Giá giảm, dân kêu cứu
Nhiều hộ nuôi trồng và doanh nghiệp hoạt động XK thủy sản ở Móng Cái đang chết dần, chết mòn. Tôm giá giảm đến một nửa. Một doanh nghiệp có đến hàng 100 container sứa chưa có khả năng tiêu thụ gần nửa năm nay và nhiều mặt hàng thủy sản bị phía Trung Quốc dừng hẳn việc thu mua.
Tôm là một trong những mặt hàng XK lớn, song giá giảm nên người nuôi đang rất khó khăn. |
Trong thời gian ngắn, hàng chục hộ chăn nuôi tôm thẻ chân trắng tại TP Móng Cái kêu cứu tới cơ quan chức năng về giá tôm giảm mạnh. Nếu như trước đây giá tôm lên đến 150 - 160 nghìn đồng/kg thì nay giảm còn một nửa. Đa phần các hộ nuôi trồng tôm tại TP Móng Cái duy trì với mục đích XK sang Trung Quốc.
Trước đây, tôm thẻ chân trắng của Móng Cái đều được XK bằng hình thức ướp đá nhưng nay phía Trung Quốc không chấp nhận. Ngoài ra, sứa muối biển phèn, ngao giá (ngao 2 cùi) và rươi XK theo hình thức cũ đều không nằm trong danh sách được thông quan.
Ông Nam, nông dân nuôi tôm tại xã Vạn Ninh, TP Móng Cái, than phiền về sự vất vả trong nuôi trồng năm nay.
“Chính quyền cùng cơ quan chức năng nhận biết tầm ảnh hưởng của giống tôm này đến kinh tế địa phương nên đã lập quy hoạch đồng bộ khu vực nuôi trồng, hướng dẫn, đầu tư cơ sở vật chất. Đến khi đã đủ kinh nghiệm nuôi trồng, chống chọi với đủ thứ dịch bệnh để hưởng niềm vui mùa thu hoạch, thì đích đến là XK sang Trung Quốc lại mờ xa”, ông Nam ví von.
Khi “ông hàng xóm” đưa ra 137 danh mục nhập khẩu với từng mặt hàng, trong đó không có tôm ướp đá, vốn vẫn là mặt hàng chính của người dân địa phương, nguồn sống của nhiều hộ gia đình, thì “thua lỗ, thiệt hại” là cách người dân dùng để trả lời về vấn đề này.
Với kim ngạch XK 6 tháng đầu năm qua cửa khẩu Móng Cái đạt 2,5 tỷ USD, tăng 35% về tờ khai và tăng 15% về kim ngạch so với năm 2018, thì nhiều doanh nghiệp đã biết tiếp thu nhanh chóng yêu cầu của Trung Quốc để đưa điều chỉnh hợp lý. Đây sẽ là cơ hội phát triển toàn diện với những doanh nghiệp biết cách tận dụng, nắm bắt cơ hội. |
Điều đáng nói, các hộ đều đã được cấp nuôi trồng, mã vùng, tôm hoàn toàn đạt chuẩn an toàn để XK. Tôm không xuất được do người dân quen với cách ướp đá, kỹ thuật cấp đông (cần có nhà máy, dây chuyền) thì quá sức, chưa thể thực hiện trong thời gian ngắn khiến tôm không xuất được, giá giảm mạnh.
Theo ông Bùi Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ninh, chỉ 3 doanh nghiệp được phía Trung Quốc đồng ý cấp mã doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có đủ trang thiết bị cấp đông theo quy định. Tuy nhiên, quy mô còn rất nhỏ, không thể cấp đông số lượng thủy sản lớn như hiện nay. Ngoài ra, 3 doanh nghiệp này nằm rải rác ở những TP lân cận còn TP Móng Cái không có doanh nghiệp nào được cấp mã doanh nghiệp đủ điều kiện.
“Theo ước tính số lượng tôm một năm của TP Móng Cái có thể lên đến 2.500 tấn. Nếu đồng loạt “đổ” vào các doanh nghiệp chế biến, cấp đông nói trên là không khả thi”, ông Liêm nói.
Theo ông Liêm, khúc mắc ở đây chính là sự chủ quan của người nuôi trồng, vẫn đinh ninh tư tưởng gần sát biên giới, dễ dàng vận chuyển khiến độ tươi của thủy sản không mấy ảnh hưởng. Chỉ đến khi Trung Quốc siết chặt quản lý mới lo đối phó, cuống cuồng chạy ngược chạy xuôi hoàn thành thủ tục xin được chấp thuận.
Không phải Trung Quốc gây sức ép
Việc Trung Quốc thực hiện siết chặt hàng nông sản nhập khẩu diễn ra từ đầu tháng 5/2019 đến nay thực ra không đột ngột mà có lộ trình cụ thể, Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã thông báo từ tháng 11/2018. Tại thông báo này các chính sách như kiểm soát C/O, chứng thư kiểm dịch, mã vùng nuôi trồng, vùng khai thác, quy cách bao bì, nhãn mác, truy xuất hồ sơ doanh nghiệp và các biện pháp kiểm soát, xử lý vi phạm được nêu rất chi tiết đối với mặt hàng nông sản và thủy sản.
Có những lúc giá tôm XK sang Trung Quốc giảm còn một nửa. |
Nhận được thông báo, Sở NN-PTNT Quảng Ninh cũng đã phối hợp với UBND các địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn để đề ra phương án phối hợp cấp mã vùng nuôi trồng và mã doanh nghiệp. “Thế nhưng chúng ta vẫn đang bị động khi phải chờ đợi phía Trung Quốc chấp thuận, chưa phải là người làm chủ trong cuộc chơi, quá trình chờ đợi khiến người nuôi trồng và doanh nghiệp XK lận đận”, ông Liêm nhận xét.
Ngoài những yêu cầu khắt khe tất cả mặt hàng nông sản phải có giấy phép của cơ quan kiểm dịch, đảm bảo đầy đủ thông tin tên, nguồn gốc xuất xứ, tên mã số vườn trồng và cơ sở nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh, danh sách vườn trồng doanh nghiệp đóng gói phải được cơ quan quản lý của Việt Nam thông báo chính thức cho Trung Quốc. Khi khai báo mã vườn trồng, cơ sở đóng gói được ghi trong phần khai báo bổ sung trong giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dán thêm nhãn để bổ sung các thông tin kể trên, đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả trên sản phẩm để có thể kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
“Khi thị trường Trung Quốc khắt khe hơn với nông sản Việt đòi hỏi doanh nghiệp thay đổi toàn diện từ phương thức sản xuất đến cách thức lưu thông hàng hóa. Hàng trăm quy định ngặt nghèo với mục đích chung là đảm bảo ATVSTP, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hiện thực hóa chuỗi sản xuất an toàn…, thế nên khi bắt kịp xu hướng, chắc chắn nông sản nói chung, thủy sản nói riêng của Việt Nam sẽ không còn sợ khi XK”, ông Liêm khuyến nghị.