận định.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này, ông Nguyễn Thanh Lam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt (Bình Dương) cho biết, rất kỳ vọng vào hội chợ năm nay. "Năm ngoái, sau khi tham gia hội chợ HawaExpo 2023 chúng tôi đã có thêm hai khách hàng đến từ Trung Đông và châu Âu và có đơn hàng đều đều. Sáng giờ chúng tôi đã tiếp 20 đoàn khách quốc tế đến tham quan", ông Lam nói.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HAWA, Chủ tịch Công ty Viforest Fair, Trưởng Ban Tổ chức HawaExpo, năm nay với chủ đề “Navigating the World of Possibilities”, HawaExpo chủ động định hướng doanh nghiệp phát huy sự đa dạng của ngành gỗ và mỹ nghệ Việt Nam.
Hội chợ đã quy tụ được hơn 2.500 gian hàng, của hơn 500 đơn vị tham gia triển lãm, trong đó có hơn 80% doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu đồ gỗ và mỹ nghệ Việt Nam và các nước như: Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Pháp, Tây Ba Nha…
HawaExpo 2024 diễn ra từ ngày 6-9/3 tại hai điểm triển lãm: Trung tâm Hội chợ triển lãm SECC (đường Nguyễn Văn Linh, quận 7) và White Palace Phạm Văn Đồng (đường Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức). Dự kiến sẽ thu hút trên 30.000 nhà mua hàng và khách tham quan đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự để kết nối giao thương.