| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt trên 15 tỷ USD

Thứ Sáu 26/11/2021 , 11:21 (GMT+7)

Xuất khẩu gỗ đang hồi phục, xuất khẩu nhiều lâm sản ngoài gỗ vẫn tăng trưởng tốt. Vì vậy, xuất khẩu gỗ và lâm sản năm nay sẽ vượt mốc nói trên.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt hơn 15 tỷ USD. Ảnh: Thanh Sơn.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản sẽ đạt hơn 15 tỷ USD. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đang hồi phục khá mạnh mẽ. Trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 951 triệu USD.

Tuy vẫn chưa quay trở lại mốc 1 tỷ USD/tháng như trong các tháng nửa đầu năm và còn thấp hơn khá nhiều so với kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10/2020 (1,283 tỷ USD), nhưng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10 vừa qua đã tăng rất mạnh so với tháng 9/2021, với mức tăng 35,6%.

Nhờ sự hồi phục mạnh trong tháng 10, nên trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 12,085 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ 2020.

Trong nửa đầu tháng 11, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 585 triệu USD, tăng rất mạnh so với 397 triệu USD trong nửa đầu tháng 10. Quan trọng hơn, với việc trong nửa đầu tháng 11 đã đạt gần 600 triệu USD, chắc chắn xuất khẩu của cả tháng sẽ quay lại mốc 1 tỷ USD kể từ tháng 7/2021 đến nay.

Với đà phục hồi đó, trong tháng 12, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hoàn toàn có thể tiếp tục ở mức hơn 1 tỷ USD. Như vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm chắc chắn sẽ đạt hơn 14 tỷ USD, thậm chí vẫn có thể đạt mục tiêu đã đề ra từ đầu năm là 14,5 tỷ USD.

Nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thị trường thế giới đang tăng cao trong những tháng cuối năm, nhất là thị trường Mỹ. Đây là thời điểm để gia tăng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là đồ nội thất bằng gỗ sang Mỹ,  phục vụ cho nhu cầu về mua sắm, tiêu dùng trong các dịp lễ lớn cuối năm tại thị trường này.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành gỗ, bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19, ngành gỗ Việt Nam có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cao trong dài hạn. Trong đó, có yếu tố quan trọng về nhu cầu trên thị trường.

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, làn sóng chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu gỗ theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ có giá trị thấp dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ.

Việc các doanh nghiệp chế biến gỗ đang tiếp tục phục hồi năng lực sản xuất, cũng sẽ góp phần rất quan trọng để ngành gỗ tiếp tục tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Liêm, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, cho biết, cuối tháng 10, các doanh nghiệp gỗ trên địa bàn có công suất hoạt động đạt khoảng 50-55%, đến cuối tháng 11 lên khoảng 60-65%, dự kiến đến cuối tháng 12 sẽ đạt khoảng 70-75% và sẽ lên trên 80% vào cuối tháng 2/2022.

Điều đáng chú ý là không chỉ xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, xuất khẩu nhiều mặt hàng lâm sản ngoài gỗ cũng tăng trưởng ấn tượng trong năm nay. Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm đã đạt 700 triệu USD, tăng tới 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đây, kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu mây, tre, cói và thảm là 611 triệu USD, đạt được vào năm 2020. Như vậy, xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay không chỉ đã phá kỷ lục nói trên, mà còn đưa nhóm hàng mây, tre, cói và thảm lần đầu tiên chạm mốc 700 triệu USD. Với giá trị xuất khẩu đạt được trong mỗi tháng đang ở mức khoảng 70 triệu USD, xuất khẩu mây, tre, cói và thảm trong cả năm nay hoàn toàn có thể lần đầu tiên vượt mốc 800 triệu USD.

Như vậy, với sự phục hồi mạnh mẽ của xuất khẩu gỗ trong những tháng cuối năm, sự tăng trưởng ấn tượng của nhóm hàng mây, tre, cói và thảm, cộng với các lâm sản khác, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong cả năm nay hoàn toàn có thể đạt trên 15 tỷ USD.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.